Đại dịch Covid-19 đã gây khó khăn lên toàn bộ nền kinh tế nói chung và doanh nghiệp nói riêng. Số liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy, trong tháng 10, có 7.346 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh, chờ giải thể và hoàn tất giải thể, tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2020. Tính chung 10 tháng, số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường 97,1 nghìn doanh nghiệp. Bình quân một tháng có 9,7 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.
Còn ước tính trên sàn chứng khoán cho thấy, trong Quý 3/2021, tổng lợi nhuận của các công ty niêm yết trên ba sàn (HOSE, HNX, UPCOM) tăng 17,8% so với cùng kỳ song thấp hơn so với Quý 1/21 và Quý 2/21 lần lượt là 92,0% và 72,3%. Có hàng trăm doanh nghiệp không thoát khói bóng ma Covid ngậm ngùi báo lỗ. Trong đó có những cái tên quen thuộc như Tổng Công ty Hàng không Việt Nam - Vietnam Airlines (HVN). Và chắc chắn, bóng ma Covid-19 còn ám ảnh, kéo dài cho nên đã có nhiều doanh nghiệp tính đến chuyện phải thay đổi kể hoạch kinh doanh, bẻ lái sang ngành nghề khác...
Đầu tiên phải nhắc đến là trường hợp của Vietnam Airlines. Thời điểm hiện tại Vietnam Airlines vẫn chưa thể công bố báo cáo tài chính quý 3/2021 do dịch Covid-19. Tính đến thời điểm cuối tháng 6/2021, lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ âm 8.458 tỷ đồng sau soát xét, tăng mạnh so với con số 5.143 tỷ đồng cùng kỳ năm ngoái. Với 6 quý lỗ liên tiếp, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tính đến cuối quý 2 lên đến âm 17.808 tỷ đồng. Nợ ngắn hạn của Vietnam Airlines vượt quá tài sản ngắn hạn với số tiền là 34.664 tỷ đồng, khoản phải trả quá hạn của Tổng công ty là 14.805 tỷ đồng và vốn chủ sở hữu chính thức âm 2.787 tỷ đồng.
Tình trạng bên bờ vực phá sản của Vietnam Airlines đã buộc Chính phủ, Quốc hội phải "cấp cứu" thông qua các gói vay từ nguồn tái cấp vốn lãi suất 0%, đồng ý cho chào bán cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu tăng vốn điều lệ. Tổng số tiền mà HVN thu về là 12.000 tỷ đồng. Những khoản này sẽ được Vietnam Airlines dùng để trả nợ quá hạn, nợ nhà cung ứng, bổ sung dòng vốn lưu động để sản xuất kinh doanh. Động thái mới nhất là mở rộng ngành hàng sang bán lẻ trên sàn thương mại điện tử.
Hãng vừa ra mắt sàn thương mại điện tử VnaMall, cung cấp dịch vụ đi chợ cuối tuần với 300 sản phẩm, từ thực phẩm, nông sản, đồ uống đến quà tặng, vật phẩm đồng thương hiệu Vietnam Airlines… Hiện dịch vụ được Công ty phục vụ tại hai thành phố lớn là Tp.HCM và Hà Nội. Khách hàng có thể đặt mua các loại đồ ăn trong nhóm "ẩm thực trên mây" như rượu vang hạng Thương gia hay món tráng miệng, món ăn nhẹ là các loại bánh mỳ. Trước đó, Vietnam Airlines từng công bố dự định thêm các ngành nghề như sản xuất và phát hành phim điện ảnh, phim video và chương trình truyền hình...
