Nếu như trước đây, người tiêu dùng thường chỉ chi tiền vào dịp khuyến mại Black Friday hay cuối năm, thì khoảng vài năm gần đây, thị trường mua sắm online đã trở nên sôi động hơn, đặc biệt trong năm 2021.
Theo đó, cứ trung bình một tháng vào các "ngày đôi" như 9/9, 10/10, 11/11, 12/12..., các sàn thương mại điện tử lại tung ra đợt sale lớn với lời quảng cáo "rẻ vô địch", sale lớn nhất năm với hàng nghìn, triệu voucher giảm giá. Chưa kể, mỗi tuần, mỗi ngày đều tràn ngập những chương trình giảm 20%, giảm 50%, Flash Sale, Freeship, sản phẩm đồng giá 1.000 đồng... để thu hút người tiêu dùng có tâm lý săn sale.
Ồ ạt khuyến mại khủng
Thay vì tập trung khuyến mại theo mùa như trước, nhiều sàn thương mại điện tử triển khai ưu đãi liên tục. Người dùng gần như có thể mua hàng sale mọi lúc trên ứng dụng.
Đặc biệt, mùa mua sắm cuối năm là dịp các sàn thương mại điện tử phô trương sức mạnh của mình bằng những chương trình khuyến mại khủng cũng như đẩy mạnh "shoppertainment" (kết hợp giữa mua sắm và giải trí) thông qua các chương trình đại nhạc hội, livestream và game tương tác...
Với Lazada Việt Nam - doanh nghiệp có vốn đầu tư từ Alibaba - chỉ trong duy nhất ngày 11/11, số lượng đơn đặt hàng toàn sàn tăng gần gấp đôi. Số lượng khách hàng tham gia mua sắm cũng tăng gấp 1,5 lần so với cùng kỳ năm ngoái.
Tiếp đây, hãng sẽ tổ chức chương trình "Lễ hội mua sắm 12/12 - Sale cuối năm wow 90%" với nhiều chương trình khuyến mãi, giảm giá, tất cả các đơn hàng đều được giao miễn phí trong ngày này.
Với nhu cầu mua sắm lớn nhất trong năm, các sàn thương mại điện tử cũng nắm bắt thời điểm này để tung ra nhiều ưu đãi, kích cầu tiêu dùng. Ảnh: T.T. |
Shopee, một đối thủ lớn của Lazada đến từ Singapore, cũng tung ra chiến dịch có tên Siêu Sale Sinh Nhật để cạnh tranh với chương trình khuyến mại lớn cuối cùng của Lazada.
Shopee cho biết dịp 12/12 này đơn vị tung ra ưu đãi của các thương hiệu đến 50%, miễn phí vận chuyển cho đơn từ 0 đồng, cơ hội trúng xe hơi và chia kho xu 12 tỷ. "Đặc biệt, đơn vị cũng phối hợp với Bộ Công Thương cũng như Sở Công Thương TP.HCM tổ chức chương trình 'Tháng khuyến mại tập trung Quốc Gia 2021' diễn ra từ ngày 15/11-1/1/2022 với những sản phẩm giảm giá lên đến 90%", đại diện Shopee thông tin.
Không chịu kém cạnh, doanh nghiệp trong nước là Tiki cũng tung ra chương trình siêu khuyến mại "12/12 - Sale nốt chốt năm" với mức khuyến mại lên đến 100% cho tất cả các ngành hàng. Đây cũng là lần đầu tiên sàn chính thức áp dụng ưu đãi 100%.
Theo dự đoán từ Lazada Việt Nam, đây là thời điểm "vàng" cho các doanh nghiệp bán lẻ, thương hiệu, nhà bán hàng nhỏ lẻ và các sàn thương mại điện tử lên ngôi nhờ nhu cầu mua sắm tăng cao. Cùng với đó, cả nước đang bước vào trạng thái "bình thường mới", người tiêu dùng sẽ có xu hướng mua sắm cho Tết truyền thống sớm hơn thường lệ, có thể bắt đầu từ cuối tháng 11, đầu tháng 12.
