Đằng sau làn sóng chia tách của các tập đoàn khổng lồ

Trong vòng chưa đầy một tuần, hàng loạt tập đoàn lớn trên thế giới, gồm Johnson & Johnson (Mỹ), Toshiba (Nhật Bản) và General Electric (Mỹ) lần lượt tuyên bố chia tách thành nhiều công ty con. Giới chuyên gia cho rằng đây là một hướng đi nhằm thích ứng với tình hình mới, khi mô hình đa ngành của các tập đoàn khổng lồ đã không còn phù hợp.

Khi các ông lớn gặp khó

General Electric, Toshiba và Johnson&Johnson đều là các tập đoàn đa ngành, tức là mô hình doanh nghiệp bao gồm một công ty chính và nhiều công ty chi nhánh thuộc nhiều ngành khác nhau, thường không có liên hệ với nhau về mặt sản xuất cũng như thị trường.

General Electric được thành lập vào năm 1892, tới thập niên 1980 trở thành doanh nghiệp lớn nhất thế giới, biểu tượng của ngành công nghiệp Mỹ. Dưới sự lãnh đạo của CEO Jack Welch, General Electric tăng doanh thu gấp 5 lần lên 130 tỷ USD vào năm 2001 và vốn hóa thị trường cũng tăng từ 14 tỷ USD lên 410 tỷ USD. Các sản phẩm của General Electric hiện diện trong từng hộ gia đình Mỹ, từ bóng đèn, tivi tới máy giặt, máy phát điện, cho tới những sản phẩm phức tạp như máy chụp cộng hưởng từ và động cơ phản lực cho máy bay.

Chia tách đang là xu thế của các tập đoàn lớn trong vài năm gần đây

Trong khi đó Toshiba - “ông lớn” đến từ Nhật Bản - thành lập năm 1875, với hoạt động kinh doanh trải dài từ năng lượng, cơ sở hạ tầng, chip bán dẫn cho tới đồ gia dụng. Chia sẻ về quyết định chia tách của Toshiba, Chủ tịch tạm quyền kiêm CEO Satoshi Tsunakawa cho biết đây là cách tốt nhất để doanh nghiệp này tối đa hóa giá trị.

Sau khi chia tách, thương hiệu Toshiba sẽ tồn tại dưới danh nghĩa công ty Toshiba Tec Corporation - đơn vị cung cấp máy in, bộ mã vạch và thiết bị bán hàng. Một bộ phận khác trở thành công ty Device Co., kế thừa mảng kinh doanh bán dẫn của Toshiba cùng với mảng kinh doanh ổ cứng. Công ty con thứ ba mang tên Infrastructure Service Co., tham gia lĩnh vực sản xuất, truyền tải và phân phối điện, năng lượng tái tạo, các giải pháp cơ sở hạ tầng công cộng, đường sắt, giải pháp tiết kiệm năng lượng, công nghệ thông tin cho chính phủ và doanh nghiệp.

Còn Johnson&Johnson là “đại gia” chăm sóc sức khỏe với 135 năm lịch sử. Trong thông báo đưa ra, CEO của Johnson&Johnson Alex Gorsky cho rằng quyết định chia tách được đưa ra trên cơ sở đánh giá kỹ lưỡng, mong muốn mang tới dịch vụ tốt nhất để phục vụ khách hàng.

Vào thời hoàng kim, cổ phiếu của các tập đoàn đa ngành từng được định giá chót vót, phản ánh sức hấp dẫn của mô hình công ty có các dòng doanh thu đa dạng có thể tạo ra thu nhập trong nhiều điều kiện thị trường.

Tuy nhiên, quan niệm này đã thay đổi. Cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 cho thấy quy mô và sự phức tạp trong kinh doanh của General Electric đã làm ảnh hưởng đến tính linh hoạt trong việc đối phó với khủng hoảng. Vào năm 2018, General Electric bị loại khỏi danh sách bluechip của Chỉ số công nghiệp Dow Jones. Quyết định ngày 9-11 cho thấy lãnh đạo General Electric đã mạnh dạn tạm biệt hình ảnh “siêu tập đoàn” đã gắn liền với hãng suốt hơn 100 năm qua để có thể “gọn nhẹ hơn, tập trung hơn và mạnh hơn”.