Tương tự, với VietJet Air, Đại hội đồng cổ đông thường niên trực tuyến hồi cuối tháng 6, Hội đồng quản trị Công ty CP Hàng không Vietjet - Vietjet Air (VJC) trình Đại hội đồng cổ đông thông qua bổ sung ngành nghề như bán lẻ đồng hồ, kính mắt, vàng, bạc, đá quý và bán đá quý, đồ trang sức, hàng thủ công mỹ nghệ. Bổ sung ngành nghề khác như bán buôn thực phẩm, bán buôn đồ uống, buôn vải hàng may mặc, giày dép, bán lẻ lương thực thực phẩm đồ uống thuốc lá thuốc lào trong siêu thị, cửa hàng tiện lợi, trung tâm thương mại và cửa hàng kinh doanh tổng hợp; xuất bản báo, tạp chí, ấn phẩm định kỳ, lập trang thông tin tổng hợp; nhiếp ảnh…
Thời điểm hiện tại, Vietjet Air cũng chưa công bố báo cáo tài chính quý 3/2021 dù hầu hết các doanh nghiệp trên thị trường đã hoàn tất. Báo cáo tài chính soát xét bán niên 2021 cho thấy, doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ 6 tháng đầu năm 2021 ghi nhận 7.556 tỷ đồng, giảm 31% so với cùng kỳ năm ngoái và giảm 10% so với báo cáo tự lập. Lỗ gộp bán hàng và cung cấp dịch vụ 2.881 tỷ đồng, tăng 98% so với khoản lỗ cùng kỳ năm ngoái. Doanh thu hoạt động tài chính tăng gấp 3, từ 1.027 tỷ đồng năm ngoái lên 3.776 tỷ đồng năm nay, nhờ đó, Vietjet Air ghi nhận lãi thuần từ hoạt động kinh doanh 156,6 tỷ đồng, trong khi năm ngoái lỗ đến 1.729 tỷ đồng.
Nợ phải trả tính đến cuối tháng 6/2021 là 32.880 tỷ đồng, tăng 2.600 tỷ đồng so với con số đầu năm và gấp gần 2 lần so với vốn chủ sở hữu. Trong đó, vay nợ tài chính 11.388 tỷ đồng, chiếm 34,6% tổng nợ phải trả. Tổng tài sản của Vietjet Air tính đến cuối tháng 6 là 49.855 tỷ đồng. Hiện VJC đang âm dòng tiền kinh doanh lên đến 3.698 tỷ đồng, tăng so với con số cùng kỳ năm ngoái là 2.049 tỷ đồng. Tiền mặt giảm từ 2.926 tỷ đồng xuống còn 1.517 tỷ đồng. Kiểm toán cho rằng, các điều kiện này cho thấy sự tồn tại của yếu tố không chắc chắc trọng yếu có thể ảnh hưởng đến khả năng hoạt động liên tục của Vietjet Air.
Năm 2021, cũng do ảnh hưởng của đại dịch khiến bức tranh kinh doanh Công ty Cổ phần Thế giới di động (MWG) chịu áp lực lớn, đặc biệt, tăng trưởng mảng điện thoại, điện máy đang trong giai đoạn bão hoà, dự kiến, MWG khó có thể thực hiện được kế hoạch doanh thu và lợi nhuận đã đề ra.
Để duy trì đà tăng trưởng, ngày 20/11 vừa qua, MWG công bố thông tin ra mắt chuỗi BlueJi – nơi bày bán mặt hàng mắt kính hàng hiệu, trang sức. Hiện, BlueJi có 5 chi nhánh tại Tp.HCM, trong đó 3 cửa hàng tại trung tâm (quận 1, quận 7 và quận 10), 2 cửa hàng còn lại đặt tại Thủ Đức. BlueJi sẽ phục vụ tất cả đối tượng nam, nữ, trẻ em với các thương hiệu lớn như Nike, Puma, Klenin, Guess,... cùng trang sức các loại như nhẫn, bông tai, dây chuyền, vòng tay,...
Trước đó, CEO Đoàn Văn Hiểu Em đã từng tiết lộ về động thái này: "Chúng tôi dự định ra mắt nhiều chuỗi khác, bước ra khỏi ngành điện máy - điện thoại, mục tiêu sắp tới là trở thành chuỗi bán lẻ số 1 Đông Nam Á". Đại diện MWG cũng cho biết Công ty sẽ mở thêm cửa hàng thời trang, thể thao vào cuối năm nay.
Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp dệt may trên sàn công bố kế hoạch chuyển hướng sang bất động sản... Đơn cử, tại Công ty CP Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công (TCM), doanh nghiệp cho biết do tình hình dịch bệnh Covid-19 phức tạp trong quý 3, công ty phải thực hiện giãn cách từ ngày 15/07/2021 nên năng suất lao động của Công ty không đạt kế hoạch, cộng với chi phí hoạt động theo phương thức 3 tại chỗ cao, dẫn đến TCM phải báo lỗ trong quý 3.
Cụ thể, doanh thu thuần quý 3 giảm 20% so với cùng kỳ, xuống còn 783 tỷ đồng. Loạt chi phí đồng loạt tăng khiến doanh nghiệp dệt may phải ôm lỗ ròng gần 3 tỷ đồng trong quý 3. Kết thúc 9 tháng đầu năm, TCM ghi nhận doanh thu thuần gần như đi ngang so với cùng kỳ, đạt 2,707 tỷ đồng và lãi ròng giảm 41%, xuống còn 118 tỷ đồng. Đáng chú ý, dòng tiền từ hoạt động kinh doanh của TCM 9 tháng đầu năm ghi nhận âm gần 16.5 tỷ đồng trong khi cùng kỳ dương 348 tỷ đồng, biến động lớn đến từ hàng tồn kho.
Trước tình trạng khó khăn do Covid-19, ban lãnh đạo doanh nghiệp cho biết để hiện thực hoá mục tiêu kinh doanh năm 2021, bên cạnh tập trung vào mảng cốt lõi, TCM sẽ hợp tác với đối tác trong nước để hoàn thành thủ tục pháp lý cho dự án TC Tower tại 37 Tây Thạnh, quận Tân Phú và khởi công dự án trong thời gian sớm nhất. Dự án này gồm 3 toà nhà tổng cộng 650 căn hộ chung cư với giá bán trung bình 40 triệu đồng/m2.
Trả lời chất vấn của cổ đông về lĩnh vực kinh doanh mới, lãnh đạo TCM cho biết, dự án tòa tháp TC1 đang làm thủ tục pháp lý, dự kiến mất khoảng 12 - 15 tháng. Doanh thu và lợi nhuận của mảng bất động sản sẽ được ghi nhận khoảng 2 - 3 năm sau. Trong dài hạn, TCM tập trung phát triển hai dự án TC2 và TC3, cả hai dự án này đều được triển khai trên khu đất của nhà áy hiện tại, trong đó, TC2 diện tích 6,6 ha còn TC3 là 1,3 ha.
Công ty CP Sản xuất Kinh doanh và Xuất nhập khẩu Bình Thạnh cũng chuyển hướng sang Bất động sản Khu công nghiệp. Định hướng của Hội đồng quản trị trong năm 2021 tập trung giải phóng mặt bằng và xây dựng hạ tầng khu công nghiệp Gilimex tại Thừa Thiên Huế. Quy mô dự án 460,8 ha, tổng vốn đầu tư 2.614 tỷ đồng, hiện dự án đã xin được giấy phép đầu tư của Chính phủ. Ngoài phát triển khu công nghiệp, ban lãnh đạo GIL còn tham vọng phát triển quỹ đất để lập chuỗi khách sạn phục vụ cho các khu công nghiệp trong nước tại các khu trọng điểm như Bình Dương, Đồng Nai, Bắc Ninh, Hải Phòng, Tp.HCM.
Việc doanh nghiệp dệt may bước một chân sang lĩnh vực bất động sản không khó hiểu bởi ngành sản xuất kinh doanh toàn cầu gặp khó, bất động sản lại đang thu hút dòng tiền đầu tư suốt từ đầu năm đến nay. Tuy nhiên, bài học quá khứ vẫn còn đó, không ít doanh nghiệp đã phải trả giá rất đắt khi tham gia đúng lúc thị trường phát triển nóng rồi ngay lập tức đóng băng sau đó.
Link nội dung: https://biztoday.vn/nhung-cu-be-lai-ngoan-muc-cua-doanh-nghiep-giua-bao-covid-19-212293.html