Tính từ 16h ngày 4/11 đến 16h ngày 5/11, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 ghi nhận 7.504 ca nhiễm mới, trong đó 17 ca nhập cảnh và 7.487 ca ghi nhận trong nước (tăng 911 ca so với ngày trước đó) tại 60 tỉnh, thành phố (có 3.207 ca trong cộng đồng).
Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó: Cà Mau (tăng 190), Bình Thuận (tăng 104), Đồng Tháp (tăng 69).
Trong những ngày gần đây, số ca mắc COVID-19 trên địa bàn Hà Nội liên tục tăng tại 7 ổ dịch có nguy cơ lây nhiễm cao. Theo Sở Y tế Hà Nội, đến 18h ngày 5/11, Hà Nội ghi nhận 133 ca mắc COVID-19 mới, trong đó có 61 ca cộng đồng, 33 ca ở khu cách ly và 39 ca ở khu phong tỏa.
Tại TP.HCM, Sở Y tế ban hành hướng dẫn tạm thời phương án phòng, chống dịch COVID-19 tại các cơ sở, kinh doanh, khu công nghiệp (doanh nghiệp), khi phát hiện F0, trường hợp doanh nghiệp có trên 80% người lao động tiêm đủ liều vaccine phòng COVID-19 thì F1 được tiếp tục lao động. UBND TP.HCM ban hành văn bản khẩn về việc tăng cường giám sát đối với người dân từ các tỉnh, thành phố khác trở về thành phố.
Hàng loạt tỉnh miền Tây như Cần Thơ, Kiên Giang, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Cà Mau... đã báo cáo phát hiện nhiều ca mắc COVID-19, có địa phương con số lên đến hàng trăm ca. Nhiều địa phương đã "đổi màu" cấp độ dịch.
Nguyên nhân số ca mắc tăng cao chủ yếu do người trở về từ các vùng có dịch (2% tổng số người trở về các địa phương); các địa phương nới lỏng giãn cách nhằm thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội; lượng người dân di chuyển lớn cùng với tâm lý chủ quan. Đáng lưu ý, một số doanh nghiệp hoạt động sản xuất trở lại nhưng vẫn chưa thực hiện đầy đủ hướng dẫn của Bộ Y tế…
Tại cuộc họp trực tuyến chiều 5/11 với Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Phó trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống dịch COVID-19, Phó Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ Nguyễn Ngọc Hè cho biết, với mục tiêu nỗ lực kiểm soát dịch bệnh trong thời gian sớm nhất, thành phố đang thực hiện xét nghiệm tầm soát trong cộng đồng để ngăn chặn dịch bệnh cho đến khi đạt tỷ lệ phủ vaccine cần thiết. Bên cạnh đó, thành phố tăng cường thanh tra, kiểm tra với các doanh nghiệp sản xuất trở lại; củng cố lực lượng cơ sở để ứng phó với dịch bệnh.
Tương tự, lãnh đạo tỉnh Sóc Trăng cho biết, tỉnh có chủ trương sàng lọc, xét nghiệm nhanh trong cộng đồng, đặc biệt ở những khu vực nguy cơ cao; từ đó, phong tỏa hẹp để tiếp tục sàng lọc nhằm mục tiêu kiểm soát dịch bệnh trên quy mô từng xã, huyện. Cùng với việc tăng cường lực lượng tuần tra, kiểm soát, các khu điều trị tập trung chú trọng việc nâng cao sức khỏe cho các F0 để hạn chế chuyển nặng.
Cùng với các giải pháp xét nghiệm, điều trị, lãnh đạo tỉnh An Giang cho biết, địa phương này tăng cường thành lập Bộ phận phản ứng nhanh tại xóm/ấp/ khu dân cư nhằm kịp thời phát hiện nhanh, quản lý từng hộ dân để truy vết, khoanh vùng; tầm soát nguy cơ cao…
Một số địa phương như Kiên Giang, Tiền Giang đã triển khai thí điểm điều trị F0 tại nhà./.
Link nội dung: https://biztoday.vn/f0-tai-cac-tinh-thanh-tang-cao-chu-yeu-do-nguoi-ve-tu-vung-dich-202085.html