Ngành ngân hàng đối mặt và vượt qua thách thức

Ngành ngân hàng đang phải chứng kiến lượng tiền gửi giảm mạnh ngay cả khi nền kinh tế có dấu hiệu phục hồi.

Đại dịch Covid-19 khả năng còn kéo dài một vài năm trước khi trở thành bệnh đặc hữu, vì vậy, năm 2022 có tính chất bản lề và trong quá trình chuyển trạng thái như vậy có thể có những rủi ro bất ngờ như bùng phát dịch trở lại, thêm các chủng mới, vắc-xin giảm hiệu lực, các thuốc điều trị giảm dần khả năng chống đỡ bệnh tật… Bên cạnh rủi ro khá lớn đối với sức khoẻ con người là nền kinh tế, trong đó có ngân hàng.

Đối mặt

Ngành ngân hàng đang phải chứng kiến lượng tiền gửi giảm mạnh ngay cả khi nền kinh tế có dấu hiệu phục hồi. Thu nhập của người dân tăng không đáng kể, ý thức để dành, phòng ngừa rủi ro mạnh mẽ hơn, thị trường đầu tư, đầu cơ đang rất biến động nên có thể một bộ phận tiền của dân cư đổ vào các thị trường có khả năng sinh lời cao hơn như chứng khoán, bất động sản, vàng, ngoại tệ…

Xét về tổng thể nền kinh tế, các doanh nghiệp bắt đầu phục hồi, nhưng cần lưu ý đó là phục hồi trong bối cảnh biến động. Nguy cơ với hoạt động sản xuất - kinh doanh còn hiện hữu, mà đáng lo ngại nhất là lạm phát, đình đốn trên toàn cầu, dẫn đến giá vật liệu đầu vào tăng lên như xăng dầu, kim loại, bông sợi, nhựa, thức ăn gia súc, phân bón… Điều này khiến cho chi phí sản xuất tăng, đẩy doanh nghiệp vào tình trạng có thể có đầu ra, nhưng lợi nhuận thấp.

Đặc điểm của lạm phát chi phí đẩy khác với lạm phát cầu kéo là làm cho tăng trưởng GDP chậm lại, sản xuất - kinh doanh gặp khó khăn, giá trị gia tăng thấp nên ảnh hưởng xấu đến cho vay và thu hồi nợ của các ngân hàng thương mại. Vì vậy, nợ xấu của các khoản vay mới sẽ tăng lên, cộng thêm nợ xấu cũ được giãn hoãn theo Thông tư 01, 03, 14 của Ngân hàng Nhà nước có thể làm cho chất lượng tài sản của các ngân hàng thương mại giảm sút. Dự báo, có khoảng 3 triệu tỷ đồng tín dụng (trong tổng số trên 10 triệu tỷ đồng, khoảng trên 30%) nằm trong tình trạng có rủi ro cao.

Một điểm đáng chú ý khác, đó là tốc độ số hóa của hệ thống ngân hàng thương mại tại Việt Nam nhanh hơn so với các ngành khác, nhưng lại chậm hơn so với ngành ngân hàng nhiều nước trong khu vực và thấp hơn so với các chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam. Vì vậy, một phần của dịch vụ thanh toán đang bị cạnh tranh khốc liệt bởi các công ty Fintech, các mảng thanh toán lớn dự báo sẽ có sự tham gia của rất nhiều công ty ví điện tử, thanh toán điện tử của nước ngoài vào Việt Nam trong năm 2022.

Do đó, thu nhập từ dịch vụ thanh toán - một trong những xu hướng nổi trội của năm 2021, có thể bị chững lại trong năm 2022 và các năm sau, nếu số hóa vẫn chậm thì vấn đề giảm nhân lực, tiết giảm chi phí hoạt động cũng sẽ gặp khó khăn.

Các ngân hàng thương mại Việt Nam hiện vẫn hướng vào việc mở chi nhánh, mà chưa tập trung mạnh cho phát triển công nghệ để tiết kiệm nhân lực, vì vậy, khả năng cạnh tranh lâu dài cũng bị hạn chế.

