Trận dịch Covid-19 lần thứ 3 vừa cơ bản kiểm soát vào đầu năm thì đợt bùng phát thứ 4 tiếp nối với mức độ nghiêm trọng hơn.
Dịch liên tiếp bùng phát ở nhiều khu vực, từ Bắc vào Nam, sau đó lan rộng khắp cả nước khiến việc học tập của hàng triệu trẻ em bị ảnh hưởng.
Trong khi lãnh đạo Bộ Y tế và nhiều chuyên gia cho rằng không nên chờ trẻ tiêm đầy đủ vaccine hoặc hết dịch mới mở cửa trường học, nhiều địa phương hiện vẫn còn thận trọng chưa cho học sinh đến trường.
Mức độ lây nhiễm ở trường học thấp
PGS.TS Đỗ Văn Dũng, Trưởng khoa Y tế Công cộng, Đại học Y Dược TP.HCM, cho rằng nhiều nghiên cứu có thấy ở trường học nguy cơ lây nhiễm thấp.
Ông dẫn lại một nghiên cứu lớn nhất về Covid-19 tại các trường học ở Mỹ. Nghiên cứu này xem xét hơn 90.000 học sinh và giáo viên ở Bắc Carolina trong 9 tuần vào mùa thu năm 2020.
Khi đã có vaccine cho cả thầy cô giáo và học sinh mà còn chưa mở cửa trường học là điều rất đáng tiếc
PGS.TS Đỗ Văn Dũng, Trưởng khoa Y tế Công cộng, Đại học Y Dược TP.HCM
Theo dự báo ban đầu của các bác sĩ, có khoảng 900 trường hợp lây truyền trong cộng đồng. Nhưng khi các nhà nghiên cứu theo dõi liên hệ để tìm hiểu các trường hợp lây truyền liên quan trường học, họ chỉ xác định được 32 ca.
Ở UAE, khi còn chưa tiêm vaccine cho học sinh, người ta cho lớp học chuyển sang trực tuyến khi có trên 2 em học sinh trong lớp mắc Covid-19. Toàn trường sẽ chuyển sang học trực tuyến nếu phát hiện 24 học sinh F0.
Từ các tài liệu khoa học, PGS Dũng nhận định nếu địa phương có tỷ lệ tiêm vaccine chưa cao, khi mở cửa trường, người có nguy cơ cao nhất là thầy, cô giáo. Các địa phương có tỷ lệ tiêm vaccine cao sẽ rất an toàn cho học sinh và giáo viên.
Trường THCS Minh Đức, quận 1 (TP.HCM) sơn, sửa chữa một số hạng mục xuống cấp để chuẩn bị đón học sinh trở lại. Ảnh: Phạm Ngôn. |
"Khi đã có vaccine cho cả thầy cô giáo và học sinh mà chưa mở cửa trường học là điều rất đáng tiếc. Hiển nhiên là khi mở cửa, nhà trường phải có tiêu chí an toàn và thực thi đầy đủ các tiêu chí này", ông nói.
PGS.TS Đỗ Văn Dũng cũng lưu ý chúng ta cần quy tắc xử lý chung nếu phát hiện F0 ở trường học. Nếu không có quy tắc chung, nhà trường sẽ gặp khó khăn khi xử lý tình huống này và dẫn đến các quyết định không phù hợp, cản trở tiến trình mở cửa lại nhà trường.
Bên cạnh đó, chuyên gia Đại học Y Dược TP.HCM cũng nhấn mạnh mức độ lây truyền lẫn tỷ lệ tiêm vaccine ở người trưởng thành là 2 yếu tố quan trọng trong việc mở cửa trường học.
Dựa trên những nghiên cứu cho thấy khả năng lây lan tương đối thấp ở học sinh trong trường học, PGS.TS Dũng kết luận rằng địa phương có dịch ở cấp độ 1 hoặc 2 (Số ca F0/100.000 dân/tuần nhỏ hơn 150 và 70% người trưởng thành đã tiêm chủng đủ) có thể mở lại trường học và cho trẻ đến trường.
Hà Nội, TP.HCM quá thận trọng
Trao đổi với Zing, PGS.TS Nguyễn Việt Hùng, Phó chủ tịch Hội Kiểm soát Nhiễm khuẩn Hà Nội, cho biết việc mở cửa trường học cho trẻ đến trường cần được cân nhắc dựa trên mức độ dịch tại địa phương, không chờ đợi đến khi trẻ được tiêm vaccine.
