Khái niệm “tiêm vaccine Covid-19 đầy đủ” tại các nước giàu đang thay đổi?

Tại nhiều nước châu Âu, các loại chứng nhận tiêm vaccine Covid-19 đầy đủ trước đây của người dân sẽ hết hạn nếu họ không tiêm mũi tăng cường...

Nhiều quốc gia châu Âu đang hướng tới tiêm vaccine tăng cường bắt buộc - Ảnh: Getty Images
Nhiều quốc gia châu Âu đang hướng tới tiêm vaccine tăng cường bắt buộc - Ảnh: Getty Images

Theo CNN, khả năng miễn dịch nhờ vaccine Covid-19 suy giảm theo thời gian và số ca nhiễm tăng lên do biến thể Delta đã khiến nhiều quốc gia phát triển cân nhắc lại khái niệm “tiêm vaccine đầy đủ” – hiện thường được hiểu là tiêm 2 mũi vaccine Covid-19 theo liệu trình (trừ loại chỉ tiêm 1 mũi).

Đầu tuần này, Thủ tướng Anh Boris Johnson đã nhấn mạnh điều này khi nói rằng việc tiêm mũi vaccine tăng cường là đặc biệt quan trọng để chính phủ không phải tái áp dụng các biện pháp hạn chế phòng dịch.

“Rõ ràng việc tiêm 3 mũi – mũi tăng cường sau 2 mũi đầu tiên (theo liệu trình vaccine) – sẽ trở thành một thực tế quan trọng và sẽ giúp cuộc sống của mọi người dễ dàng hơn theo mọi cách”, ông Johnson nói tại một cuộc họp báo hôm 15/11.

Nhiều quốc gia châu Âu khác cũng đang hướng tới bắt buộc tiêm vaccine tăng cường. Tuần trước, Tổng thống Pháp thông báo rằng tới ngày 15/12, tất cả người dân Pháp trên 65 tuổi đều phải tiêm mũi thứ ba để giấy xác nhận tiêm đủ vaccine của họ tiếp tục có hiệu lực. Còn tại Áo, trạng thái tiêm vaccine đầy đủ hết hạn sau 9 tháng tiêm mũi thứ 2, theo đó buộc người dân phải tiêm mũi tăng cường.

Tại Israel, trừ khi được tiêm mũi vaccine thứ hai trong vòng 6 tháng qua, tất cả người dân đều phải tiêm mũi thứ ba để được cấp “thẻ xanh” – cho phép họ vào phòng tập gym, nhà hàng và các địa điểm khác.

Các chuyên gia y tế toàn cầu lo ngại rằng việc phụ thuộc vào mũi vaccine tăng cường sẽ ảnh hưởng tới nguồn cung vacccine để tiêm mũi đầu tiên cho người dân tại các nước thu nhập thấp – nơi mới chỉ có 4,6% dân số được tiêm vaccine.

Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus - Ảnh: Getty Images
Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus - Ảnh: Getty Images

Tổng giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus cho rằng thật thảm họa khi số lượng vaccine dùng cho mũi tăng cường đang được tiêm trên toàn cầu mỗi ngày nhiều gấp 6 lần số lượng vaccine tiêm cho những mũi đầu tiên tại các nước thu nhập thấp.

“Thật vô nghĩa khi tiêm mũi tăng cường cho người trưởng thành khỏe mạnh hoặc trẻ em, trong khi nhân viên y tế, người già và các nhóm nguy cơ cao khác trên khắp thế giới vẫn đang chờ đợi để tiêm mũi đầu tiên”, ông Ghebreyesus cảnh báo vào cuối tuần trước.

Trao đổi về Covid-19 với một nhóm tại nghị viện Anh hôm 16/11, bà Anna Marriott, cố vấn chính sách y tế của Oxfam, cho rằng nguồn cung vaccine đang được ưu tiên cho các nước giàu, những nước vốn xếp ở hàng đầu bằng cách trả mức giá cao hơn cho các hãng dược.

"Nếu xét tổng thể các quốc gia thu nhập thấp, có chưa tới 1% tổng nguồn cung vaccine được chuyển cho các nước nghèo nhất, bao gồm nhiều nước ở châu Phi”, bà Marriott nói.

Còn theo Tiến sĩ David Nabarro, đặc phái viên của WHO về Covid-19, việc chủ yếu dựa vào vaccine để chống dịch là canh bạc của các nước giàu.

“Điều này chưa từng xảy ra trước đây và đây thực sự là chiến lược y tế cộng đồng không phù hợp”, ông Nabarro cảnh báo. “Với rất nhiều điều chưa biết rõ về loại virus này, việc dùng vaccine làm vũ khí chính để chống lại Covid-19 có thể dẫn đến các biến thể mới”.

Theo ông, cần phải chống dịch theo hướng kết hợp vaccine với đeo khẩu trang cùng các biện pháp phòng dịch khác – tức là làm mọi thứ để mọi người tránh bị lây nhiễm virus.

Hiện tại, phần lớn các khu vực tại châu Âu đang đối mặt một làn sóng bùng dịch mới với số ca nhiễm và tử vong gia tăng mạnh, buộc một số nước phải tái áp đặt phong tỏa cùng các biện pháp khác. 

WHO mới đây cho biết châu Âu đã một lần nữa trở thành tâm dịch toàn cầu. Theo tổ chức này, trong 61 quốc gia, có 26 nước (tương đương 42%) ghi nhận số ca nhiễm tăng từ 10% trở lên trong tuần tính đến ngày 9/11. Ngày 16/11, Đức tiếp tục lập kỷ lục mới với số ca nhiễm trong 24h là 53.627 ca. Cùng ngày, Hà Lan ghi nhận 20.168 ca nhiễm mới trong 24h - mức cao nhất kẻ từ khi đại dịch bùng phát.

Theo Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh châu Âu, hiện khoảng 76% người trưởng thành ở Liên minh châu Âu (EU) và 65% dân số khối này đã tiêm đủ liều vaccine Covid-19 (1-2 mũi theo liệu trình tùy theo loại vaccine). Tuy nhiên, tại Nga, hiện chỉ khoảng 40% dân số được tiêm đầy đủ, Còn ở Romania, con số này chỉ khoảng 40%. 

Link nội dung: https://biztoday.vn/khai-niem-tiem-vaccine-covid-19-day-du-tai-cac-nuoc-giau-dang-thay-doi-208918.html