Đã có 29 DA được các sở ngành kiến nghị trình UBND TP Hà Nội thu hồi đất; bãi bỏ quyết định giao đất, cho thuê đất hoặc chấm dứt DA đầu tư. Ảnh: K.H.
Lập đoàn kiểm tra liên ngành
UBND TP Hà Nội chính thức có văn bản giao Sở TN&MT chủ trì, phối hợp cùng các sở: Kế hoạch và Đầu tư, Xây dựng, Quy hoạch, Từ pháp, Tài chính, Cục thuế Hà Nội, Thanh tra TP và UBND các quận, huyện liên quan thành lập đoàn kiểm tra liên ngành tổ chức kiểm tra, rà soát toàn bộ các DA vốn ngoài ngân sách có sử dụng đất của các đơn vị, tổ chức chậm triển khai, vi phạm Luật Đất đai, đã được UBND TP Hà Nội gia hạn sử dụng đất 24 tháng theo quy định của Luật Đất đai, nhưng hết thời gian được gia hạn mà vẫn chưa đưa đất vào sử dụng đất.
Căn cứ vào các quy định của Luật Đất đai và các nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đất đai để lập hồ sơ thu hồi đất đã giao, đã cho thuê, báo cáo UBND TP. Hà Nội xem xét, quyết định (trừ trường hợp do bất khả kháng theo quy định tại Nghị định số 43 năm 2014 của Chính phủ). Ngoài ra, đối với các trường hợp đề xuất không lập hồ sơ thu hồi đất do bất khả kháng, yêu cầu Sở TN&MT cùng đoàn kiểm tra liên ngành làm rõ lý do, nguyên nhân cụ thể. Đồng thời, đề xuất phương án xử lý, giải quyết và phối hợp, xin ý kiến các đơn vị liên quan của Bộ TN&MT để thống nhất. Trên cơ sở đó tổng hợp, báo cáo UBND TP xem xét chỉ đạo.
Trước đó, UBND TP Hà Nội có báo cáo kết quả thực hiện nội dung kết luận, kiến nghị của HĐND TP về tình hình quản lý các DA đầu tư vốn ngoài ngân sách sử dụng đất chậm triển khai, vi phạm Luật Đất đai trên địa bàn. Qua rà soát có 383 DA có dấu hiệu vi phạm các quy định của pháp luật đất đai. Trong đó, 295 DA đã được giao đất, cho thuê đất; 88 DA chưa có quyết định giao đất, cho thuê đất; 161 DA có dấu hiệu vi phạm các quy định của pháp luật đất đai. Từ tháng 7-2018 đến nay, Sở TN&MT đã chủ trì, phối hợp với các Sở, ban, ngành TP và UBND cấp huyện rà soát, đối chiếu và triển khai các đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành để thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật đất đai đối với 379 DA được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; tổ chức sử dụng đất có dấu hiệu vi phạm pháp luật đất đai. Kết quả cho thấy, 29 DA được kiến nghị trình UBND TP thu hồi đất; bãi bỏ quyết định giao đất, cho thuê đất hoặc chấm dứt DA đầu tư.
Thông qua việc thành lập đoàn kiểm tra liên ngành cho thấy Hà Nội đang có hành động mạnh trong việc kiểm tra, giám sát tiến độ các DA để kiên quyết chấm dứt hoạt động, thu hồi đất các DA chây ì, vi phạm luật. Đây cũng là thông điệp gửi tới các nhà đầu tư, chủ đầu tư phải có trách nhiệm thực hiện đúng tiến độ các công trình đã được phê duyệt, có kế hoạch, lộ trình cụ thể khắc phục các vi phạm.
