Thế giới đứng trước "bẫy khủng hoảng" giống những năm 1970: Lạm phát tăng, tăng trưởng thấp, hệ lụy sẽ khốc liệt hơn vì thế giới đã "phẳng"

Các nhà kinh tế thuộc Đại học Harvard và Đại học Cambridge đã lên tiếng cảnh báo tình trạng các quốc gia sẽ phải đối mặt với lạm phát gia tăng và tăng trưởng kinh tế đáng thất vọng như những năm 1970

Thế giới đứng trước "bẫy khủng hoảng" giống những năm 1970: Lạm phát tăng, tăng trưởng thấp, hệ lụy sẽ khốc liệt hơn vì thế giới đã "phẳng"

 

Đã gần nửa thế kỷ trôi qua từ khi Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) áp đặt lệnh cấm vận dầu mỏ đối với Mỹ vào những năm 1970, khiến lạm phát tăng vọt và kinh tế thế giới rơi vào suy thoái kéo dài.

Ngày nay, Covid-19 khiến đại đa số nhà máy ở khu vực Đông Nam Á phải đóng cửa, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất và giao thương. Hàng hóa trở nên khan hiếm và giá cả ngày càng tăng cao. Tình trạng lạm phát đã vượt khỏi tầm kiểm soát của các ngân hàng trung ương, tăng quá 3% ở châu Âu và 5% ở Mỹ.

Giá năng lượng và thực phẩm tăng mạnh một lần nữa đặt nền kinh tế thế giới đối mặt với cú sốc. Giá lương thực toàn cầu đã tăng khoảng một phần ba trong năm qua. Giá khí đốt và giá than gần mức kỷ lục ở châu Á và châu Âu.

Đáng lo ngại là dự trữ cả hai mặt hàng này đều ở mức thấp đáng kinh ngạc ở các nền kinh tế lớn như Trung Quốc và Ấn Độ. Tình trạng thiếu điện ở Trung Quốc được dự báo sẽ lan rộng ra toàn cầu. Chi phí năng lượng tăng càng gây thêm áp lực gia tăng lạm phát và làm cho tâm lí thị trường thế giới trở nên ảm đạm hơn.

Các nhà kinh tế chỉ ra một điểm tương đồng với quá khứ trong môi trường hiện tại. Họ cho rằng tư duy kinh tế vĩ mô đang thụt lùi và tạo lỗ hổng cho lạm phát kéo dài. Trong những năm 1960 và 1970, các chính phủ và ngân hàng trung ương đã chấp nhận đánh đổi lạm phát gia tăng để ưu tiên giảm tỷ lệ thất nghiệp. 

Thế giới đứng trước bẫy khủng hoảng giống những năm 1970: Lạm phát tăng, tăng trưởng thấp, hệ lụy sẽ khốc liệt hơn vì thế giới đã phẳng - Ảnh 1.

Dân Mỹ biểu tình chống lạm phát tăng cao những năm 1970

Điều này diễn ra tương tự vào năm 2020, các gói kích thích kinh tế kéo giảm lãi suất đã làm suy yếu kỷ luật tài khóa, bất chấp nhân công vẫn bỏ việc. Một điểm tích cực khác với những năm 1970 là các ngân hàng trung ương đã không quên kiềm chế lạm phát cũng như không đánh mất cam kết ổn định giá trị tiền tệ. Nhưng động thái này cũng là muối bỏ bể !

Một khác biệt lớn cần phải lưu ý là nền kinh tế toàn cầu đã thay đổi kể từ những năm 1970. Sự hội nhập sâu rộng hơn thông qua các thị trường tài chính, chuỗi cung ứng và thương mại toàn cầu đã tăng lên nhiều lần. 

Thế giới đã thay đổi đáng kể kể từ những năm 1970 và toàn cầu hóa đã tạo ra một mạng lưới rộng lớn phụ thuộc lẫn nhau

Sự phục hồi không đồng đều sau đại dịch đã gây căng thẳng lên các mối quan hệ giữa các nền kinh tế có tính chất ràng buộc với nhau. Bên cạnh đó, các chính phủ vì để đảm bảo an toàn có thể tích trữ hàng hóa và tài nguyên, làm trầm trọng thêm tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng.

Có thể nói, nếu các chính phủ không xem xét kịch bản tồi tệ của những năm 1970 thì hệ quả đưa đến sẽ khốc liệt hơn. 

Link nội dung: https://biztoday.vn/the-gioi-dung-truoc-bay-khung-hoang-giong-nhung-nam-1970-lam-phat-tang-tang-truong-thap-he-luy-se-khoc-liet-hon-vi-the-gioi-da-phang-200991.html