Ông Trịnh Duy Trọng, Trưởng phòng Chính trị tư tưởng, Sở GD&ĐT TP.HCM, cho biết các phòng chuyên môn của sở đang lấy ý kiến phụ huynh về sự đồng thuận, sẵn sàng cho trẻ đến trường. Các trường tìm hiểu băn khoăn, khó khăn của học sinh, phụ huynh nếu các em học trực tiếp từ ngày 3/1/2022 để có sự chuẩn bị chu đáo hơn.
Lãnh đạo các trường cho biết Sở GD&ĐT TP.HCM đã chỉ đạo khảo sát ý kiến phụ huynh của tất cả khối lớp và báo cáo trong ngày 24/12.
Các trường đã khảo sát ý kiến phụ huynh về việc cho con đi học lại từ tháng 1/2022. Ảnh: YH.
Hai tuần thí điểm giúp phụ huynh yên tâm hơn
Thầy Cao Đức Khoa, Hiệu trưởng trường Huỳnh Khương Ninh (quận 1), thông tin trường đang lấy ý kiến phụ huynh khối 6, 7, 8 về việc trẻ đi học lại từ tháng một tới.
Trưa 24/12, trường sẽ tổng hợp số liệu để báo cáo. Nếu thành phố quyết định cho các khối còn lại đi học, trường sẽ họp phụ huynh từng lớp trước khi cho học sinh trở lại.
Kết quả từ lần khảo sát trước (đợt ngày 13/12), khối 7, 8 của trường có 58-62% phụ huynh đồng ý cho con đi học. Chỉ có khối lớp 6, tỷ lệ đồng thuận chưa cao, 32% đồng ý. Phụ huynh khối 6 còn nhiều e ngại do các em chưa được tiêm vaccine phòng Covid-19.
"Cá phương án phòng dịch, xử lý F0 trong trường học đã được đưa lên web để phụ huynh tìm hiểu. Hy vọng sau 2 tuần quan sát học sinh lớp 9 và 12 đi học, phụ huynh phần nào hiểu và yên tâm, tỷ lệ đồng thuận sẽ cao hơn lần khảo sát trước", thầy Khoa hy vọng.
Cô Nguyễn Thị Thu Hương, Hiệu trưởng trường Tiểu học Đinh Tiên Hoàng (quận 1), nói dù chưa tổng kết số liệu chính thức, thông qua giáo viên chủ nhiệm, cô được biết tỷ lệ đồng thuận ở các khối còn thấp. Có lớp chỉ vài phụ huynh đồng ý. Kể cả với học sinh lớp 5, số phụ huynh đồng thuận cũng không cao.
"Phụ huynh bậc THCS, THPT yên tâm, đồng ý cho con đến trường cao hơn vì các em lứa tuổi này đã được tiêm vaccine phòng Covid-19. Với cha mẹ có con học tiểu học, dù trường đã thuyết phục rất nhiều, họ vẫn còn e ngại", cô Hương lý giải.
TP.HCM sẽ mở rộng, cho các khối lớp khác đến trường từ ngày 3/1/2022. Ảnh: Văn Nguyện.
Nên có họp phụ huynh trước khi khảo sát ý kiến
Thầy Dương Trần Bình, Hiệu trưởng trường Tiểu học Lê Đức Thọ (quận Gò Vấp), chia sẻ trường yêu cầu giáo viên chủ nhiệm phổ biến thông tin, giải đáp thắc mắc của cha mẹ, sau đó mới lấy ý kiến.
"Tôi nghĩ nên có cuộc họp với phụ huynh trước, giải thích cặn kẽ các phương án phòng dịch của trường khi học sinh đến lớp, sau đó mới khảo sát ý kiến", thầy Bình nêu quan điểm.
