Trong bản tin dự báo mùa của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, các chuyên gia cho biết nhiệt độ mặt nước biển tại khu vực trung tâm Thái Bình Dương dần chuyển sang pha lạnh và đã đạt ngưỡng La Nina. Đây là hiện tượng mặt nước biển lạnh đi một cách bất thường, trái ngược với El Nino.
Với sự trở lại của hiện tượng này, mùa mưa ở Nam Bộ và Tây Nguyên được dự báo kết thúc muộn. Trong khi đó, miền Bắc có thể trải qua nhiều ngày rét đậm, rét hại trong mùa đông năm nay.
Trao đổi với Zing, bà Lê Thị Xuân Lan, nguyên Phó phòng Dự báo Đài Khí tượng Thủy văn Nam Bộ, cho biết TP.HCM và các tỉnh, thành phố phía nam chưa thể chấm dứt mùa mưa vào đầu tháng 11 như thường lệ. Năm nay, khu vực khả năng kết thúc mùa mưa vào cuối tháng 11.
Chuyên gia cũng dự báo trong các tháng mùa khô, khu vực có thể tiếp tục hứng các trận mưa trái mùa.
Trong khi đó, mùa bão trên Biển Đông còn dồn dập từ nay đến cuối năm, có thể kéo dài đến đầu năm 2022 và ảnh hưởng tập trung ở các tỉnh, thành phố Trung Bộ, Nam Bộ. Càng về cuối năm, những cơn bão càng có xu hướng đi xuống phía nam nhiều hơn.
Bà Lan đưa ra dự báo nửa cuối tháng 11, Nam Bộ có thể chịu ảnh hưởng của bão trên Biển Đông. Do đó, không loại trừ khả năng TP.HCM và các tỉnh, thành phố lân cận hứng những cơn mưa lớn, cực đoan trong hơn một tháng còn lại của mùa mưa.
Theo cơ quan khí tượng, khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ duy trì trạng thái mưa dông liên tục các ngày 21-28/10. Mưa xuất hiện tập trung về chiều và tối, nhiều khả năng xuất hiện những cơn mưa lớn kèm nguy cơ dông, lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh.
Trong khi mùa mưa ở TP.HCM kết thúc muộn, Hà Nội liên tục hứng các đợt không khí lạnh gây mưa rét ngắn ngày. Ảnh: Thế Bằng. |
Về mùa đông năm nay ở miền Bắc, cơ quan khí tượng cho biết khu vực khả năng hứng rét đậm, rét hại từ giữa tháng 12, sớm hơn trung bình nhiều năm. Số ngày rét đậm trong tháng 1/2022 nhiều hơn so với các năm trước.
Hiện, một bộ phận không khí lạnh đang di chuyển xuống nước ta và sẽ sớm tác động đến các tỉnh, thành phố Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ. Ngày 21-22/10, miền Bắc trở rét với nhiệt độ thấp nhất phổ biến 16-19 độ C, vùng núi có nơi bắt đầu rét đậm dưới 15 độ C. Đây là đợt không khí lạnh mạnh nhất kể từ đầu mùa.
Đi kèm với đó, ảnh hưởng của rãnh áp thấp sẽ gây mưa cho khu vực Bắc Bộ và các tỉnh từ Thanh Hóa đến Quảng Bình trong hai ngày tới. Như vậy, mưa dông đi kèm với nhiệt độ xuống thấp khiến người dân ở miền Bắc cảm nhận cái rét rõ rệt hơn dù mới ở cuối tháng 10.
Tại Hà Nội, người dân bắt đầu cảm thấy rét từ đêm 21/10 do nhiệt độ hạ xuống mức thấp nhất 17-19 độ C. Trạng thái mưa rét quay trở lại khu vực, nhiệt độ giảm 2-3 độ C so với đợt lạnh những ngày qua.
Ngoài ra, cơ quan khí tượng nhận định miền Trung có thể bước vào đợt mưa lớn tiếp theo trong các ngày 22-27/10. Khu vực chỉ còn hai ngày nữa để chuẩn bị ứng phó với thời tiết cực đoan sắp tới. Chuyên gia cảnh báo trọng tâm đợt mưa sắp tới tiếp tục nằm ở khu vực từ Hà Tĩnh đến Quảng Ngãi, là nơi vừa hứng chịu mưa lũ những ngày qua.
Theo thống kê của Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng chống thiên tai, mưa lũ trong các ngày 16-19/10 khiến 54 xã ngập lụt, thuộc các tỉnh, thành phố từ Quảng Bình đến Đà Nẵng. Hàng nghìn ngôi nhà ngập trong nước lũ, hàng chục căn nhà bị tốc mái.
Mưa lũ cũng khiến 3 người chết và 3 người mất tích; hơn 2.000 ha lúa và 380 ha hoa màu bị ngập, hư hại.
Ngày 20-21/10, thời tiết ở miền Trung tạnh ráo, người dân cần tranh thủ dọn dẹp sau lũ và gia cố nhà cửa, tài sản để chuẩn bị ứng phó đợt mưa tiếp theo.
Link nội dung: https://biztoday.vn/vi-sao-mua-mua-nam-nay-o-tphcm-ket-thuc-muon-192591.html