"Không thể dựa vào số trẻ em chưa tiêm vaccine mà chần chừ mở lại trường học, kể cả về lâu về dài, điều này cũng không nên", ông nói.
Chuyên gia này cho rằng đa số tỉnh, thành phố hiện nay ở cấp độ 1, 2 (bình thường mới và nguy cơ trung bình). Ở cấp độ dịch này, địa phương có thể mở lại trường học. Bởi trẻ em vốn có tỷ lệ nhiễm bệnh, nguy cơ chuyển nặng thấp hơn người lớn.
Phó chủ tịch Hội Kiểm soát Nhiễm khuẩn Hà Nội nhấn mạnh một số địa phương như TP.HCM và Hà Nội đã quá thận trọng khi đến nay vẫn chưa cho phép mở cửa lại trường học.
Các em học sinh lớp 12 tại huyện Củ Chi (TP.HCM) xếp hàng tiêm vaccine Pfizer. Ảnh: Duy Hiệu. |
"TP.HCM có độ phủ vaccine rất cao trong khi cấp độ dịch ở Hà Nội thì cũng không có gì ghê gớm và hoàn toàn có thể mở được trường học. Một số địa phương quá thận trọng. Việc chờ đợi tiêm vaccine hết cho trẻ em hay hết dịch mới mở cửa trường học sẽ ảnh hưởng rất lớn đến việc học tập của trẻ", ông nói.
Chuyên gia này phân tích môi trường sinh hoạt của trẻ em thuần khiết, thường chỉ ở nhà và đến trường, không tiếp xúc nhiều bên ngoài xã hội. Nếu bố mẹ đã tiêm vaccine, nguy cơ trẻ lây nhiễm từ người lớn cũng thấp đi.
Ông cũng nhấn mạnh việc học tập của trẻ em ở trường học cần tuân thủ theo tiêu chí an toàn trường học mà Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Y tế xây dựng. Giáo viên phải tiêm đủ vaccine, nhà trường đảm bảo phòng, chống dịch, đặc biệt là vấn đề giãn cách, không tập trung đông, giao lưu giữa các lớp.
PGS.TS Đỗ Văn Dũng, Trưởng khoa Y tế Công cộng, Đại học Y Dược TP.HCM, cũng chia sẻ thêm nếu học sinh được tiêm chủng đầy đủ trước khi đi học phụ huynh có thể an tâm hơn.
Tuy nhiên, trường học có thể mở cửa trở lại khi mức độ lây nhiễm ở cộng đồng đủ thấp. Ở các quốc gia ở Âu Mỹ, việc mở cửa trường học đã được thực hiện từ trước khi có chương trình tiêm chủng cho trẻ em.
Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) đưa ra kêu gọi mở lại các trường học bị đóng cửa do Covid-19, đảm bảo quyền lợi và sự phát triển của trẻ em. Cơ quan này cho rằng việc mở cửa trường học trở lại không thể đợi đến khi tất cả giáo viên và học sinh được tiêm phòng.
Trong phiên trả lời chất vấn từ đại biểu Quốc hội sáng 10/11, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết cơ quan này đề nghị các địa phương không vì lo lắng dịch bệnh quá mà hạn chế việc học tập trực tiếp và không thể đợi chờ vaccine mới cho trẻ đến trường.
Giải thích cho quan điểm này, Bộ trưởng cho rằng hiện nay mới chỉ có vaccine tiêm cho trẻ từ 12 tuổi trở lên, còn rủi ro về nguy cơ dịch đối với lứa tuổi 6-11 không lớn, nên không nhất thiết chờ có vaccine mới đi học lại.
Theo ông Long, Bộ Y tế và Bộ GD&ĐT khuyến cáo các địa phương mạnh dạn cho trẻ em đi học, nhất là ở những vùng, xã, huyện, tỉnh được xác định dịch ở cấp độ 1, 2.
Với địa phương ở cấp độ 2, chỉ khi dịch bắt đầu ở cấp độ 3 mới hạn chế học sinh đến lớp, kết hợp giữa học trực tiếp và trực tuyến. Người đứng đầu ngành y tế bày tỏ hy vọng các địa phương sẽ triển khai một cách đồng bộ, hiệu quả hơn việc cho trẻ em đến trường.
Link nội dung: https://biztoday.vn/tphcm-ha-noi-can-som-mo-cua-lai-truong-hoc-207104.html