Một chương trình nghệ thuật sắp đặt công cộng ở Washington DC để tưởng nhớ các bệnh nhân tử vong do Covid-19 ở Mỹ - Ảnh: WSJ.
Theo dữ liệu của Đại học Johns Hopkins, tính từ khi đại dịch bắt đầu đến ngày 20/11 vừa qua, số ca tử vong do Covid-19 ở Mỹ là 770.800 ca. Còn theo dữ liệu từ Trung tâm Kiểm soát và ngăn ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ, trong năm năm 2020, nước này có 385.343 ca tử vong do Covid-19. Như vậy, số người chết vì Covid-19 ở Mỹ từ đầu năm 2021 tới ngày 20/11 là 386.457 ca, nhiều hơn tổng số của năm 2020.
Biến chủng Delta với tốc độ lây lan nhanh và tỷ lệ tiêm chủng còn thấp ở một số cộng đồng là những nguyên nhân quan trọng dẫn đến số lượng lớn ca tử vong Covid-19 ở Mỹ. Số liệu trên được đưa ra trong bối cảnh số ca nhiễm mới và nhập viện do Covid-19 lại đang tăng ở nhiều nơi, như New England hay vùng Midwest. Bình quân toàn quốc trong 7 ngày gần nhất, mỗi ngày Mỹ có gần 90.000 ca nhiễm mới, từ mức gần 70.000 ca mỗi ngày vào tháng trước.
Theo Wall Street Journal, Covid-19 đã chứng tỏ là một mối đe dọa kéo dài, ngay cả ở những nơi có tỷ lệ tiêm chủng vào hàng cao nhất thế giới, giữa lúc thế giới tìm cách chung sống và quản lý căn bệnh này trong dài hạn. Virus hiện đang bùng phát ở nhiều quốc gia, đặc biệt là khu vực châu Âu. Nước Áo, nhiều vùng của Đức và Hà Lan đã áp các biện pháp hạn chế mới trong những ngày gần đây, khi số ca nhiễm gia tăng lại gây sức ép lên hệ thống bệnh viện.
Số ca tử vong do Covid-19 ở Mỹ năm nay đã khiến một số bác sỹ bất ngờ, bởi họ vốn kỳ vọng rằng việc tiêm chủng và các biện pháp phòng ngừa như giãn cách xã hội hay giảm quy mô của các sự kiện công cộng sẽ giúp giảm lây nhiễm và giảm thiểu số ca bệnh nặng. Tuy nhiên, tỷ lệ tiêm chủng của Mỹ đạt mức thấp hơn kỳ vọng, cũng như việc người dân trở nên mất kiên nhẫn với những hạn chế như đeo khẩu trang, đã khiến biến chủng Delta lây lan dễ dàng, nhất là đối với những người chưa tiêm vaccine – theo các nhà dịch tễ học.
“Khi mới bước sang năm 2021, chúng ta đã biết được những việc cần làm. Nhưng cuối cùng chúng ta lại không làm được những việc đó”, bác sỹ bệnh truyền nhiễm Abraar Karan thuộc Đại học Stanford nhận định.
Theo ông Karan, một trong những sai lầm của nhà chức trách là không giao tiếp hiệu quả với công chúng về mục đích của tiêm vaccine, là ngăn ngừa nguy cơ mắc Covid-19 thể nặng thay vì ngăn chặn hoàn toàn sự lây nhiễm. Điều này dẫn tới một số hoài nghi về hiệu quả vaccine. Ngoài ra, nhà chức trách cũng không quyết liệt hơn trong vấn đề xét nghiệm để ngăn những “sự kiện siêu lây nhiễm”.
Việc so sánh số ca tử vong do Covid-19 trong 2 năm 2020 và 2021 cũng có phần khập khiễng, một phần bởi Mỹ đã trải qua một đợt bùng dịch nghiêm trọng vào đầu năm 2021. Chỉ trong vòng 1 tuần của tháng 1, nước này ghi nhận gần 26.000 ca tử vong do Covid-19, theo số liệu của CDC.
Trong một bằng chứng cho thấy tác dụng của vaccine trong việc ngăn ngừa Covid-19 thể nặng và tử vong, bang Vermont là bang có tỷ lệ tiêm chủng cao nhất ở Mỹ, đạt 72%, và cũng là bang có số ca tử vong do Covid-19 bình quân 100.000 dân thấp nhất toàn quốc. Trái lại, bang Mississippi với tỷ lệ tiêm chủng vào hàng thấp nhất, chỉ 47% dân số, là bang có tỷ lệ tử vong cao nhất toàn quốc.
Theo số liệu của CDC, số ca tử vong do Covid ở Mỹ vẫn tập trung ở người cao tuổi, nhưng tỷ lệ người trẻ trong tổng số ca tử vong vì bệnh này đang tăng lên, do hầu hết người già trong các nhà dưỡng lão đều đã tiêm vaccine. Năm ngoái, 81% số ca tử vong do Covid-19 ở Mỹ là người từ 65 tuổi trở lên. Năm nay, nhóm này chỉ chiếm 69%.
Số ca tử vong do Covid-19 ở người từ 45 tuổi trở xuống ở Mỹ trong năm nay vẫn ít hơn nhiều so với ở nhóm người già, nhưng đã tăng hơn gấp đôi so với năm ngoái, lên 20.563 ca.
“Nhiều người trẻ không chịu tiêm vaccine”, ông Olveen Carrasquillo, trưởng bộ phận y tế nội bộ của Trường Y Miller thuộc Đại học Miami, cho biết. “Nhiều gia đình nói về con họ rằng: ‘Ôi nó bướng lắm, chúng tôi đã bảo nó tiêm vaccine nhưng nó chẳng tiêm’”.
Link nội dung: https://biztoday.vn/covid-19-van-la-mot-moi-de-doa-lon-211801.html