Theo Chủ tịch Quốc hội, nước ta là quốc gia chịu nhiều ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và thiên tai gây thiệt hại đến cây trồng, nuôi trồng và đánh bắt thủy hải sản. Tuy nhiên, hiện nay, khi thiệt hại do thiên tai thì khắc phục hậu quả còn nặng về hỗ trợ của nhà nước hoặc hỗ trợ từ hoạt động thiện nguyện trong nhân dân. Trong khi đó, bù đắp cho thiệt hại này từ sản phẩm bảo hiểm còn chưa đáp ứng, thậm chí sản phẩm bảo hiểm cho lâm nghiệp, ngư nghiệp gần như là chưa có.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ.
Đối với bảo hiểm cho cây trồng, vật nuôi được làm thí điểm theo Nghị định số 58/2018/NĐ-CP về bảo hiểm nông nghiệp. Song thực tế triển khai rất khó khăn. Thời kỳ triển khai thí điểm sản phẩm bảo hiểm nông nghiệp này lại diễn ra đúng thời kỳ rủi ro khi có dịch bệnh ở tôm thẻ chân trắng, khi áp dụng mô hình này đã không đủ sức để đền bù cho thiệt hại của dịch bệnh trên. Từ đó việc triển khai thí điểm không còn được phát triển mà lụi dần đi. Hơn nữa, việc triển khai thời gian qua mới chủ yếu tập trung vào hộ gia đình kinh doanh nông nghiệp với sự hỗ trợ đóng góp của nhà nước mà chưa đạt được mục tiêu doanh nghiệp khi tham gia sản xuất nông nghiệp phải tham gia bảo hiểm.
Các nông trại, trang trại lớn, các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ chức kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp tham gia bảo hiểm chưa có nhiều.
Theo ông Vương Đình Huệ, mặc dù dự thảo Luật đã có tiếp thu nhưng nội dung về sản phẩm bảo hiểm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp là chưa đủ, chưa đáp ứng được yêu cầu của phát triển thị trường này trong thời gian tới.
Khi có thiệt hại do thiên tai, bão, lũ bên cạnh phần hỗ trợ của ngân sách nhà nước, là một phần hỗ trợ bắt buộc, trách nhiệm của nhà nước, thì cần chuyển hướng bù đắp thiệt hại chủ yếu bằng các sản phẩm và dịch vụ bảo hiểm.
Bảo hiểm nông, lâm, ngư nghiệp gần như chưa có.
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, mặc dù bảo hiểm nông, lâm, ngư nghiệp là rất khó, khó trong tính toán phí bảo hiểm... nhưng khó cũng phải làm để phát triển mạnh bảo hiểm trong lĩnh vực này theo tiến bộ của thế giới và làm cho người nông dân yên tâm khi có bệ đỡ là bảo hiểm. Nếu có rủi ro, tổn thất, thiệt hại, người nông dân hoàn toàn có thể khôi phục lại được sản xuất.
Chủ tịch Quốc hội chia sẻ, dân mình đánh bắt, nuôi trồng thủy sản rất vất vả, phụ thuộc rất lớn vào thời tiết, trong đó có cả bảo hiểm tài sản, kể cả bảo hiểm liên quan đến thời tiết thì cũng cần được tính toán đến.
Chủ tịch Quốc hội cũng cho biết, dự thảo Luật không thể quy định hết mọi nội dung nhưng cần quy định những vấn đề căn bản nhất để Chính phủ có hướng dẫn chi tiết, tiếp tục hoàn thiện Nghị định hướng dẫn về bảo hiểm nông nghiệp.
Thực tế, Nghị định hiện hành chưa đi vào cuộc sống nên cần được đánh giá tổng kết một cách đầy đủ việc triển khai thực hiện, thấy được những điểm được và chưa được, chỉ ra được nguyên nhân vì sao quy định chưa đi vào cuộc sống... từ đó đúc kết để thể chế hóa, pháp điển hóa vào trong dự án Luật lần này.
Link nội dung: https://biztoday.vn/san-pham-bao-hiem-nong-lam-ngu-nghiep-gan-nhu-chua-co-195987.html