Chưa có chỗ gửi xe ô tô
Sáng 6/11, sau nhiều năm lỡ hẹn, Dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông đã chính thức bàn giao và đón người dân đến trải nghiệm. Ngay trong sáng 6/11, nhiều người dân Thủ đô đã đến các nhà ga của tuyến Metro này để được trải nghiệm cảm giác đi tàu trên cao.
Chị Nguyễn Hồng Nhung (Q.Hà Đông) là một trong những người đến rất sớm ở ga Hà Đông với hy vọng sẽ được trải nghiệm những chuyến tàu đầu tiên. Chị chia sẻ, nhiều lần háo hức, chờ đợi xem "số phận" của đường sắt Cát Linh - Hà Đông sẽ như thế nào, bàn giao vào thời điểm nào. "Hôm nay, thời tiết Hà Nội rất đẹp, đúng chuẩn mùa Thu, vậy nên được ngồi tàu trên cao ngắm nhìn Hà Nội là một cảm giác rất thú vị. Tôi thích điều đó", chị Nhung chia sẻ.
Sổ hướng dẫn đi tàu được phát cho hành khách ngay trong ngày đầu tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông vận hành thương mại
Cùng sự háo hức như chị Nhung, anh Bùi Thế Anh (Xa La, Q.Hà Đông) còn bày tỏ thêm sự băn khoăn khi nơi gửi xe máy hơi xa nhà ga. Theo anh, đó là một sự bất tiện không hề nhỏ với hành khách đi tàu. "Tôi gửi xe máy rồi đi bộ khoảng 400m, nếu thời tiết như hôm nay thì không vấn đề gì, tuy nhiên nếu trời mưa rét mướt hay lúc thời tiết ngoài trời 40 độ C thì không dễ chịu chút nào", anh chia sẻ.
Được biết, sau khi bàn giao để vận hành thương mại, tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông hiện không có chỗ bố trí cho khách đi ô tô cá nhân gửi xe để đi tàu nhưng có 12 ga bố trí chỗ gửi xe máy cho người dân đi tàu.
Người dân đi xe máy, xe đạp muốn đi tàu thì sẽ phải gửi xe cách nhà ga khoảng 200 - 400m.
Ngoài ra, dọc tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông có 55 tuyến xe buýt đã có phương án kết nối với đường sắt này từ năm 2020. Ga đầu Cát Linh và ga cuối Yên Nghĩa có 16 tuyến buýt, ga ít nhất 7 tuyến. Trong tương lai sẽ có 59 tuyến xe buýt kết nối với đường sắt Cát Linh - Hà Đông.
Một số lưu ý với hành khách đi tàu
Sau 15 ngày miễn phí để người dân trải nghiệm, hành khách sẽ phải mua vé theo vé chặng, vé toàn tuyến, vé ngày hoặc vé tháng với mức tiền tương đương 7.000 đồng, 15.000 đồng, 30.000 đồng và 200.000 đồng. Với học sinh, sinh viên và người lao động tại các khu công nghiệp, giá vé tháng sẽ là 100.000 đồng.
Điểm bán vé tự động sẽ có nhân viên hướng dẫn hành khách nếu khách hàng gặp khó khăn khi mua vé
Muốn lên tàu, hành khách có thể mua vé theo 2 cách, mua vé tự động hoặc mua vé trực tiếp từ quầy. Với mua vé tự động, hành khách cho tiền vào khe (mệnh giá lớn hơn hoặc bằng giá vé và chọn ga đến. Sau đó máy sẽ cho ra thẻ lên tàu (bằng nhựa) hoặc tiền thừa (nếu có). Sẽ có nhân viên hỗ trợ hướng dẫn tại các điểm bán vé tự động.
Mua vé trực tiếp tại các quầy ở sảnh ga trước khi lên tàu.
Khi lên tàu, hành khách dùng vé nhựa quẹt qua cửa tự động để đi vào đợi tàu.
Khi tới ga cần đến, hành khách xuống tàu, dùng thẻ nhựa quẹt tại sảnh ga tầng 2 trước khi rời khỏi nhà ga.
Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông là công trình đường sắt đô thị thí điểm đầu tiên được Bộ Giao thông vận tải phê duyệt năm 2008. Tổng mức đầu tư ban đầu của dự án được phê duyệt năm 2008 là 8.769,9 tỷ đồng (tương đương 552,86 triệu USD) và sau đó điều chỉnh lên 18.001,5 tỷ đồng (tương đương 868,04 triệu USD) - tăng tương đương 315,18 triệu USD. Dự án sử dụng vốn vay của Chính phủ Trung Quốc 13.867,1 tỷ đồng (tương đương 669,62 triệu USD).
Link nội dung: https://biztoday.vn/muon-di-tau-cat-linh-ha-dong-hanh-khach-phai-gui-xe-cach-ga-200-400m-202148.html