Các blue-chips vẫn đang cản trở diễn biến chỉ số VN-Index lẫn VN30-Index nhưng dòng tiền dồn dập chạy quanh các nhóm cổ phiếu khác nhau đủ tạo sôi động. Đối với các nhà đầu tư, lúc này giữ mã nào chứ không phải xu hướng thị trường là gì.
Độ rộng sàn HoSE cuối phiên sáng vẫn duy trì được trạng thái khá cân bằng với 202 mã tăng/246 mã giảm. Mặc dù nhịp rung lắc mạnh giữa phiên có tác động rất lớn nhưng cuối cùng vẫn là những cổ phiếu vừa và nhỏ phục hồi nhanh nhất.
Thị trường có một nhịp lao dốc mạnh và các chỉ số đồng loạt chạm đáy khoảng 10h30. VN-Index giảm sâu nhất 1,08%, VN30-Index sâu nhất -1,31%, Midcap -1%, Smallcap -0,8%. Độ rộng của HoSE lúc đóng cũng chỉ còn 139 mã tăng/321 mã giảm.
Diễn biến chỉ số và độ rộng nói trên đều xác nhận nhịp rung lắc ảnh hưởng tới toàn cục. Tuy nhiên mức độ phục hồi sau đó lại cho thấy sự phân hóa về sức mạnh. Midcap đến cuối phiên tăng trên tham chiếu 0,71%, Smallcap tăng 0,62%.
Diễn biến đáng chú ý khác là dòng tiền luân chuyển tốc độ cao sang các nhóm cổ phiếu khác ngoài các nhóm “mốt” một thời. Cổ phiếu dầu khí, cổ phiếu phân bón, cổ phiếu thép hay mới nhất là cổ phiếu chứng khoán thoái trào rất nhanh. Trong khi đó cổ phiếu bất động sản, cổ phiếu xây dựng sáng nay lại tăng nóng.
Hàng loạt cổ phiếu trong các nhóm này tăng giá kịch biên độ bất chấp rung lắc xuất hiện. Điểm chung là chỉ các mã vốn hóa vừa tới nhỏ mới tăng, còn các mã lớn lại rất yếu. HoSE có 21 mã chốt phiên sáng ở giá kịch trần, HNX có 17 mã và UpCOM là 18 mã, cổ phiếu bất động sản nhỏ, xây dựng và vật liệu chiếm phần lớn. Thế nhưng các mã cùng ngành trong nhóm VN30 lại không tốt.
Cổ phiếu ngân hàng vẫn là các mã tệ nhất thị trường. Chỉ số VNFIN của HoSE giảm tới 1,08%. Trong 27 mã ngân hàng trên cả 3 sàn, chỉ có PGB tăng 5,26%, SHB tăng 3,61% (điều chỉnh giá kỹ thuật) và BAB tăng 0,89%, còn lại toàn giảm giá. Tới 14 mã ngân hàng trên 3 sàn giảm giá hơn 1%, bao gồm cả những tên tuổi blue-chips như VPB, ACB, TPB, HDB. Nhóm chứng khoán cũng co hẹp số lượng tăng ở các mã nhỏ như CTS, BSI, ART, trong khi nhóm hàng đầu là SSI, VND, HCM, VCI... lại giảm.
Dòng tiền đột biến ở nhóm blue-chips sáng nay chưa cho thấy hiệu quả tương xứng về giá cổ phiếu. Độ rộng ở rổ này cuối phiên sáng vẫn là 6 mã tăng/21 mã giảm với chỉ số đại diện giảm 0,25% so với tham chiếu. Trong khi đó tổng giá trị khớp lệnh đột biến cao với 8.835,3 tỷ đồng, tăng 55% so với sáng hôm qua, thậm chí bằng 93% mức giao dịch cả ngày hôm qua. Ba cổ phiếu thanh khoản cực lớn – chiếm 43,2% tổng giá trị khớp cả rổ - là HPG, TCB và SSI thì đều đang giảm giá. Đặc biệt HPG có phiên thanh khoản gần 2.327 tỷ đồng và giá giảm 1,08%. HPG không vượt đỉnh lịch sử thành công tới hai lần trong tháng 10 và từ đỉnh gần nhất hôm 27/10 tới nay giá điều chỉnh 5,53%.
Đà phục hồi ở rổ blue-chips cũng khá tốt, VN30-Index hồi lại từ đáy gần 0,9% nhưng các trụ phục hồi rất kém: VCB vẫn đang giảm 0,2% và chỉ hồi được 0,4% kể từ đáy; VHM hồi 0,73% và vẫn giảm 0,73% so với tham chiếu; VIC chỉ hồi tương đương chỉ số và đang đứng tham chiếu...
Trong khi đó nếu tính về mức độ bật giá sau rung lắc, nhóm cổ phiếu nhỏ còn tăng dữ dội. Tiêu biểu như LDG từ giá sàn dội ngược lên tăng 4,28%, EMC từ sàn bật lên tăng 3,36%, UDC, SAM, DRH... cũng đảo chiều 7-8% chỉ trong buổi sáng. Nhóm chốt phiên sáng ở mức kịch trần sáng nay hầu hết là đảo chiều phục hồi tối thiểu 5% so với đáy, cho thấy nhịp rung lắc mạnh cũng chỉ đủ để các cổ phiếu này thu hẹp đà tăng trước khi lấy lại quán tính cuối phiên.
Thanh khoản tổng thể thị trường niêm yết sáng nay tăng đột biến gần 44% so với sáng hôm qua, đạt 27,171 tỷ đồng khớp lệnh. Trong đó HoSE tăng 48% với 24.306 tỷ đồng. Ngoài VN30 tăng giao dịch, Midcap cũng thanh khoản rất cao với 8.478,9 tỷ đồng, Smallcap với 4.260,4 tỷ đồng. Cả hai rổ này buổi sáng đã xấp xỉ 90% cả ngày hôm qua.
Điều đáng tiếc là trong số các mã thanh khoản cao nhất, diễn biến giảm giá vẫn chiếm ưu thế. Ngoài HPG, TCB, SSI, còn có VHM, STB, CTG. Ngược lại nhóm Midcap, Smallcap đóng góp thanh khoản rất lớn và hầu hết lại tăng như KBC, DIG, GEX, NLG, FLC, LDG, ITA...
Khối ngoại sáng nay đã bán ròng tới 640 tỷ đồng. Lớn nhất là HPG với -165 tỷ, VHM -118 tỷ, GEX -57 tỷ. Nhóm VND, PLX, VRE bị bán quanh 30 tỷ đồng ròng. Nhóm VNM, SSI, TPB, CTG, DXG quanh 20 tỷ đồng. Phía mua duy nhất KDH với 49 tỷ đồng là đáng kể. Áp lực trong rổ VN30 là rất cao với 453 tỷ ròng riêng nhóm này.
Link nội dung: https://biztoday.vn/rung-lac-chong-mat-co-bat-dong-san-xay-dung-tang-manh-204975.html