Hội thảo: “Một số kiến nghị và giải pháp tháo gỡ khó khăn để phục hồi thị trường bất động sản trong giai đoạn hiện nay” do Hiệp hội Bất động sản Việt Nam tổ chức ngày 25/11 đã nhận được nhiều ý kiến đóng góp.
Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Nguyễn Văn Sinh, Thứ trưởng Bộ Xây dựng đánh giá: trong thời gian qua, giá bất động sản liên tục tăng. Giá nhà ở đặc biệt là tại khu vực đô thị quá cao so với mặt bằng thu nhập chung của người dân. Giá bất động sản một số khu vực, một số phân khúc đặc biệt là đất nền tăng nhanh trong thời gian ngắn do xuất hiện các thông tin chưa rõ ràng về quy hoạch hành chính từ huyện, thị xã lên quận, thành phố; về chủ trương đầu tư xây dựng các khu đô thị, khu du lịch mới, đầu tư xây dựng sân bay. Từ đó, dẫn đến giới đầu cơ, môi giới lợi dụng để thổi giá thu lợi.
Dẫn chứng thêm từ thị trường, Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh cho hay nguồn cung bất động sản mới từ đầu năm đến nay mới chỉ bằng khoảng 50% so với cùng kỳ năm 2020. Trong khi đó, giá giao dịch bất động sản đã tăng mạnh và có hiện tượng sốt giá cục bộ tại một số khu vực, phân khúc.
Tại thời điểm cuối quý 1, đầu quý 2 đã xảy ra hiện tượng tăng giá, thậm chí "sốt giá" tại một số phân khúc bất động sản. Cụ thể, giá giao dịch căn hộ chung cư ở nhiều dự án, đặc biệt tại Hà Nội và TP. HCM đều tăng 5-7%. Giá nhà ở riêng lẻ trong các dự án tại nhiều địa phương tăng bình quân khoảng 8-10% (tích lũy cả hai quý, giá nhà ở riêng lẻ tại nhiều địa phương có mức tăng khoảng 15 – 20% so với mức quý 4/2020). Trong đó, Hải Phòng, Đà Nẵng, Bình Dương là những địa phương có mức giá bình quân tăng cao.
Giá đất nền tại một số điểm cục bộ của một số địa phương cũng có mức ghi nhận tăng mạnh như: vùng ven Thủ đô Hà Nội như Quốc Oai (tăng 20%), Ba Vì (45%), một số điểm thuộc các tỉnh như Hòa Bình (46%), Bắc Ninh (20%), Hưng Yên (26%). Ngoài ra, nhiều nơi như Thanh Hóa; TP. Thủ Đức, huyện Cần Giờ của TP. Hồ Chí Minh; Biên Hòa, Nhơn Trạch và Long Thành của tỉnh Đồng Nai… cũng ghi nhận hiện tượng giá đất nền tăng rất nhanh trong thời gian ngắn.
Một trong những yếu tố đẩy giá bất động sản, theo đánh giá của Bộ Xây dựng là do chưa hình thành được hệ thống giao dịch được kiểm soát, đảm bảo tính pháp lý trong giao dịch bất động sản, bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng. Còn có hiện tượng các sàn giao dịch bất động sản câu kết với nhau “ôm hàng”, “làm giá”, “tạo sóng”, “ thổi giá”, gây “sốt ảo” ăn chênh lệch làm nhiễu loạn thị trường.
Ngoài ra, thông tin về nhà ở và thị trường bất động sản vẫn còn nhiều hạn chế, thiếu tính minh bạch, dẫn đến tình trạng thông qua các dự án bất động sản, nhà ở chưa đủ cơ sở pháp lý, điều kiện huy động vốn hoặc dự án không có thật (dự án ma) để lừa đảo, chiếm dụng tiền huy động của người mua; hay việc lợi dụng các thông tin về quy hoạch, về nâng cấp đô thị, cấp hành chính để thối giá, gây sốt ảo bất động sản.