Cần tiếp tục sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai
Từ 2013 đến năm 2020, Thanh tra Chính phủ thực hiện 46 cuộc thanh tra đất đai, DA tại nhiều địa phương trong cả nước, phát hiện vi phạm 79.968,84 tỷ đồng, kiến nghị thu hồi 25.351,6 ha đất. Qua thanh tra cho thấy, công tác quản lý đất đai còn buông lỏng để xẩy ra nhiều thiếu sót, vi phạm như: Quy hoạch sử dụng đất thiếu tính khả thi, không đồng bộ; việc giao, cho thuê đất không đúng thẩm quyền, trình tự, thủ tục; lấn chiếm đất công để sử dụng; chuyển nhượng trái phép; cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, thu tiền sử dụng đất không đúng quy định.
Theo luật sư Bùi Quang Thu, Đoàn luật sư TP Hà Nội, việc chồng chéo, mâu thuẫn và không thống nhất giữa Luật đất đai năm 2013 với các luật chuyên ngành đang làm khó không chỉ chính quyền mà còn với cả các nhà đầu tư. Theo quy định tại Luật Đất đai năm 2013, các DA “treo” được gia hạn thêm 24 tháng, nếu sau 24 tháng đã gia hạn mà đất đó vẫn bị “treo” thì Nhà nước sẽ được thu hồi cả đất và các tài sản đã đầu tư trên đất. Tuy nhiên, quy định thu hồi tài sản đã đầu tư trên đất chưa phù hợp với Hiến pháp năm 2013, vì tài sản này được hình thành đúng pháp luật đầu tư, nên Nhà nước có trách nhiệm bảo vệ tài sản của nhà đầu tư.
Thực tế cho thấy, pháp luật về đất đai, khiếu nại và Luật Tố tụng hành chính chưa có quy định đồng bộ thống nhất về thời hiệu giải quyết tranh chấp đất đai, thời hiệu khiếu nại và khởi kiện quyết định giải quyết. Đưa ra giải pháp, chuyên gia về BĐS Bùi Thành Vinh cho rằng Luật Đất đai năm 2013 vẫn cần sửa đổi, bổ sung trong việc khắc phục các vướng mắc, bất cập, bảo đảm sự thống nhất với các luật có liên quan. Cần đổi mới chính sách về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, giao đất, cho thuê đất, thu hồi đất, phương pháp xác định giá đất cụ thể theo hướng hiệu quả, bền vững, xác định rõ quyền sử dụng đất là một loại hàng hóa đặc biệt, được định giá theo cơ chế thị trường có sự quản lý điều tiết của Nhà nước.
Về công tác thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất; bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất, cần tổ chức thực hiện việc giao đất, cho thuê đất công khai, minh bạch cho các đối tượng đáp ứng các điều kiện quy định trong pháp luật về đất đai. Thực hiện nghiêm việc giao đất, cho thuê đất để thực hiện các DA phát triển kinh tế, xã hội thông qua phương thức đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu DA có sử dụng đất; có biện pháp ngăn chặn tình trạng chuyển nhượng quyền sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng đất trái phép. Kiểm soát chặt chẽ và công khai, minh bạch việc thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, bảo đảm quyền lợi hợp pháp, hoạt động sản xuất và đời sống của người có đất thu hồi...
Thông tin từ Ban Nội chính Trung ương cho thấy, tình hình đơn thư khiếu nại, tố cáo, tranh chấp, vi phạm pháp luật về đất đai vẫn chiếm tỷ lệ cao trên 60%. Nội dung khiếu nại, tố cáo chủ yếu là về bồi thường, hỗ trợ, GPMB, thu hồi đất để thực hiện các DA phát triển kinh tế xã hội, xây dựng chợ, trung tâm thương mại; đòi lại đất cũ, tranh chấp đất đai, giá đất, phương án bồi thường, hỗ trợ… Những năm gần đây xuất hiện một số lĩnh vực mới phát sinh khiếu nại liên quan đến đất đai như: Cổ phần hóa DN Nhà nước, chuyển đổi tài sản công, cải tạo chung cư cũ, quy hoạch đất ở nhưng không thành đơn vị ở...
Link nội dung: https://biztoday.vn/ha-noi-xu-ly-ra-sao-voi-mot-loat-du-an-co-dau-hieu-vi-pham-luat-dat-dai-216771.html