Cơ hội 'dân số vàng', nếu không tận dụng, sẽ lỡ thời cơ

Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp cho rằng chúng ta sẽ hết cơ hội vàng nếu không tăng tốc đầu tư vào vốn con người, vào lao động có kỹ năng.

TS Trương Anh Dũng, Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Bộ Lao động –Thương binh và Xã hội chia sẻ quan điểm này khi tham luận tại Tọa đàm Bảo đảm an sinh xã hội và nguồn cung lao động trong quá trình phục hồi kinh tế, trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2021, chiều 5/12.

Ông cho rằng nhìn vào thực tế của Việt Nam, xác nhận, mặc dù chúng ta đang trong giai đoạn "dân số vàng" song chất lượng lao động vẫn còn nhiều vấn đề.

Cơ hội 'dân số vàng', nếu không tận dụng, sẽ lỡ thời cơ - Ảnh 1.

Ảnh minh họa.

Theo đó, trong 55 triệu lao động nhưng chỉ 24,5% có bằng cấp chứng chỉ. Mặc dù chất lượng đào tạo nghề đã tăng 13 bậc nhưng chỉ xếp thứ 97/141 nước được xếp hạng, còn khoảng cách rất xa so với các nước Đông Bắc Á và khu vực ASEAN. Trong khi đó, tỷ lệ người lao động được đào tạo trình độ đại học trở lên, nhưng làm những công việc đòi hỏi vị trí việc làm ở trình độ cao đẳng trở xuống lại tăng nhanh, trong 10 năm qua, tỷ lệ này tăng từ 2% lên đến 25%.

“Đây là một trong những nguyên nhân khiến năng suất lao động của chúng ta vẫn còn rất thấp, dù tăng trưởng kinh tế khá cao trong hơn 2 thập kỷ vừa qua. Chúng ta sẽ “hết giờ” để tranh thủ thời cơ dân số vàng và bắt kịp với các nền kinh tế mới nổi trong khu vực, nếu không tăng tốc đầu tư vào nguồn vốn con người và phát triển nhân lực có kỹ năng”, ông Dũng đánh giá.

Thống kê của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho thấy, có khoảng 48% số lao động cần đào tạo lại, 53% số doanh nghiệp trong nước không dự báo được những thay đổi của thị trường, 68% số cơ sở đào tạo tại Việt Nam chưa sẵn sàng cho Cách mạng 4.0 và tác động của dịch bệnh.

Để phục hồi thị trường lao động và phát triển, ông Dũng cho rằng, phát triển nguồn nhân lực có kỹ năng nghề vẫn là một trong những trụ cột hết sức quan trọng, bên cạnh tốc độ bao phủ vaccine. “Nếu chúng ta tập trung đúng mức vào trụ cột nâng cao kỹ năng và đổi mới công nghệ thì lò so tăng năng suất lao động có thể kích hoạt và bung ra mạnh mẽ”, ông Dũng nhìn nhận.

Trong trạng thái bình thường mới, chính kỹ năng lao động sẽ giúp cho các doanh nghiệp, ngành nghề có công nghệ mới, có năng suất lao động cao phục hồi và phát triển mạnh mẽ, qua đó giúp nền kinh tế thoát khỏi suy thoái và đi vào tăng trưởng theo chiều sâu, bền vững.

Tổng cục trưởng Trương Anh Dũng đề xuất, trước mắt, cần đẩy nhanh đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng nghề cho người lao động. Cần kéo dài 1 - 2 năm nữa việc đào tạo nghề cho người thất nghiệp từ quỹ bảo hiểm thất nghiệp. Bên cạnh đó, cần đặt hàng đào tạo dưới 1 năm để chuyển đổi nghề nghiệp cho người lao động.

Về trung và dài hạn, cần phát triển hệ thống giáo dục nghề nghiệp mở, linh hoạt, hiệu quả và hội nhập; chú trọng nâng cao dự báo nhu cầu việc làm và nhu cầu đào tạo, từ đó xây dựng chiến lược dài hạn. Tiếp đến, cần tăng nhanh quy mô đào tạo. Bởi năm 2021, tuyển sinh đào tạo chỉ đạt 75 - 80% chỉ tiêu, đồng nghĩa nguồn cung không đáp ứng cho thị trường lao động.

Song song với đó, cần tập trung chuyển đổi số mạnh mẽ trong đào tạo để tối ưu hóa nguồn lực đầu tư và thích ứng với bối cảnh dịch bệnh trong thời gian tới. Đặc biệt, cần đa dạng hóa nguồn lực đầu tư để nâng cao chất lượng đào tạo, thúc đẩy hợp tác công - tư (PPP), khuyến khích doanh nghiệp và khu vực tư nhân tham gia giáo dục nghề nghiệp.

Link nội dung: https://biztoday.vn/co-hoi-dan-so-vang-neu-khong-tan-dung-se-lo-thoi-co-219134.html