Ảnh minh họa - Ảnh: Reuters.
Giá dầu có một phiên giằng co mạnh trước khi diễn ra cuộc họp về sản lượng của OPEC+.
Lúc đóng cửa, chỉ số Dow Jones tăng 0,39%, đạt 36.052,63 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 0,3%, đạt 4.630,65 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 0,3%, đạt 15.649,6 điểm.
Đây là phiên thứ ba liên tiếp cả ba chỉ số chính của chứng khoán Mỹ cùng chốt ở mức cao chưa từng có. Chỉ số Russell 2000 của cổ phiếu vốn hóa nhỏ đạt mức tăng nhẹ và cũng đạt mức kỷ lục khi khép lại phiên giao dịch.
“Có lẽ, các yếu tố nền tảng đang giữ vai trò động lực chính đưa thị trường đi lên”, chiến lược gia trưởng Jim Paulsen thuộc Leuthold Group nói với hãng tin CNBC.
“Mùa báo cáo kết quả kinh doanh nói chung khả quan hơn nhiều so với dự báo lúc đầu. Nhiều công ty cảnh báo về sự gián đoạn nguồn cung, nhưng hầu hết đều có thể tăng giá bán sản phẩm và dịch vụ, duy trì được tỷ suất lợi nhuận tốt, tận dụng được nhu cầu mạnh và mang lại kết quả kinh doanh khả quan. Mối lo về một sự suy giảm mạnh mẽ về biên lợi nhuận vì thế đã không xảy ra”.
Giá cổ phiếu Pfizer tăng 4,1% sau khi hãng dược này công bố lợi nhuận quý 3 cao hơn dự báo và nâng triển vọng doanh thu và lợi nhuận năm 2021. Cổ phiếu công ty bán lẻ thời trang thể thao Under Armour tăng 16,4% nhờ kết quả kinh doanh khả quan.
Kết quả kinh doanh tốt hơn dự báo của các công ty niêm yết đã đưa chứng khoán Mỹ liên tục lập kỷ lục thời gian gần đây. Tháng 10 vừa qua, S&P 500 và Nasdaq có tháng tăng mạnh nhất kể từ tháng 11/2020.
Tính đến ngày 2/11, trong số các công ty thuộc S&P 500 đã công bố kết quả kinh doanh, 83% đạt lợi nhuận vượt dự báo.
Tuy nhiên, cổ phiếu Tesla giảm hơn 3% trong phiên này, sau khi tăng hơn 50% trong vòng 1 tháng trở lại đây. Cú giảm của cổ phiếu Tesla diễn ra sau khi hãng tuyên bố triệu hồi 11.700 xe để khắc phục lỗi về liên lạc. Nhà đầu tư cũng lo lắng sau khi CEO Elon Musk đăng một dòng tweet nói rằng Tesla vẫn chưa chính thức ký hợp đồng bán 100.000 ô tô điện cho công ty cho thuê xe Hertz. Tuần trước, việc Tesla tuyên bố giành hợp đồng cung cấp 100.000 xe cho Hertz đã đưa vốn hóa thị trường của công ty vượt mốc 1 nghìn tỷ USD.
Giới đầu tư ở Phố Wall đang tiếp tục đặt cược rằng chứng khoán Mỹ sẽ giữ đà tăng cho tới hết năm, mặc những vấn đề về chuỗi cung ứng, rủi ro từ Covid-19, và khả năng Fed rút lại một số biện pháp hỗ trợ kinh tế. Cuộc họp 2 ngày của Fed đã bắt đầu vào ngày 2/11.
Theo dữ liệu từ ngân hàng Bank of America, từ năm 1936 đến nay, S&P 500 tăng bình quân 1,1% trong tháng 11 và 2,3% trong tháng 12. Tháng cuối cùng của năm là tháng “xanh” của chứng khoán Mỹ trong 79% thời gian. Tuy nhiên, Bank of America cũng giữ quan điểm thận trọng.
“Chúng tôi tiếp tục nhận thấy những rủi ro phía trước. EPS năm 2021-2022 vẫn chưa hề thay đổi, cho thấy chu kỳ tăng này có thể đã đạt đỉnh”, chiến lược gia trưởng bộ phận chứng khoán của Bank of America, ông Savita Subramanian, phát biểu.
Giá dầu thô Brent giao sau tại thị trường London tăng 1 cent/thùng, chốt ở 84,72 USD/thùng. Giá dầu WTI giao sau tại thị trường New York giảm 14 cent/thùng, tương đương giảm 0,2%, còn 83,91 USD/thùng.
Giá cả hai loại dầu đã có một phiên giằng co mạnh, nhưng duy trì gần vùng đỉnh của 7 năm, do dự báo lượng dầu tồn kho của Mỹ tăng và do sự thận trọng của nhà đầu tư trước cuộc họp vào ngày thứ Năm tuần này của OPEC+, liên minh giữa Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) và một số đồng minh ngoài khối gồm Nga.
“Có một chút bất an về cuộc họp của OPEC+, và điều đó khiến giá dầu bị ghìm lại. Nhưng xu hướng tăng nói chung vẫn đang mạnh”, nhà phân tích Phil Flynn thuộc Price Futures Group nhận định.
Giá dầu Brent đã tăng hơn 60% trong năm nay do OPEC+ tăng sản lượng chậm so với tốc độ tăng của nhu cầu. Một số nước tiêu thụ dầu lớn đã kêu gọi OPEC+ tăng sản lượng mạnh hơn, nhưng giới quan sát cho rằng trong lần họp này, liên minh sẽ giữ nguyên mức tăng sản lượng 400.000 thùng/ngày mỗi tháng.
Link nội dung: https://biztoday.vn/chung-khoan-my-lap-them-ky-luc-gia-dau-giang-co-truoc-cuoc-hop-opec-200396.html