“16h30, tôi thấy nước tràn về nên vội vàng kê tủ lạnh, bàn ghế. Nhưng chỉ 30 phút sau, nước đã tràn vào nhà”, ông Nguyễn Văn Trí, Trưởng thôn Phú Trung, xã Vĩnh Thạnh, TP Nha Trang, chưa hết bàng hoàng khi kể lại.
Trưởng thôn Phú Trung cho biết gia đình ông sống ở đây 3 đời nhưng chưa bao giờ chứng kiến trận lụt nào lớn như đêm 30/11.
Kiệt sức vì lũ lụt
“Nước lũ tràn về quá nhanh. Năm trước, tôi xây nhà đã làm nền cao hơn 30 cm so với mực lũ lớn nhất từng chứng kiến nhưng không ăn thua. Nước vẫn tràn vào nhà 40 cm. Nhà cửa, đồ đạc ngập trong nước, hư hỏng hết”, ông Trí nói.
Người đàn ông cho biết 40 năm rồi mới chứng kiến trận lũ lịch sử như vừa qua. Người dân địa phương nhận định nếu chỉ mưa đơn thuần thì khó gây lụt cao như vậy.
Bà Phượng đã kiệt sức sau khi hứng chịu 2 trận lụt trong vòng 3 tuần. Ảnh: An Bình. |
Ba ngày sau cơn lũ lịch sử, bà Nguyễn Thị Phượng (ngụ thôn Phú Trung 1, xã Vĩnh Thạnh) chưa hết sợ hãi. Xung quanh ngôi nhà cấp 4 của gia đình, nước chưa rút hết hẳn.
Chiều 30/11, bà nghe con trai gọi về nói hồ xả lũ nhưng không thể về kịp để dọn dẹp, kê đồ đạc.
Năm nào cũng lụt, nhưng lần này lớn quá, giờ vẫn còn sợ
Bà Nguyễn Thị Phượng
“Khoảng 15 phút sau khi con gọi điện, nước chảy về ầm ầm, tràn vào nhà rất nhanh. Tôi chỉ kịp đưa 2 con chó, mấy bộ quần áo lên kệ phía trước nhà, còn lại bị ngập hết. Lúc nước lên cao, tôi chỉ sợ nhà sập, mình thoát ra ngoài không kịp. Năm nào cũng lụt, nhưng lần này lớn quá, giờ vẫn còn sợ”, bà Phượng nhớ lại.
Chung cảnh ngộ với ông Trí, bà Phượng là hơn 8.000 hộ dân ở TP Nha Trang. Trong đó, hàng nghìn hộ dân ở các xã Vĩnh Trung, Vĩnh Phương, Vĩnh Thạnh…bị nước lũ cô lập hoàn toàn.
“Giữa tháng 11, một đợt lũ vừa rút đi, dọn dẹp xong thì đợt lũ khác lại tràn về. Chồng đi làm xa, nhà chỉ có 2 mẹ con nên gần như không thể xoay xở kịp", chị Nguyễn Thị Lam, ở thôn Phú Trung 2, chia sẻ. Người phụ nữ đề nghị chính quyền cần có quy trình xả lũ hợp lý đối với các hồ nước ở thượng nguồn để tránh gây ngập lụt vùng hạ lưu.
Thực tế cho thấy mỗi năm, Nha Trang lại ngập nặng hơn khi mùa mưa về. Trưởng thôn Phú Trung cho biết năm 2019, nước lũ trong khu dân cư cao nhất cũng chỉ khoảng 1 m. Đến năm 2020, nước lên chừng 1,5 m. Năm nay, có nơi trên 2 m.
"Người dân không thể căn được mức lũ cao nhất để xây dựng nhà. Như tôi khi đã xây nền cao hơn mặt đường 1,3 m mà vẫn không thoát được ngập", ông Trí nói.
Hạ tầng không theo kịp tốc độ đô thị hóa
Nói về tình trạng ngày càng ngập nặng của Nha Trang, KTS Nguyễn Văn Lộc, nguyên Giám đốc Sở Xây dựng, nguyên Chủ tịch hội Kiến trúc sư tỉnh Khánh Hòa, cho biết địa phương này vẫn đang sử dụng song song hệ thống thoát nước từ trước năm 1975 và hệ thống mới đầu tư.
