Chiều 15-11, Ủy ban MTTQVN TP Đà Nẵng tổ chức Hội nghị Phản biện xã hội về phương án điều chỉnh quy hoạch các dự án ven sông Hàn.
Cụ thể ở đây là hai dự án Bất động sản – Bến du thuyền Đà Nẵng do Công ty cổ phần Bến du thuyền Đà Nẵng làm chủ đầu tư (CĐT) và dự án Olalani do Công ty cổ phần Mỹ Phúc làm CĐT.
Dự án Olalani.
Dự án Bất động sản - Bến du thuyền ở bờ Đông sông Hàn trước và sau điều chỉnh quy hoạch từ cao tầng còn thấp tầng. Ảnh: SXD
Tại hội nghị phản biện xã hội tổ chức năm 2019, một số ý kiến lo lắng tập trung vào hai yếu tố.
Thứ nhất là dự án có phần lấn sông có thể ảnh hưởng dòng chảy sông Hàn ngay gần cửa biển. Thứ hai, quy hoạch có nhiều cao ốc trong hai dự án có thể gây mất mỹ quan sát bờ sông, gây “tức mắt”.
Đến năm 2020, UBND TP Đà Nẵng điều chỉnh quy hoạch hai dự án theo hướng mở rộng tuyến đường ven sông, tăng diện tích cây xanh, bổ sung bãi đỗ xe công cộng. Đồng thời, TP điều chỉnh không có các khối nhà cao tầng và giảm mật độ xây dựng đơn vị ở, giảm diện tích đất ở.
Ông Đinh Thế Vinh, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Đà Nẵng, cho hay hai dự án trên đã nhiều lần phải điều chỉnh quy hoạch.
Với lần điều chỉnh mới nhất, theo quy định, TP phải bỏ ra khoảng 2.000 tỉ đồng để bồi thường cho hai CĐT do hai CĐT đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính đối với đất ở và đất thương mại – dịch vụ trước đó.
Tuy nhiên, theo ông Vinh, ý kiến mới nhất của UBND TP Đà Nẵng cho rằng việc đề xuất cao tầng với khoảng cách các tòa tháp theo quy hoạch trước đây là có thể xem xét nhằm phát huy tầm nhìn thoáng rộng ra sông Hàn.
UBND TP Đà Nẵng cũng nhận định về mặt kiến trúc cảnh quan, việc tổ chức nhà thấp tầng dàn trải, kéo dài sẽ không phát huy được lợi thế của dự án ven sông, hiệu quả chiếu sáng về đêm cho sông Hàn không cao.
Ông Bùi Văn Tiếng, Chủ tịch Liên hiệp các hội văn học nghệ thuật Đà Nẵng, nguyên Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy TP. Ảnh: TẤN VIỆT
Ông Bùi Văn Tiếng, Chủ tịch Liên hiệp các hội văn học nghệ thuật Đà Nẵng cho rằng, TP cần có phương án đảm bảo vừa không phải bồi thường một khoản tiền quá lớn, vừa giữ được mật độ không gian xanh phía sông để phục vụ cộng đồng và đường cảnh quan ven sông.
Để hạn chế mức bồi thường cho CĐT, Đà Nẵng cần cho phép làm cao tầng trong dự án. Theo ông Nguyễn Thành Tiến, Trưởng Ban Đô thị - HĐND TP Đà Nẵng, cần thiết nên có một số công trình cao tầng tại dự án để đối xứng, hài hòa với bờ Tây sông Hàn.
Tuy nhiên theo ông Tiến, cần tính toán khoảng lùi của cao ốc đối với bờ sông. Kèm theo đó, TP cũng phải nghiên cứu tổng thể kiến trúc của cả vệt đất phía sau hai dự án cùng các chung cư nhà ở xã hội 12 tầng hiện hữu để tạo thành một cụm kiến trúc đồng bộ, đẹp mắt.
Bà Tăng Hoàng Hôn Thắm, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQVN TP Đà Nẵng, cho hay cần phải tìm được phương án tối ưu nhất để đảm bảo quyền lợi cho cả TP, CĐT và người dân.
Điều gây lo lắng nhất đối với dư luận Đà Nẵng năm 2019 là hai dự án lấn sông Hàn này sẽ thu hẹp dòng chảy, gây lũ lụt, sạt lở bờ sông.
Tuy nhiên theo ông Trần Văn Nam (Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng), đơn vị đã tính toán trên mô hình tin cậy và kết quả cho thấy hai công trình này ảnh hưởng rất nhỏ. Hiện, tuyến cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi cùng một số tuyến đường khác cũng trở thành “đê chắn” nên lũ sông Hàn sẽ càng nhỏ.
“Lũ sông Hàn sẽ không tràn bờ nữa dù có xảy ra lũ tương tự như các năm 1999, 2007 hay 2009”, ông Nam khẳng định.
Link nội dung: https://biztoday.vn/da-nang-boi-thuong-2000-ti-hay-xay-thap-cao-tang-tai-du-an-ven-song-han-207358.html