Nhiều ngày qua, sự xuất hiện của biến chủng B.1.1.529 với tên gọi Omicron đang khiến cả thế giới lo ngại. Nhiều nước áp đặt lệnh hạn chế và nâng mức cảnh báo cao nhất với biến chủng được WHO xếp vào nhóm “đáng lo ngại” này.
Tại Việt Nam, trong khi đợt bùng phát bởi biến chủng Delta chưa “hạ nhiệt”, Omicron càng trở thành nguy cơ khiến nhiều người dân lo lắng, đặc biệt ở TP.HCM.
Trao đổi với Zing, PGS.TS Đỗ Văn Dũng, Trưởng khoa Y tế Công cộng, Đại học Y Dược TP.HCM, nhận định việc Omicron xâm nhập vào TP.HCM là có thể nếu chủng này có tốc độ lây lan nhanh.
SARS-CoV-2 liên tiếp biến chủng
- Từ khi xuất hiện đến nay, SARS-CoV-2 liên tiếp tạo ra nhiều biến chủng và hầu như chủng sau đều có mức độ nguy hiểm hơn?
- Không riêng SARS-CoV-2, bất kỳ loài virus nào cũng vậy, chủng nào có khả năng lây lan chậm hơn sẽ bị chủng có tốc độ lây lan nhanh hơn chiếm vật chủ để tồn tại.
Chúng ta nhớ lại chủng Alpha (xuất phát từ Anh) rất mạnh. Nhưng về sau, khi chủng Delta xuất hiện và bùng phát mạnh mẽ, chỉ vài tháng sau, hầu như chỉ còn Delta độc chiếm.
Chúng ta vẫn chưa có nhiều bằng chứng rõ ràng cho thấy Omicron là biến chủng “hiền” hay “dữ”. Dĩ nhiên, rất hy vọng đây là chủng “hiền"
PGS.TS Đỗ Văn Dũng
Về nguyên tắc, virus lây lan nhiều sẽ càng tạo ra biến chủng (nếu có đột biến) có tốc độ lây lan nhanh hơn, đó là điều chắc chắn. Thậm chí, để tồn tại, chúng có thể tạo ra biến chủng chống lại vaccine.
Đó là điều chúng ta luôn lo sợ biến chủng mới xuất hiện, bởi biến chủng sau bao giờ cũng lây lan nhiều hơn và có khả năng chống lại vaccine nhiều hơn biến chủng trước đó.
- Một số ý kiến lạc quan rằng SARS-CoV-2 càng tạo ra nhiều biến chủng chứng tỏ chúng càng thuần hơn với con người, ông có thể phân tích rõ hơn?
- Tôi cho rằng điều này có thể đúng nhưng cũng không hoàn toàn chắc chắn. Bởi mục tiêu của biến chủng mới đó là lây lan nhanh hơn và chống lại vaccine để tồn tại lâu hơn.
Dựa trên cơ sở khoa học là biến chủng nào “hiền” với con người hơn thì chúng tồn tại lâu hơn. Điều này đúng một phần.
Trên lý thuyết, nếu biến chủng quá “dữ”, làm chết hoặc gây bệnh nặng cho vật chủ thì chúng ít có khả năng lây lan hơn. Do đó, về lâu dài, virus phải tạo ra biến chủng “hiền lành” hơn để tồn tại lâu hơn.
Nếu cùng mức độ lây lan và khả năng đề kháng vaccine giống nhau, biến chủng “hiền lành” hơn sẽ cạnh tranh tốt hơn chủng “dữ”. Đây là nguyên tắc tiến hóa của tự nhiên.
Tuy nhiên, xét về quy luật truyền nhiễm, nếu biến chủng “dữ” có tốc độ lây rất nhanh, chúng vẫn có thể tồn tại lâu hơn so với biến chủng “hiền” nhưng khả năng lây lan chậm.
