Theo morganstanley.com, không thể nói về triển vọng kinh tế toàn cầu năm 2022 mà không đề cập đến vấn đề nổi bật: lạm phát. Trong nhiều thập kỷ, hầu hết các thị trường lớn đều không xảy ra tình trạng tăng giá cả mạnh. Sau đó, đột nhiên, nhu cầu tăng vọt do suy thoái trong đại dịch COVID-19, cùng với sự gián đoạn chuỗi cung ứng kéo dài và tình trạng thiếu lao động, đã tạo ra điều kiện hoàn hảo cho giá cả tăng.
Khách hàng đặt mua đồ ở Los Angeles, bang California, ngày 10/12/2021. Ảnh: AFP/TTXVN
Lạm phát ở các thị trường phát triển đang trên đà đạt 4,7% vào cuối năm nay - một con số không đáng kể. Trong một chu kỳ kinh tế điển hình, đây sẽ là một tín hiệu rõ ràng để các ngân hàng trung ương tăng lãi suất và hãm đà tăng trưởng. Tuy nhiên, lần này lại khác. Trưởng nhóm Kinh tế Toàn cầu Seth Carpenter của Morgan Stanley cho biết: “Mọi thứ đang bình thường hóa, nhưng không hề bình thường".
Mặc dù tác nhân gây lạm phát sẽ tùy theo từng quốc gia khi chuỗi cung ứng và thị trường lao động ổn định với mức độ khác nhau, nhưng nhóm kinh tế học tại Morgan Stanley Research dự báo rằng lạm phát ở các thị trường lớn sẽ đạt đỉnh rồi giảm hơn 2 điểm phần trăm trong suốt năm 2022.
Chính sách tiền tệ có khả năng sẽ bị thắt chặt nhưng không thắt chặt tới mức mà các nhà đầu tư lo ngại. Hơn nữa, chi tiêu vốn mạnh, cải thiện chuỗi cung ứng và các lực lượng bình thường hóa khác đã khiến Morgan Stanley dự báo GDP toàn cầu năm 2022 tăng 4,7%.
Gián đoạn chuỗi cung sẽ giảm bớt
Ông Carpenter nhận định: Trên toàn cầu, tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng là nguyên nhân chính gây ra lạm phát gần đây và chúng ta đang trải qua hoặc sắp trải qua gián đoạn chuỗi cung ứng ở mức tồi tệ nhất".
Tại Mỹ, nhà kinh tế trưởng Ellen Zentner cho rằng chuỗi cung ứng của Mỹ đang trên đà phục hồi và hàng hóa cũng sẽ bớt tăng giá dần. Dự báo tăng trưởng GDP của Mỹ ở mức 4,6% vào năm 2022.
Điều này không có nghĩa là lạm phát chỉ là nhất thời. Giá một số mặt hàng ở Mỹ - bao gồm cả nhà ở - dự kiến sẽ tiếp tục tăng. Bà Zentner nói: “Chúng tôi cho rằng lạm phát tạm thời được tính bằng nhiều điểm phần trăm, trong khi lạm phát lâu dài được tính bằng điểm phần mười”.
Lạm phát châu Âu sẽ chỉ là thoáng qua
Người dân mua hàng trong siêu thị tại Duesseldorf, Đức. Ảnh: AFP/ TTXVN
Nhu cầu tăng vọt và những hạn chế về nguồn cung đang tác động khác nhau đến các thị trường toàn cầu.
Ví dụ, ở châu Âu, các nhà kinh tế của Morgan Stanley cho rằng lạm phát giảm từ 4,1% vào cuối năm 2021 xuống 3,1% vào quý đầu tiên của năm 2022 và cuối cùng giảm xuống dưới tỷ lệ lạm phát mục tiêu của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) là 2%.
Nhà kinh tế châu Âu Jacob Nell cho biết: “Ngay cả khi châu Âu tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ trong năm tới và thị trường lao động bị thắt chặt, chúng tôi dự báo lạm phát lõi sẽ thấp hơn mục tiêu của ECB vào năm 2023”.
Điều đó cho thấy, nền kinh tế châu Âu đang trên đà phục hồi trở lại mức trước đại dịch vào cuối năm nay và sẵn sàng tăng trưởng GDP 4,6% vào năm 2022, nhờ thị trường lao động mạnh sẽ giúp người dân chi tiêu tiêu dùng nhiều hơn.
Thắt chặt tiền tệ sẽ ở mức vừa phải
Giả sử rằng lạm phát và tăng trưởng kinh tế theo sát dự báo của Morgan Stanley, các ngân hàng trung ương của các thị trường phát triển có thể sẽ không thực hiện các biện pháp quyết liệt để làm giảm tốc độ tăng trưởng.