Cũng bàn về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Đính, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, đánh giá: "Thị trường bất động sản năm qua bị ảnh hưởng nặng nề bởi Covid-19, nhất là quý 3/2021. Nguồn cung đã sụt giảm từ những năm trước, tiếp tục bị sụt giảm bởi dịch bệnh và chính sách chưa được tháo gỡ triệt để. Giao dịch trên thị trường thường xuyên đối mặt với tình trạng đứt gãy, gián đoạn. Đồng thời, thị trường cũng xuất hiện lực cầu F0. Giá bất động sản nói chung đã leo thang và leo ở mức cao. Đặc biệt là thành phố lớn như Hà Nội và TP.HCM. Tại TP.HCM giá bất động sản hiện nay tăng gấp 2 lần và không có dấu hiệu giảm".
Phó Tổng thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam dự báo, đến năm 2022, nguồn cung trên thị trường chưa có nhiều cải thiện, Do thủ tục đầu tư vẫn chưa thể tháo gỡ triệt để vướng mắc, nhất là Hà Nội và TP.HCM. Xu hướng giá bất động sản có thể tiếp tục tăng ở mức cao do nguồn cung yếu và áp lực mạnh. Lực cầu vẫn được duy trì, thậm chí có thể mạnh hơn.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Đức Lập, Viện trưởng Viện nghiên cứu và đào tạo bất động sản phân tích thêm: "Điểm nghẽn trong hành lang pháp lý, khâu tổ chức thi hành các quy định của pháp luật là nguyên nhân căn bản làm hạn chế sự phát triển bình thường ở thị trường bất động sản. Đồng thời, làm cho giá bất động sản tăng cao, gây bất bình trong xã hội. Mặt khác làm hạn chế sự phát triển của nền kinh tế - xã hội quốc gia khi nguồn lực lớn bị “đóng băng” ở các tài sản bất động sản đã hình thành nhưng không được đưa vào lưu thông sử dụng và nguồn vốn lớn đầu tư cho lĩnh vực này không được đưa vào lưu thông trong nền kinh tế".
Nhìn từ góc độ chuyên gia kinh tế - tài chính, TS. Lê Xuân Nghĩa cho rằng, ngoài khan hiếm nguồn cung và luật lệ chồng chéo, giá bất động sản tăng cao còn do có rất nhiều doanh nghiệp có hiện tượng mua gom và đầu cơ dự án. Thậm chí còn có nhiều quan điểm rằng, đây là thời điểm tốt để mua gom bất động sản, nên rất nhiều doanh nghiệp lớn thu gom rất nhiều đất để phát triển dự án nhưng thực chất chỉ phát triển có lệ, trong khi các doanh nghiệp khác cần lại thiếu đất, thiếu dự án trầm trọng. Và những doanh nghiệp lớn đang đầu cơ này thường có ngân hàng đứng phía sau.
“Thực trạng này đã dẫn đến hiện tượng lãng phí đất đai nghiêm trọng, làm đình trệ cả tài chính và thị trường rơi vào rủi ro. Cụ thể, nhiều tập đoàn lớn nhưng âm dòng tiền nhiều năm nay song họ lại không hề lo lắng vì mục đích của họ là đầu cơ dự án. Hậu quả là “tiếng kêu” về giá bất động sản trong nhiều năm trở lại đây rất nhiều. Nhiều người trẻ nghĩ 1,5 tỷ đồng có thể mua được một căn chung cư "ngoài vành đai", cách xa trung tâm, nhưng giá thực tế có thể đã lên đến 2,5 tỷ đồng. Vì vậy, Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Bộ Xây dựng nên chăng thành lập một bộ phận rà soát lại toàn bộ quỹ đất trong thành phố để thu hồi hoặc đánh thuế thật mạnh”, ông Nghĩa cho biết.
Link nội dung: https://biztoday.vn/gia-bat-dong-san-dang-co-xu-huong-tang-213309.html