Quyết định chia tách được đưa ra sau khi Toshiba loại bỏ các bộ phận khác sau liên tiếp nhiều năm hoạt động thiếu hiệu quả, bao gồm thiết bị y tế, máy tính cá nhân, thiết bị điện tử tiêu dùng và một công ty điện hạt nhân ở Mỹ - Westinghouse Electric đã phá sản vào năm 2017.

Làn sóng chia tách?

Nhiều tập đoàn lớn trên thế giới cũng đang đi theo xu thế chia nhỏ thời gian gần đây. Tập đoàn công nghệ Dell đã tách mảng kinh doanh điện toán đám mây VMWare thành một công ty riêng biệt. Chuỗi bán lẻ L Brands, có trụ sở ở bang Ohio (Mỹ), cũng chia tách thành hai công ty Bath&Body Works và Victorias Secret. Siemens chia tách các bộ phận chăm sóc sức khỏe và năng lượng của mình. United Technologies cũng làm như vậy với thương hiệu thang máy Otis, hệ thống sưởi và điều hòa Carrier. Tập đoàn công nghệ IBM đã tách đơn vị dịch vụ công nghệ thông tin thành một công ty mới có tên gọi Kyndryl hồi đầu tháng 11.

Những công ty được tách ra từ các tập đoàn lớn sẽ có quyền tự chủ hơn trong việc thiết lập các mối quan hệ hợp tác kinh doanh. Đây là điều khó có thể thực hiện được nếu là một bộ phận của một tập đoàn khổng lồ.

Kể từ năm 2017, đã có 178 thương vụ chia tách trị giá gần 800 tỷ USD, không tính General Electric, theo thống kê của Dealogic. Tuy nhiên, về hiệu quả không phải cuộc chia tách nào cũng đạt được hiệu ứng mong muốn. Công ty bán sản phẩm máy tính HP đã chia tách thành 2 công ty vào năm 2015 vào tạo ra giá trị thị trường tổng hợp cao hơn. Tuy nhiên, tập đoàn DowDuPont giải thể thành 3 công ty vào năm 2019 nhưng tổng vốn hóa thị trường lại giảm so với trước đó.

Lĩnh vực công nghệ là nơi đang diễn ra các giao dịch sáp nhập sôi động nhất và tạo ra cái mà giáo sư kinh doanh Jerry Davis của Đại học Michigan gọi là “tập đoàn đa ngành kiểu mới”. Trong số đó có công ty mẹ của Facebook là Meta Platforms Inc., Tesla Inc., Amazon.com Inc., và công ty mẹ của Google là Alphabet Inc.

Những siêu tập đoàn đa ngành mới giờ đây đang gây ra sự kinh ngạc và thán phục trong giới quản lý và nhà đầu tư tương tự như như những gì CEO Jack Welch của General Electric đã làm vào những năm 1980. Các công ty này thường tập trung vào một mục tiêu, làm nổi bật ưu thế của mình và nhận được các khoản đầu tư lớn để hỗ trợ họ mua bán hoặc sáp nhập hướng tới việc vượt qua đối thủ cạnh tranh về mặt công nghệ, bành trướng thị trường.

Tuy nhiên, mô hình đa ngành kiểu mới này không phải không có rủi ro.Trong khi General Electric, Johnson&Johnson và Toshiba tan rã bởi áp lực của giới đầu tư và thay đổi trong động lực phát triển ngành, các công ty công nghệ sẽ phải dè chừng trước sự xét nét của các cơ quan quản lý chính phủ với danh nghĩa chống độc quyền như những gì mà Google và Facebook đang phải đối mặt.

Link nội dung: https://biztoday.vn/dang-sau-lan-song-chia-tach-cua-cac-tap-doan-khong-lo-225235.html