TP luôn chuẩn bị trước một bước và trên một mức để ứng phó với dịch Covid-19
Chiều 15/11, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid -19 TP Hồ Chí Minh đã họp báo cung cấp thông tin về tình hình chống dịch và các vấn đề được dư luận quan tâm.
Phó Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh.Nguyễn Hữu Hưng phát biểu tại buổi họp báo.
Phó Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh Nguyễn Hữu Hưng cho biết, thông báo dịch Covid-19 trên địa bàn đến ngày 15/11 là cấp 2. Trong đó, có 10/22 quận huyện, TP có dịch Covid-19 cấp 1; 11/2 quận huyện có dịch Covid-19 cấp độ 2. 1/22 quận huyện, TP có dịch cấp độ 3 là huyện Cần Giờ. Tại huyện Cần Giờ có 3 xã có dịch cấp độ 3 là An Thới Đông, Bình Khánh và Lý Nhơn…
Một số cơ quan báo chí đặt vấn đề, vì sao phải triển khai xây dựng các khu cách ly ở quận huyện trong khi tình hình kiểm soát dịch vẫn đang ổn định?
Ông Nguyễn Hữu Hưng cho biết, mặc dù hiện nay tình hình dịch Covid-19 tương đối ổn định, trong tầm kiểm soát, tuy nhiên TP luôn chuẩn bị trước một bước và trên một mức để chủ động ứng phó với dịch Covid-19 trong bất cứ tình huống nào.
Theo ông Nguyễn Hữu Hưng, hiện tại TP Hồ Chí Minh có 16 bệnh viện dã chiến (theo lộ trình sẽ được thu gọn và chỉ giữ lại 3 - PV) để phòng ngừa cho tình huống khi có nhu cầu sử dụng, nên TP đã có chỉ đạo cho các quận, huyện xây dựng bệnh viện dã chiến. Hiện tại đã có 8 bệnh viện dã chiến cấp quận huyện, quy mô từ 300 đến 500 giường/bệnh viện, sẵn sàng thu dung, điều trị cho F0. Ngoài ra, TP Hồ Chí Minh còn còn 62 khu cách ly ở các quận huyện, phường xã dùng để cách ly cho F0 không có đủ điều kiện cách ly tại nhà (không đủ điều kiện về chỗ cách ly tại nhà, người có bệnh nền cần theo dõi…)
Ông Nguyễn Hữu Hưng cũng giải trình về một số vấn đề được báo chí phản ánh như F0 không nhận được sự hỗ trợ; F0 không được phát thuốc Molnupiravir (túi thuốc C)
Theo ông Nguyễn Hữu Hưng, qua nắm bắt của Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, thực tế có trường hợp F0 không liên lạc được với y tế địa phương, không được phát túi thuốc C… Sở Y tế TP Hồ Chí Minh đã ra văn bản nhắc nhở các địa phương, thành lập đoàn kiểm tra để đánh giá tình hình thực tế. Chiều 13/11, Sở Y tế đã làm việc với 22 giám đốc trung tâm y tế quận huyện để quán triệt…
Ngoài ra, ông Nguyễn Hữu Hưng cũng thông tin về việc xử lý đối với Bệnh viện Truyền máu, huyết học, do bệnh viện này thu tiền xét nghiệm Covid-19. Đây là việc làm không đúng quy định, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh đã giao thanh tra tiến hành kiểm tra và sẽ có hình thức xử lý đúng quy định.