FED có thể sẽ đợi đến tháng 9/2022 mới tăng lãi suất. Ảnh: THX/TTXVN
Trong khi Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) bắt đầu giảm bớt mua tài sản, các nhà kinh tế của Morgan Stanley cho rằng FED có thể sẽ đợi đến tháng 9/2022 mới tăng lãi suất và ECB có thể giữ nguyên lãi suất cho đến cuối năm 2023.
Ở những nơi khác trên thế giới, nhiều ngân hàng trung ương đã bắt đầu bình thường hóa chính sách tiền tệ. Ông Carpenter nói: “Nhưng chúng tôi nghĩ rằng các ngân hàng sẽ không đột ngột đưa lãi suất trở lại mức trung lập, chứ chưa nói đến trường hợp hạn chế”.
Trong khi đó, đầu tư kinh doanh đã phục hồi nhanh hơn tốc độ tăng trưởng toàn cầu và mạnh hơn so với những đợt suy thoái gần đây. Ông Carpenter cho biết thêm: “Phục hồi nhờ chi tiêu đầu tư có thể lâu bền và nếu đầu tư vốn mới kèm theo tiến bộ công nghệ, thì năng suất cũng có thể được tăng cường, giảm bớt áp lực lạm phát và cho phép tăng trưởng mạnh mẽ tiếp tục”.
Những yếu tố này và các yếu tố khác có thể giúp cho GDP toàn cầu đi theo con đường trở về mức trước đại dịch COVID-19.
Dự báo dài hạn về lao động
Sau lạm phát, hạn chế về lao động cũng là mối quan tâm hàng đầu của các nhà đầu tư, và hai yếu tố này thường song hành với nhau. Những khó khăn về lao động ở Mỹ là đáng nói nhất, nhưng điều tồi tệ nhất có thể đã qua.
Ông Zentner cho biết: “Chúng tôi dự báo phục hồi theo chu kỳ điển hình khi đại dịch giảm bớt và kinh tế tiếp tục phục hồi. Ngoài ra, dân số già sẽ tiếp tục gây ra những thách thức về lao động. Độ tuổi vàng tham gia lao động từ 25 đến 54 tuổi đã bắt đầu tăng lên”.
Các thị trường mới nổi châu Á hoạt động trở lại
Container hàng hóa được bốc dỡ tại cảng Busan, Hàn Quốc. Ảnh: AFP/TTXVN
Nói rộng ra, các nhà kinh tế của Morgan Stanley cho rằng tăng trưởng trên các thị trường mới nổi sẽ vẫn mạnh mẽ trong năm tới với GDP tăng 4,9% cho tất cả các thị trường mới nổi, mặc dù tốc độ tăng trưởng chậm lại ở Brazil (0,5%) và Nga (2,7%) sẽ kéo giảm mức trung bình xuống.
Trên thực tế, triển vọng đối với các thị trường mới nổi ở châu Á khá hơn đáng kể, với tốc độ tăng trưởng GDP ở khu vực châu Á (không bao gồm Nhật Bản) sẽ ở mức 5,7%. Ấn Độ và Indonesia sẽ phục hồi mạnh mẽ nhờ cải cách cơ cấu thân thiện với doanh nghiệp, đầu tư vốn mạnh và tỷ lệ tiêm chủng tăng.
Chuyên gia kinh tế trưởng khu vực châu Á Chetan Ahya cho biết nhóm của ông dự báo tăng trưởng GDP 7,5% cho Ấn Độ vào năm 2022. Ở các nền kinh tế Bắc Á như Hàn Quốc và Đài Loan (Trung Quốc), triển vọng kinh tế cũng khá nhờ tăng trưởng mạnh mẽ nội địa và nhu cầu toàn cầu với chất bán dẫn.
Trung Quốc tăng theo nhịp độ riêng
Cảnh vắng vẻ tại một chợ ở Bắc Kinh, Trung Quốc, ngày 2/11/2021. Ảnh: AFP/TTXVN
Tăng trưởng ở nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, Trung Quốc, đang ở điểm uốn. Vào năm 2021, động thái chấn chỉnh các lĩnh vực bất động sản, phát thải carbon và ngành công nghệ đã làm chậm lại quá trình tăng trưởng kinh tế nước này.
Ông Robin Xing, Trưởng nhóm Kinh tế Trung Quốc tin rằng tăng trưởng Trung Quốc sẽ phục hồi lên 5,5% vào năm tới, cao hơn mức đặt ra nhưng thấp hơn đáng kể so với mức trong các năm gần đây của Trung Quốc.
Sau đó, tăng trưởng GDP của Trung Quốc có thể sẽ chậm lại, còn 4,8% vào năm 2023 và chỉ ở mức trên 4% trong tương lai gần.
Link nội dung: https://biztoday.vn/du-bao-xu-huong-kinh-te-toan-cau-2022-tang-truong-bat-chap-lam-phat-228570.html