Sản lượng điện từ than toàn cầu trong năm 2021 cao kỷ lục. Ảnh: Stock Images |
Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) ngày 17/12 cho biết sản lượng điện than toàn cầu sẽ tăng 9% và đạt mức cao nhất mọi thời đại vào cuối năm 2021 bất chấp những nỗ lực cắt giảm lượng khí thải carbon.
Tổng nhu cầu than trong năm nay - bao gồm cả trong sản xuất thép, xi măng và các hoạt động công nghiệp khác - dự kiến sẽ tăng 6% so với năm ngoái và lên mức 8,11 tỷ tấn. Năm 2022, IEA dự báo tiêu thụ còn cao hơn nữa và mức cao còn duy trì trong 2 năm tiếp theo.
Cơ quan này cho rằng nhu cầu tăng chủ yếu do kinh tế thế giới phục hồi nhanh hơn so với dự báo, biến động về khí hậu làm giảm nguồn cung điện và đẩy giá khí đốt đi lên.
“Than là nguồn phát thải carbon lớn. Mức sản xuất điện than cao kỷ lục trong năm nay là dấu hiệu đáng lo ngại trong khi thế giới đang nỗ lực giảm thải ra môi trường", Fatih Birol - Giám đốc điều hành IEA - nhận định.
Trước đó, trong tháng 11, hơn 190 quốc gia đạt được thỏa thuận tại hội nghị thượng đỉnh về khí hậu COP26 của Liên hợp quốc ở Glasgow, Scotland, về mục tiêu tăng tốc cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính và giảm dần việc sử dụng than trong tương lai.
Ảnh hưởng của Trung Quốc, Ấn Độ đối với tiêu thụ toàn cầu là rất lớn. Ngành điện than nước này chiếm khoảng hơn 30% tiêu thụ than toàn thế giới.
Hiện nay, sản lượng của Trung Quốc chiếm khoảng 50% toàn cầu và nước này phải đáp ứng nhu cầu ngày càng cao nội địa. Do đó, Trung Quốc đã gây áp lực cho các mỏ phải giảm giá mặt hàng này trong cuộc khủng hoảng điện năm nay.
Vào tháng 11, Ấn Độ tuyên bố sẽ tăng gấp ba công suất điện mặt trời và đáp ứng một nửa nhu cầu năng lượng trong nước bằng các loại tái tạo vào năm 2030. Tuy nhiên, IEA dự báo rằng tiêu thụ than của Ấn Độ sẽ vẫn tăng khoảng 4% mỗi năm cho đến năm 2024.
"Thật đáng buồn khi điện than cao kỷ lục đúng năm các quốc gia thống nhất giảm sử dụng", ông Dave Jones, chuyên gia từ tổ chức về khí hậu Ember, nhận xét.
Tuy nhiên, ông Jones tin rằng năng lượng từ than sẽ có chiều hướng giảm vì Trung Quốc cam kết cắt giảm dần từ năm 2025. Ấn Độ cũng đang hướng tới mục tiêu về năng lượng tái tạo khổng lồ để hạn chế sử dụng loại nhiên liệu này.
Link nội dung: https://biztoday.vn/tieu-thu-than-toan-cau-cao-ky-luc-226044.html