PGS.TS Đỗ Văn Dũng, Trưởng khoa Y tế công cộng, Đại học Y dược TP.HCM. Ảnh: HMC. |
Do đó, chúng ta không nên quá lạc quan cho rằng virus càng biến chủng thì càng thuần hơn với con người. Bởi chúng hoàn toàn có thể là vừa là biến chủng “dữ” và vừa phát triển nhanh. Delta là biến chủng “dữ” điển hình như vậy, bởi chúng có tốc độ lây nhiễm cao nên tồn tại lâu.
Hiện tại, chúng ta vẫn chưa có nhiều bằng chứng rõ ràng cho thấy Omicron là biến chủng “hiền” hay “dữ”. Dĩ nhiên, chúng ta rất hy vọng đây là chủng “hiền”.
Nhanh chóng chuẩn bị kịch bản ứng phó Omicron
- Nguy cơ biến chủng Omicron có thể xâm nhập TP.HCM và tạo ra chùm lây nhiễm mới ở mức độ nào?
- Một điều chắc chắn là Omicron sẽ tới TP.HCM nếu biến chủng này có tốc độ lây lan nhanh, vấn đề chỉ là thời gian sớm hay muộn mà thôi.
Tôi cũng như nhiều nhà khoa học hay các chính trị gia trên thế giới, hiện vẫn phải dùng từ “buy time” tức câu giờ. Có nghĩa là chúng ta không bao giờ ngăn chặn hoàn toàn được biến chủng này. Chúng sẽ vào. Nhưng nếu khi biến chủng này xâm nhập mà chúng ta không kịp chuẩn bị kịch bản thì sẽ rơi vào tình thế bị động. Và lúc này, rất có thể sẽ bùng phát làn sóng khác làm sụp đổ thành quả chống dịch.
Do đó, chúng ta cần “câu giờ”, trì hoãn tối đa thời gian để dịch lây lan chậm hơn. Lúc này, các nhà khoa học mới có đủ thời gian để nghiên cứu đặc tính của Omicron, từ đó quyết định được giải pháp để ứng phó phù hợp với biến chủng này.
Biến chủng Omicron sở hữu số lượng đột biến lớn so với các biến chủng virus khác. Ảnh: Reuters. |
Ví dụ, nếu biến chủng có tốc độ lây lan nhanh không làm tăng bệnh nặng, lúc này, chúng ta không quá sợ hãi. Các giải pháp phòng chống dịch sẵn sàng ở mức độ vừa phải. Nếu Omicron “hiền lành” hơn thì chúng cũng sẽ tiêu diệt chủng Delta.
Còn giả sử Omicron là biến chủng dữ hơn, chúng ta cần có giải pháp cứng rắn để chống lại nó.
Nếu các nghiên cứu cho thấy chúng vẫn không thể thoát được vaccine, giải pháp đơn giản là tiêm mũi tăng cường. Còn nếu chúng “dữ” hơn và kháng vaccine, lúc này, buộc thì phải có loại vaccine để chống lại biến chủng mới.
Hy vọng trong 2 tuần tới, các nhà khoa học sẽ có bằng chứng đầy đủ và lúc đó, các quốc gia cũng như chúng ta sẽ có quyết định chính xác hơn. Còn hiện tại, Chính phủ các nước vẫn cố gắng ngăn chặn sự xâm nhập của biến chủng Omicron.
- Người dân cần làm gì trong thời điểm này thưa ông?
- Một số kết quả ban đầu được công bố từ Nam Phi cho thấy vẫn có trường hợp nhiễm biến chủng mới dù đã tiêm vaccine (nhiễm trùng đột phá). Tuy nhiên, dù số ca mắc tăng gấp 3 lần nhưng số tử vong không tăng.
Điều này gợi ý rằng chủng Omicron có vẻ “hiền lành” hơn. Các bác sĩ lâm sàng của Nam Phi cũng đồng tình điều này, bởi người bệnh đa số có triệu chứng đau nhức, mệt mỏi nhưng không gây khó thở.