Tác dụng của vaccine ngừa Covid -19 là không cần bàn cãi
Về thông tin “đã chích 2 mũi vaccine vẫn bị tử vong”, ông Nguyễn Hữu Hưng cho rằng, hiệu quả phòng bệnh của vaccine ngừa Covid-19 là không có gì cần bàn cãi. Khi tiêm đủ liều vaccine sẽ làm giảm lây truyền dịch Covid-19; làm giảm tình trạng chuyển nặng ở bệnh nhân; làm giảm nguy cơ nhập viện; làm giảm tỷ lệ tử vong khi nhiễm bệnh… Theo ông Nguyễn Hữu Hưng, số liệu về người "đã tiêm đủ 2 liều vaccine vẫn bị tử vong" khi nhiễm bệnh được lan truyền không đại diện cho số nhiều, không có gì là tuyệt đối cả, kể cả vaccine ngừa Covid-19. "Đây là vấn đề cần phải được truyền thông để người dân hiểu và ý thức được tầm quan trọng của vaccine ngừa bệnh" - Phó Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh đề nghị.
Cũng liên quan đến vấn đề tiêm vaccine ngừa Covid-19, theo Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Hồ Chí Minh (HCDC) Nguyễn Hồng Tâm, hiện nay TP đang dồn sức để tiêm vét mũi 1 cho người chưa tiêm; tiêm mũi 2 cho người đến hạn và tiêm mũi 2 cho trẻ em trong độ tuổi từ 12-17. TP cũng đang lên kế hoạch để tiêm mũi 3 cho các đối tượng được chỉ định và trẻ em trong độ tuổi từ 3 đến 11 tuổi, tuy nhiên vẫn phải chờ chủ trương từ Bộ Y tế, chưa thể thông tin cụ thể.
"Đúng là trong thời gian gần đây, số ca F0 có tăng lên, chủ yếu là ở các quận huyện vùng ven, các khu công nghiệp. Nguyên nhân là do khi công nhân trở lại làm việc, doanh nghiệp tổ chức xét nghiệm đã phát hiện. Khi điều tra các ổ dịch, ngành y tế đã phát hiện một số ổ dịch tại nhà trọ của công nhân. Hiện nay, toàn TP có hơn 47.000 ca F0 đang cách ly điều trị tại nhà, chiếm hơn 73% tổng số ca F0 có trên địa bàn" - ông Nguyễn Hồng Tâm chia sẻ thông tin.
Chưa quyết đề xuất cho phép cơ sở ăn uống phục vụ đồ uống có cồn
Tại buổi họp báo, một vấn đề được báo chí quan tâm đó là việc bao giờ TP Hồ Chí Minh cho phép các cơ sở dịch vụ ăn uống được phục vụ đồ uống có cồn?
Phó Giám đốc Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh Lê Huỳnh Minh Tú cho biết, TP thí điểm cho phép cơ sở dịch vụ ăn uống được phục vụ đồ uống có cồn trên địa bàn TP Thủ Đức và quận 7 đến 15/11.
Hiện nay Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh đang phối hợp với các địa phương sơ kết. Sở Công Thương có đề xuất UBND TP cho phép dịch vụ ăn uống phục vụ thức uống có cồn trên địa bàn toàn TP. Cơ sở dịch vụ ăn uống được phục vụ đồ uống có cồn, áp dụng theo từng cấp độ dịch và hiện nay đang lấy ý kiến sở ngành, xin ý kiến của UBND TP để ban hành. Đề xuất cho phép phục vụ thức uống có cồn, trong điều kiện bình thường mới là hết sức bình thường, không nhằm mục đích cổ súy cho thức uống có cồn, lạm dụng rượu bia.
Phó trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP Hồ Chí Minh Phạm Đức Hải cũng có phản hồi về ý kiến TP mở cửa quá chậm đối với một số loại hình dịch vụ.
Theo ông Phạm Đức Hải, tình hình dịch trên địa bàn vẫn còn phức tạp, số ca nhiễm, số ca tử vong vẫn còn nhiều... Trong khi đó, nguyên tắc của TP là "an toàn mới mở, mở phải an toàn" nên một số loại hình dịch vụ vẫn chưa được phép hoạt động như massage, vận tải hành khách bằng xe grab, karaoke...
Link nội dung: https://biztoday.vn/tp-ho-chi-minh-san-sang-cho-moi-tinh-huong-dich-covid-19-207357.html