Hoa mắt vì khuyến mại
Trước đây, Thùy Linh (Thanh Xuân, Hà Nội) thường nóng lòng khi thấy quảng cáo “giảm giá khủng”, “sale sập sàn” và quyết định mua ngay, sau đó hối hận vì không dùng tới. "Tháng nào tôi cũng đếm không hết những thông báo khuyến mại của các sàn thương mại điện tử... Nhiều năm trước, còn hào hứng nhưng dần dần không còn mặn mà với việc thức đêm săn sale giá hời", Linh thừa nhận.
Cũng như Linh, nhiều người cho biết các đợt sale dồn dập khiến họ cảm thấy bản thân rơi vào "ma trận". Thực tế, các chương trình “sale” vốn chỉ xuất hiện một vài thời điểm trong năm, giờ đây liên tục xuất hiện đều đặn mỗi tháng khiến người tiêu dùng không còn hào hứng nhiều như trước.
Chưa kể, các chương trình khuyến mãi, giảm giá cũng bị biến tướng vì nhiều chiêu thức giảm giá ảo, xả hàng tồn. Theo ghi nhận, nhiều sản phẩm được quảng cáo giảm giá hơn 50%, thậm chí 70-80%, nhưng thực chất giá sản phẩm sau khi sale đều không mấy chênh lệch so với giá bán thường ngày. Thậm chí nhiều gian hàng cố tình đẩy giá cao hơn trước ngày sale, sau đó giảm xuống.
Một số sản phẩm không được giảm giá thực chất trên trang thương mại điện tử Tiki. |
Theo chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú, cứ đến quý IV hàng năm, làn sóng kích cầu tiêu dùng lại dấy lên mạnh mẽ. Các tuần lễ kích cầu, các tháng khuyến mãi được quảng cáo rầm rộ và hoành tráng với số lượng hàng nghìn doanh nghiệp tham gia.
"Tuy nhiên điều mà dư luận xã hội quan tâm đó là kích cầu sao cho hiệu quả, những giá trị và hiện vật mà người tiêu dùng tham gia mua hàng được hưởng lợi là vấn đề cần phải quan tâm", ông Phú nhìn nhận.
Theo vị chuyên gia này, muốn kích cầu tiêu dùng hiệu quả trước hết cần làm tốt công tác tuyên truyền rộng rãi, đầy đủ, chi tiết và dễ nhận biết trong các đợt khuyến mãi để mọi người tìm hiểu cặn kẽ và nếu có điệu kiện thì hưởng ứng.
Đừng để mất niềm tin của người tiêu dùng qua các đợt khuyến mại, bởi mất niềm tin là mất tất cả. Văn hóa kinh doanh, khuyến mại phải đặt lên hàng đầu.
Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú.
"Các cơ quan tổ chức khuyến mại cần lựa chọn những đơn vị tham gia có trách nhiệm, thương hiệu và tạo được niềm tin của người tiêu dùng. Đồng thời phải rà soát các mặt hàng, hình thức khuyến mại mà nhà nước cho phép", ông nêu quan điểm.
Chuyên gia kinh tế này cho rằng đối với đợt kích cầu cuối năm 2021, điều người tiêu dùng quan tâm là những mặt hàng kích cầu phải thiết thực hơn, nhằm vào những mặt hàng thiết yếu, phù hợp với sức mua của người dân còn thấp do dịch bệnh Covid-19.
"Muốn thu hút được khách hàng phải lưu ý về giá cả. Mức giá sau giảm giá phải thấp hơn giá niêm yết và chất lượng hàng hóa tham gia khuyến mại. Đừng để mất niềm tin của người tiêu dùng qua các đợt khuyến mại, bởi mất niềm tin là mất tất cả. Văn hóa kinh doanh, văn hóa khuyến mại phải đặt lên hàng đầu", ông Phú lưu ý.
Link nội dung: https://biztoday.vn/ma-tran-giam-gia-tren-cac-san-thuong-mai-dien-tu-221270.html