Một giả thuyết khác cũng cho rằng là biến chủng này không hẳn “hiền” hơn nhưng vaccine đã giúp giảm tình trạng chuyển biến nặng ở người nhiễm chủng Omicron. Như vậy, dù lý do gì thì chúng ta vẫn khẳng định rằng tiêm vaccine thực sự mang lại lợi ích.
Do đó, người dân vẫn cần tiếp tục 5K, bởi SARS-CoV-2 dù là biến chủng nào cũng là virus lây qua đường hô hấp. Do đó, chúng cũng không thể thoát được lớp khẩu trang, khử khuẩn và khoảng cách và tuân thủ quy định phòng, chống dịch của nhà nước.
Nhanh chóng tiêm đủ liều cơ bản cho toàn dân
- Trước biến chủng Omicron, liệu chúng ta có nên đẩy nhanh việc tiêm vaccine mũi 3 cho người dân?
- Tôi cho rằng chúng ta không nên vội vàng tiêm mũi 3. Bởi quan trọng nhất là tiêm chủng rộng rãi đủ mũi cơ bản cho người dân ở tất cả tỉnh, thành phố.
Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) mới đây cũng nói về lý do xuất hiện biến chủng, đó là sự bất bình đẳng vaccine.
Việc tiêm dồn dập ở các nước giàu trong bối cảnh nước nghèo không đủ vaccine để tiêm. Chính sự thiếu công bằng này dẫn đến tỷ lệ tiêm chủng thấp ở các nước nghèo như châu Phi đã tạo ra cơ hội để những biến chủng mới như Omicron xuất hiện.
Diễn tiến của các ca bệnh ghi nhận trên địa bàn TP.HCM vào những tháng đầu năm 2021 và kết quả giải mã nhanh bộ gene SARS-CoV-2. Ảnh: Sở Y tế TP.HCM. |
Tương tự ở Việt Nam, nếu chúng ta không tập trung phủ vaccine người dân ở các tỉnh thì dịch ở các địa phương này cũng sẽ quay trở lại các thành phố lớn. Đây là bài học mà thực tế chúng ta đã chứng kiến thời gian qua.
Do đó, bài học của chúng ta là không phải tiêm càng nhiều vaccine cho các thành phố lớn càng tốt, điều quan trọng là phải tiêm đầy đủ liều cơ bản cho toàn dân. Nếu đã tiêm đủ liều cơ bản thì mới cần tiêm mũi 3 sau đó.
- Những trường hợp nào có thể cân nhắc tiêm mũi 3 thưa ông?
- Cho đến nay, các quốc gia trên thế giới vẫn chưa triển khai rộng rãi việc tiêm mũi 3. Nếu có thì họ cũng tuân thủ đúng thời hạn 6 tháng sau khi đủ liều cơ bản.
Tôi cho rằng có thể tăng cường tiêm mũi 3 cho nhóm người đã tiêm vaccine nhưng suy giảm mức miễn dịch hoặc cơ thể đáp ứng miễn dịch thấp.
Ngoài ra còn có người cao tuổi, bệnh nền, lực lượng công tác ở tuyến đầu chống dịch, những bác sĩ trực tiếp chữa trị cho người cao tuổi, bệnh nền thì có thể cần tiêm chủng. Ngoài ra, người trẻ, khỏe mạnh thì không cần thiết vội tiêm mũi 3.
Theo các chuyên gia y tế cũng như những công bố từ tài liệu nghiên cứu cho thấy vaccine Vero Cell có yêu cầu nghiêm ngặt hơn về thời gian tiêm mũi tăng cường. Các vaccine khác có thể tiêm mũi tăng cường chậm hơn cũng được. Vì vậy cần ưu tiên tăng mũi tiêm tăng cường cho người đã được tiêm vaccine Vero Cell.
Link nội dung: https://biztoday.vn/kich-ban-cau-gio-ung-pho-voi-bien-chung-omicron-xam-nhap-tphcm-217266.html