Kinh nghiệm từ lần trước, khi khảo sát ý kiến phụ huynh lớp 1 mà chưa có trao đổi cụ thể, hơn 50% phụ huynh đồng ý cho con đến trường. Vài ngày sau, trường tổ chức họp phụ huynh trực tiếp, cha mẹ được quan sát cơ sở vật chất, phương án phòng dịch, xử lý F0. Lúc đó, hơn 90% phụ huynh lớp 1 của trường đồng ý cho con đi học nhưng tỷ lệ chung của thành phố thấp nên việc học bị hoãn.
"Thực ra, nhu cầu cho con đến trường đã rất bức thiết. Phụ huynh cũng rất mong mỏi. Nhưng khi chưa có thông tin rõ ràng về việc phòng dịch, chưa tin tưởng, phụ huynh sẽ phân vân, không đồng ý", thầy Bình nói.
Lần này, thời gian thực hiện khảo sát do sở đưa ra quá gấp, hiệu trưởng trường Tiểu học Lê Đức Thọ cảm thấy đáng tiếc khi phụ huynh các lớp 2, 3, 4, 5 chưa được họp, nghe giải thích trực tiếp trước khi cho ý kiến về việc đến lớp của con.
Rút kinh nghiệm từ lần trước, thầy Bình đã lưu ý giáo viên thuyết phục phụ huynh, thông tin những công việc mà trường làm để đảm bảo an toàn cho học sinh. Trường hợp phụ huynh còn băn khoăn, giáo viên có thể gọi điện trực tiếp trao đổi. Sau đó, các lớp mới lấy ý kiến. Trưa hoặc đầu giờ chiều 24/12, trường mới tổng hợp kết quả để gửi cho phòng giáo dục.
"Chúng tôi cũng thuyết phục phụ huynh rằng môi trường học đường thực chất còn an toàn hơn so với gửi con ở nhà họ hàng hay điểm giữ trẻ tự phát. Việc học trực tuyến kéo dài đang ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý của trẻ. Nhiều em có biểu hiện tâm, sinh lý không bình thường, chưa kể kết quả tiếp thu không cao. Do đó, các con cần đến trường càng sớm càng tốt", vị hiệu trưởng cho biết.
Đồng quan điểm, cô Vũ Thị Xuân Dung, Hiệu trưởng trường THPT Bùi Thị Xuân (quận 1), cho rằng điều kiện lý tưởng nhất là lớp tổ chức họp để phụ huynh được nêu ý kiến, sau đó mới tiến hành khảo sát.
Kết quả khảo sát khối 10, 11 lần này của trường Bùi Thị Xuân cho thấy có 83,31% cha mẹ có con học lớp 10 đồng ý cho trẻ đến trường. Con số này ở khối 11 là 71,54%.
"Lần trước khảo sát ý kiến phụ huynh lớp 12, ban đầu vẫn còn nhiều người không muốn cho con đi học, kết quả 70-80% phụ huynh đồng ý. Nhưng khi thực hiện, số học sinh đến lớp vẫn gần đủ 100%. Phụ huynh có thể chưa an tâm, nhưng nhu cầu từ chính học sinh là rất lớn. Thấy bạn bè đến trường, các con cũng háo hức muốn đi học và hơn nữa là để không thiệt thòi về mặt tiếp nhận kiến thức", cô Dung nói.
Ông Trịnh Duy Trọng cho biết thành phố chuẩn bị kết thúc tuần thứ hai dạy học trực tiếp với học sinh lớp 9 và 12. Sở đã yêu cầu các địa phương báo cáo kết quả và đề xuất phương án học trực tiếp từ ngày 3/1/2022.
Sở GD&ĐT và Sở Y tế TP.HCM đang làm việc với nhau để tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm việc tổ chức thí điểm học trực tiếp 2 tuần qua. Trên cơ sở đánh giá tình hình dịch, tuần sau, hai sở sẽ có báo cáo, đề xuất lãnh đạo TP.HCM về việc tổ chức dạy học trực tiếp từ ngày 3/1/2022.
Link nội dung: https://biztoday.vn/tphcm-lay-y-kien-ve-hoc-sinh-den-truong-tu-ngay-312022-229238.html