Chứng khoán Mỹ lập kỷ lục mới ngay trong phiên giao dịch đầu tiên của tháng 11 sau khi thị trường bứt phá thành công khỏi một giai đoạn khó khăn.
Chứng khoán Mỹ khởi sắc ngay trong phiên giao dịch đầu tiên của tháng 11. Ảnh: CNBC
Chốt phiên giao dịch ngày 1/11, chỉ số Dow Jones cộng 94,28 điểm, tương đương 0,26%, lập kỷ lục mới 35.913,84 điểm, được hỗ trợ bởi đà leo dốc của cổ phiếu Boeing và Dow Inc. Chỉ số S&P 500 cộng gần 0,2% lên 4.613, 67 điểm, cũng khép phiên ở mức cao mọi thời đại. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 0,6% lên 15.595,92 điểm và cũng ghi nhận mức đóng cửa cao kỷ lục.
Trong khi đó, chỉ số vốn hóa nhỏ Russell 2000 nhảy vọt 2,6%, ghi nhận phiên tăng mạnh nhất kể từ ngày 27/8/2021.
Cổ phiếu Tesla, vốn vừa trở thành công ty có giá trị vốn hóa 1.000 tỷ USD vào tuần trước, tiếp tục đà tăng mạnh khi leo dốc gần 8,5%.
Các cổ phiếu nhạy cảm đến sự phục hồi kinh tế, như Ford và Occidental Petroleum, cũng ghi nhận sắc xanh. Cổ phiếu Ford cộng 5% và cổ phiếu Occidental Petroleum nhích 3,8%. Lĩnh vực hàng không và bán lẻ giao dịch khởi sắc, trong khi nhóm cổ phiếu công nghệ vốn hóa lớn có diễn biến kém tích cực.
Tom Lee, Giám đốc nghiên cứu tại Fundstrat nhận xét: "Lực đẩy quan trọng đối với thị trường cổ phiếu là đà hồi phục kinh tế toàn cầu mạnh mẽ. Cùng với đó là diễn biến dịch Covid dần-19 đang dần được kiểm soát. Nhờ chiến dịch tiêm vaccine trên diện rộng, sự chuyển biến về y tế có thể tăng tốc đáng kể trong năm 2022".
Trong tháng 9, các chỉ số chứng khoán Mỹ đồng loạt lao dốc, trong đó S&P 500 mất hơn 4%. Tuy nhiên, sang tháng 10, thị trường đã phục hồi mạnh mẽ, S&P 500 tăng 6,9%, Dow Jones công 5,8%, Nasdaq leo dốc 7,3% và chứng kiến tháng giao dịch tốt nhất kể từ tháng 11/2020. Tính từ đầu năm đến nay, S&P 500 đã tăng hơn 22%.
Thị trường chứng khoán Mỹ đang chuẩn bị cho một tuần quan trọng, gồm báo cáo lợi nhuận của nhiều doanh nghiệp, cuộc họp quan trọng của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và báo cáo việc làm tháng 10 của Mỹ.
FED dự kiến ngày thứ Tư sẽ phê duyệt kế hoạch giảm quy mô chương trình mua tài sản hàng tháng trị giá 120 tỷ USD, vốn được áp dụng để giúp nền kinh tế vượt qua thời kỳ đại dịch, Ngoài ra, giới đầu tư đang chờ đợi những bình luận của các nhà hoạt động chính sách về lãi suất và tình trạng lạm phát.
Mùa báo cáo kết quả kinh doanh mạnh mẽ đưa tháng chứng khoán Mỹ thăng hoa trong tháng 10 sẽ tiếp tục trong tuần này. Khoảng 50% số công ty thuộc S&P 500 đã công bố kết quả kinh doanh quý III và hơn 80% số này có lợi nhuận vượt kỳ vọng từ các nhà phân tích trên Phố Wall, theo Refinitiv.
Bộ Lao động Mỹ dự kiến sẽ công bố báo cáo việc làm tháng 10 trong ngày thứ Sáu.
Chiến lược gia đầu tư Jim Paulsen của Leuthold Group nhận định: “Điểm quan trọng của báo cáo này là mức lạm phát tiền lương cũng như số liệu việc làm mới”.
Về dữ liệu kinh tế, Viện quản lý cung ứng (ISM) hôm thứ Hai cho biết, chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) trong lĩnh vực sản xuất của Mỹ đã giảm từ 61,1 trong tháng 9 xuống 60,8 trong tháng 10, cao hơn dự báo giảm xuống mức 60,5 từ các chuyên gia kinh tế.
Bất cứ kết quả nào trên 50 đều cho thấy sự tăng trưởng. Tuy nhiên kết quả trên cũng chỉ ra tốc độ tăng trưởng chậm lại của ngành sản xuất do tình trạng tăng giá kỷ lục của nguyên liệu thô, thiếu hụt và đứt gãy chuỗi cung ứng./.
Link nội dung: https://biztoday.vn/chung-khoan-my-khoi-sac-lap-ky-luc-moi-truoc-cuoc-hop-cua-fed-199959.html