Triển vọng thị trường dầu 2022: Nhu cầu tăng nhưng nguồn cung mới hạn chế

Nếu sản lượng dầu thô của Mỹ không tăng như dự kiến, đồng thời các cuộc đàm phán về thỏa thuận hạt nhân Iran chưa có tiến triển, thì tình hình nguồn cung sẽ xấu đi vào trước nửa cuối năm 2022.

Triển vọng giá dầu khả quan khi thế giới bước sang năm 2022, với nguồn cung mới hạn chế nhưng nhu cầu ngày càng tăng. Trong đánh giá triển vọng thị trường dầu năm 2022 được đăng trên trang uy tín đầu tư Schorders, các chuyên gia cho rằng, diễn biến dịch COVID-19 và nguồn cung Iran sẽ tác động lớn đến thị trường dầu trong năm 2022.

Về nhu cầu dầu trong năm 2022, các chuyên gia dự đoán nhu cầu sẽ tăng lên 100,23 triệu thùng/ngày vào năm 2022, tăng 3,5 triệu thùng/ngày so với năm 2021 và cao hơn mức của năm 2019. Điều này dựa trên dự báo về tăng trưởng GDP toàn cầu. Nhu cầu gia tăng cũng do các nước chuyển đổi từ khí đốt sang dầu, cũng như các hoạt động vận chuyển hàng hóa bằng đường hàng không gia tăng khi nền kinh tế toàn cầu phục hồi trở lại.

Ảnh minh họa.

Nếu những giả định nhu cầu dầu của các chuyên gia là đúng khi đó thế giới sẽ cần thêm ít nhất 3,5triệu thùng/ngày vào năm 2022. Nguồn cung này có thể đến từ OPEC, Nga và Mỹ, trong đó OPEC có tiềm năng lớn nhất. Tuy nhiên sau khi OPEC + nhất trí duy trì kế hoạch tăng nhẹ sản lượng dầu hàng tháng trong đầu năm 2022, tổ chức này cũng thúc đẩy theo hướng tiếp cận thận trọng, với cam kết có điều chỉnh kịp thời vào bất kỳ thời điểm nào dựa theo tình hình thực tế. Trong khi đó Mỹ cũng có các lựa chọn hạn chế về nguồn cung, do thiếu đầu tư trong vài năm qua cũng như hướng đến các mục tiêu chống biến đổi khí hậu.

Trong báo cáo triển vọng năm 2022, các chuyên gia cho rằng có 3 rủi ro chính mà thị trường dầu phải đối mặt trong năm 2022. Thứ nhất là diễn biến của dịch COVID-19, với các biến thể mới có thể khiến thế giới đối mặt với các lệnh phong tỏa mới.

Chuyên gia chiến lược thị trường toàn cầu thuộc Viện Đầu tư Wells Fargo nhận định: “Thị trường lo ngại sẽ có thêm nhiều các biện pháp phong tỏa hơn. Với biến thể Omicron xuất hiện đã khiến dầu thô bị bán tháo trên thị trường dầu mỏ. Nếu người dân thế giới lại phải ngồi nhà, không được đi du lịch và giá xăng sẽ giảm, tác động lớn hoạt động đi lại và kinh tế toàn cầu. Đó là mối quan tâm lớn đối với các nhà đầu tư lúc này”.

Yếu tố thứ hai là nhu cầu giảm do giá tăng đột biến trong ngắn hạn và thứ 3 là tăng trưởng suy yếu do gián đoạn chuỗi cung ứng. Các chuyên gia cũng nhận định rủi ro lớn nhất về nguồn cung đến từ Iran. Nếu Mỹ và Iran đạt được thỏa thuận vào nửa đầu năm 2022, sản lượng dầu của Iran sẽ tăng lên rõ rệt vào 6 tháng cuối năm, tác động lớn đến giá dầu thế giới.

Theo giới chuyên gia, nếu OPEC+ sụt giảm sản lượng trong năm 2022 sẽ làm lộ rõ sự bi quan trong tình hình cung cầu toàn cầu sau năm 2022. Nếu sản lượng dầu thô của Mỹ không tăng như dự kiến, đồng thời các cuộc đàm phán về thỏa thuận hạt nhân Iran chưa có tiến triển, thì tình hình nguồn cung sẽ xấu đi vào trước nửa cuối năm 2022./.

Link nội dung: https://biztoday.vn/trien-vong-thi-truong-dau-2022-nhu-cau-tang-nhung-nguon-cung-moi-han-che-224303.html