Tựu trung lại, nếu nhìn vào năm 2022, khó khăn nhất có thể đến từ khả năng Ngân hàng Nhà nước sẽ kéo dài Thông tư 14 đến hết năm, thay vì đến tháng 6/2022 như quy định hiện tại. Nếu như vậy sẽ tích tụ thêm rủi ro cho ngành ngân hàng, đặc biệt là những ngân hàng cho vay nhiều các tập đoàn “sân sau”, bởi hầu hết các tập đoàn này đều có dòng tiền âm, ngoại trừ dòng tiền tài chính đang được hỗ trợ từ tăng trưởng của thị trường chứng khoán.

Tuy nhiên, tăng trưởng trên thị trường chứng khoán đang nóng và khó nói có thể bền vững trong năm 2022, lạm phát đang là mối đe dọa lớn với thị trường. Các nhà đầu tư dường như đang đứng giữa “ngã ba đường”, nửa muốn đầu tư bảo toàn vốn, nửa muốn đầu tư để sinh lời (đầu tư vào sản xuất, chứng khoán), mà không biết cân nhắc thế nào! Điều này ảnh hưởng đến sự ổn định của thị trường chứng khoán.

Ngoài ra, có thể có những khó khăn từ kinh tế vĩ mô như lạm phát chi phí đẩy và sự biến động của tỷ giá hối đoái, về dịch chuyển nguồn nhân lực, lợi tức trái phiếu chính phủ và lãi suất cũng có thể ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh nói chung của ngân hàng cũng như hoạt động kinh doanh nguồn vốn.

Vượt qua

Trong điều kiện hiện tại, Chính phủ cần phải cân nhắc giải pháp hạn chế việc tham gia của các ngân hàng vào những chính sách có tính chất kích thích nền kinh tế như giảm phí, giảm lãi suất, giãn hoãn nợ, bởi điều này sẽ tạo ra áp lực rất lớn cho các ngân hàng thương mại trong cả ngắn, trung và dài hạn. Có những lựa chọn khác để kích thích kinh tế, chẳng hạn thông qua chính sách tài khoá và chính sách tiền tệ như Chính phủ phát hành khối lượng trái phiếu đủ lớn để có được nguồn lực nhằm giải quyết dứt điểm những vấn đề tài chính của các tập đoàn lớn.

Ngoài ra, Chính phủ có thể xem xét việc cho vay các tập đoàn lớn, các tập đoàn có vai trò quan trọng trong nền kinh tế, không nên để các ngân hàng thương mại đứng ra cho vay, hoặc nếu cho vay thì cần trực tiếp bảo lãnh cho các doanh nghiệp vay từ ngân hàng thương mại, thậm chí không cần phải thông qua quỹ bảo lãnh tín dụng mà bảo lãnh trực tiếp luôn. Đây là những biện pháp mà các ngân hàng Nhật Bản, châu Âu, Mỹ đang áp dụng.

Việc bảo lãnh cũng có thể thực hiện thông qua hình thức phát hành trái phiếu, Chính phủ sẽ bảo lãnh trực tiếp trái phiếu của những doanh nghiệp lớn đã, đang và sẽ phát hành nhằm bảo vệ các tập đoàn này, đồng thời bảo vệ lòng tin của nhà đầu tư trong nước và quốc tế. Thái Lan, Trung Quốc đang áp dụng những giải pháp này.

Cần phải có một sự phối hợp thực sự hiệu quả giữa chính sách tài khoá và chính sách tiền tệ mà không ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động của hệ thống ngân hàng thương mại.

Nguồn tiền để Chính phủ thực hiện các chương trình như vậy là vay trong nước, quốc tế và quan trọng nhất là vay của Ngân hàng Nhà nước. Chính phủ có thể dùng nguồn tiền này để hỗ trợ cho các doanh nghiệp trong việc xét nghiệm Covid, tiêm vắc-xin, duy trì lực lượng lao động,…

Như vậy, cần phải có một sự phối hợp thực sự hiệu quả giữa chính sách tài khoá và chính sách tiền tệ, mà không ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động của hệ thống ngân hàng thương mại. Đặc biệt, không làm méo mó lãi suất, méo mó chế độ kế toán và các hoạt động về quản trị rủi ro của các ngân hàng thương mại.

Một giải pháp cần cân nhắc khác, đó là nên có một lộ trình giảm dần giãn hoãn nợ (rút củi đáy nồi), trên cơ sở đó cho phép các ngân hàng thương mại tăng trích lập dự phòng rủi ro, phục hồi lãi suất và phí theo thị trường một cách rõ ràng để các ngân hàng thương mại cân đối dòng tiền, đảm bảo ổn định thanh khoản. Đồng thời, áp dụng quy chế quản lý ngoại bảng linh hoạt (tái cơ cấu nợ, chuyển nợ thành vốn, xóa nợ….) để từng bước làm sạch bảng cân đối tài sản chuẩn bị cho một chu kỳ hoạt động mới.