Theo ông Lộc, hệ thống cũ không còn đáp ứng khi dân số, mức đô thị hóa mạnh dù chính quyền đã cho cải tạo nhiều lần.
Nguyên Giám đốc Sở Xây dựng Khánh Hòa cho biết về nguyên tắc, các thiết kế hệ thống thoát nước được tính toán, phê duyệt đã tính đến áp suất, tiết diện ống… đủ để thoát nước cho toàn thành phố khi có mưa lớn và lũ lụt. Tuy nhiên, có thể trong quá trình thi công, cao độ giữa 2 hệ thống mới và cũ chưa chuẩn nên đấu nối không khớp, dẫn đến thoát không kịp.
Chỗ cao, chỗ thấp, dự án này chồng lên dự án kia làm hệ thống thoát nước không đồng bộ
KTS Nguyễn Văn Lộc, nguyên Giám đốc Sở Xây dựng Khánh Hòa
Ngoài ra, theo ông Lộc, hiện nhiều khu đất lớn được chia nhỏ làm dự án và mỗi dự án lại có hệ thống thoát nước riêng nhưng lại không khớp nối với nhau.
"Chỗ cao, chỗ thấp, dự án này chồng lên dự án kia làm hệ thống thoát nước không đồng bộ, khiến việc ách tắc, thoát nước chậm, dẫn đến khu vực dân cư ngập nặng khi mưa lớn, lũ về”, ông Lộc phân tích.
Theo vị chuyên gia, vấn đề quan trọng nhất hiện nay là một số sông đi ngang thành phố như sông Cái, sông Quán Trường, sông Tắc… và các nhánh của sông đang bị bồi lấp khiến nước không kịp thoát ra biển khi mưa lũ xuất hiện.
"Việc cải tạo các con sông là cần thiết vì sẽ giúp cải tạo hệ sinh thái bền vững, cũng như giúp TP Nha Trang thoát lũ nhanh hơn", ông Lộc gợi ý.
Người dân bị thiệt hại nặng nề sau trận lụt hôm 30/11. Ảnh: An Bình. |
Đồng quan điểm, ông Châu Ngô Anh Nhân, Trưởng Ban quản lý dự án phát triển tỉnh Khánh Hòa, nhận định hiện các con sông tại TP Nha Trang bị bồi lấp, xâm chiếm dòng chảy do tốc độ đô thị hóa quá nhanh.
“Để giảm tình trạng ngập úng cần khơi tạo các con sông tự nhiên để nối các nhánh sông Tắc, sông Quán Trường và sông Cái với nhau. Ngoài ra, chính quyền cần quản lý chặt trật tự xây dựng, tránh để xảy ra tình trạng xâm lấn dòng chảy”, ông Nhân nêu quan điểm.
Theo ông Châu Ngô Anh Nhân, đơn vị đang triển khai xây dựng dự án hệ thống thoát nước mưa khu vực Nam Hòn Khô, dự kiến cuối năm sẽ khớp nối với khu vực phía bắc Nha Trang, giúp khu vực này không còn ngập úng. Dự án xây dựng trạm bơm nước mưa công suất 10 m3/s khi đi vào hoạt động sẽ tạo áp suất lớn, đẩy nước mưa thoát ra các cống xả trên sông Cái, giúp TP Nha Trang thoát nước nhanh khi có mưa lớn.
Đồng quan điểm, một lãnh đạo UBND TP Nha Trang cũng nhận định các xã vùng ven TP đang phải chịu thiệt hại nặng mỗi khi mùa mưa lũ về.
Theo vị này, ngoài việc đầu tư xây dựng các dự án thoát lũ, trước mắt cần xem lại việc điều tiết xả lũ của các đơn vị vận hành hồ chứa nước.
“Đợt mưa vừa rồi, Khánh Hòa có nơi lượng mưa lên đến 300 mm, riêng khu vực Nha Trang có khu vực mưa lên đến 200 mm. Đơn vị quản lý hồ phải có quy trình xả hợp lý, không thể mưa lớn mà chờ nước đầy hồ mới xả. Lúc đó vùng hạ lưu đã no nước, cộng thêm nước hồ xả nữa khiến dân không kịp trở tay như hiện nay”, vị này nói.
Link nội dung: https://biztoday.vn/vi-sao-nha-trang-ngap-nang-218426.html