Kinh nghiệm của các gói kích cầu trước đây cho thấy, việc thanh tra, giám sát sử dụng vốn có vai trò đặc biệt quan trọng. Cần phải thanh tra, giám sát trọng điểm các hoạt động cho vay “sân sau” và xử lý linh hoạt, thận trọng để từng bước giảm nhanh tình trạng sở hữu chéo, sở hữu lũng đoạn, mà vẫn giữ được an toàn hệ thống. Đây là vấn đề vô cùng phức tạp, nếu không giải quyết một cách kiên quyết, thận trọng thì có thể là rủi ro lớn nhất của hệ thống ngân hàng Việt Nam trong tương lai.

Trong hoạt động điều hành của Ngân hàng Nhà nước, cần phải đổi mới căn bản hoạt động tái cấp vốn và nghiệp vụ thị trường mở sao cho các hoạt động này trở thành những hoạt động bình thường, hàng ngày, có tính chất thị trường, nhằm tạo ra mức độ ảnh hưởng nhanh chóng của chính sách tiền tệ đối với ngân hàng và toàn bộ nền kinh tế.

Ví dụ, tái cấp vốn qua đêm nhằm hỗ trợ thanh khoản thường xuyên, qua đó tác động lên toàn bộ lãi suất tiền gửi và cho vay, cũng như là tỷ giá hối đoái. Tránh tình trạng như hiện nay, hệ thống điều hành lãi suất của Ngân hàng Nhà nước chỉ mang tính chất “tỏ thái độ”, mà không có tác động “thực thể” thị trường, khiến cho các ngân hàng thương mại rơi vào tình trạng khó xử và làm méo mó các hoạt động thị trường.

Ngân hàng Nhà nước cũng có thể lựa chọn công cụ điều hành chính sách tiền tệ dựa chủ yếu vào nghiệp vụ thị trường mở tương tự mô hình của Ngân hàng Trung ương châu Âu, nhưng phải hoạt động thường xuyên, liên tục và có sức chi phối mạnh mẽ đến hoạt động lãi suất trên thị trường tiền tệ nói chung.

Đối với vấn đề số hóa chậm, Ngân hàng Nhà nước cần đẩy nhanh xây dựng hành lang pháp lý cho ngân hàng số và hệ thống thanh toán điện tử nhằm hỗ trợ các ngân hàng thương mại chuyển đổi nhanh sang mô hình “ngân hàng chồng ngân hàng”, hay còn có nghĩa, không thể xóa ngân hàng truyền thống, mà là ngân hàng số chồng lên ngân hàng truyền thống và có lộ trình hợp nhất ngân hàng truyền thống vào ngân hàng số.

Từ năm 2015 tới nay, một số ngân hàng thương mại cổ phần có tốc độ tăng chóng mặt cả về vốn, tổng tài sản và tín dụng, điều này có vẻ như không bình thường. Vì vậy, Ngân hàng Nhà nước cần nghiên cứu sâu hơn về trạng thái tài chính của các ngân hàng thương mại và các tập đoàn liên quan. Mục tiêu của động thái này nhằm có chính sách quản lý quy mô một cách ổn định, bền vững, tránh để các ngân hàng thương mại phụ thuộc quá nhiều vào thị trường tài sản - vốn là nguy cơ của các cuộc khủng hoảng tài chính cho đến nay. Đồng thời, phải có chính sách, thể chế, định chế để quản lý khủng hoảng của hệ thống ngân hàng và nếu được là của toàn thị trường tài chính.

Cuối cùng, cần nâng cao năng lực thể chế của cơ quan thanh tra - giám sát cả về số lượng, chất lượng hoạt động, quyền lực và trách nhiệm, đặc biệt là công nghệ để đáp ứng được môi trường hoạt động của hệ thống ngân hàng đầy biến động, đan xen giữa khu vực ngân hàng, khu vực sản xuất - kinh doanh và khu vực tài chính, cũng như môi trường số hóa ngày càng mở rộng và đi vào chiều sâu.

Link nội dung: https://biztoday.vn/nganh-ngan-hang-doi-mat-va-vuot-qua-thach-thuc-217279.html