23h15 ngày 7/7, ông Trần Việt Anh, Chủ tịch HĐQT Công ty xuất nhập khẩu Nam Thái Sơn, về nhà sau cuộc họp kéo dài chưa từng có trong suốt hơn 30 năm lãnh đạo doanh nghiệp. "Chúng tôi vẫn thường lên kế hoạch sản xuất kinh doanh, kịch bản ứng phó với rủi ro cháy nổ, ngập lụt hay an toàn lao động... Chưa bao giờ phải lên phương án cho trường hợp dịch bệnh ở quy mô như vậy", vị lãnh đạo này nhớ lại.
Đó là thời điểm mà dịch Covid-19 đang bước vào giai đoạn căng thẳng tại TP HCM và các tỉnh phía Nam. Để duy trì hoạt động, ông Việt Anh và đồng sự có đúng một tuần để chuẩn bị triển khai phương án 3 tại chỗ, dù khi xây dựng nhà máy vài năm trước, doanh nghiệp chưa hề tính đến chuyện phải có chỗ ở cho công nhân. Bộ phận y tế cũng chỉ được chuẩn bị ở mức cơ bản. Điều đó khiến số lượng lao động chấp nhận ở lại nhà máy làm việc 3TC chỉ đạt khoảng 30-40%.
“Khó khăn càng chồng chất khi chưa bao giờ Nam Thái Sơn phải hoạt động trong cảnh vật tư sản xuất khó khăn như thế. Lần đầu tiên công ty sản xuất theo kiểu có nguyên liệu gì thì làm nấy. Hàng hóa làm ra nhưng không mang đi bán được mà phải cho vào kho tích trữ”, vị này nói thêm.
Là người giữ chức Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP HCM, ông Trần Việt Anh đồng thời cũng hiểu rằng không chỉ riêng doanh nghiệp của ông gặp phải những vấn đề như vậy. Đó cũng càng không phải là vấn đề riêng của cộng đồng doanh nghiệp trong một năm mà từ người dân đến cơ quan quản lý, từ những hộ kinh doanh nhỏ đến các tập đoàn quy mô quốc gia phải đối mặt với những thách thức chưa từng có tiền lệ. Để rồi mỗi cá nhân, tổ chức đều phải tự thay đổi nhận thức bên trong để thích nghi với hoàn cảnh, từ đó vượt qua một năm 2021 đáng quên và đáng nhớ...
Mười hai tháng trước, người Việt bước vào năm 2021 trong bầu không khí của kỳ vọng. Giới chuyên gia dự báo năm nay sẽ ổn định hơn sau thành công của việc kiểm soát dịch bệnh và duy trì tăng trưởng kinh tế năm 2020.
Đầu tháng 1, Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương đưa ra 2 kịch bản GDP với mức tăng trưởng dao động trong khoảng 5,98% đến 6,46%. Trên thực tế, Việt Nam đã có quý đầu tiên tăng trưởng tích cực (4,48%), dù thấp hơn so với thời điểm khi chưa có dịch Covid-19 nhưng đã cao hơn so với cùng kỳ 2020, nhờ xuất khẩu phục hồi mạnh mẽ, đặc biệt là nhóm hàng công nghệ. Sản xuất công nghiệp toàn ngành tăng trưởng 6,5%, trong đó sản xuất công nghiệp chế biến chế tạo tăng gần 10% so với cùng kỳ năm trước. Sau khi kết quả kinh tế quý I được công bố, nhiều định chế tài chính tin tưởng với việc cơ bản kiểm soát được dịch Covid-19, kinh tế Việt Nam được dự báo tăng trưởng 6,1-8,1% năm nay. S&P Global Ratings còn tính toán GDP Việt Nam tăng trưởng tới 11,2% trong năm nay. Triển vọng này tích cực hơn rất nhiều so với những lần trước đó khi Việt Nam phải đối mặt với làn sóng dịch.
Bất ngờ, sự xuất hiện của biến chúng mới của SARS-Co-V-2 là Delta, bắt đầu cho làn sóng dịch Covid-19 lần thứ 4 đã trở thành thách thức cho cả nền kinh tế và hoạt động sản xuất kinh doanh. Tính từ 27/4 đến 27/11, Việt Nam đã có thêm hơn 1,17 triệu ca nhiễm Covid-19 trong đó có hơn 24.000 trường hợp tử vong. Con số này lớn hơn gấp nhiều lần so với tổng số ca nhiễm Covid-19 cả 3 làn sóng dịch trước đó (2.852). Dịch bắt đầu xuất hiện ở những địa phương là các cực tăng trưởng chính của nền kinh tế như TP HCM, 19 tỉnh phía Nam (Đồng Nai, Bình Dương, Long An...) sau đó là Hà Nội và lan ra cả nước. Trước diễn biến đó, các địa phương quyết định áp dụng biện pháp giãn cách xã hội chặt chẽ, ở quy mô rộng và thậm chí là cứng nhắc để phòng thủ, làm chậm sự lây lan.
Thời điểm đó, khi việc tiếp cận vaccine Covid-19 hoặc thuốc điều trị còn hạn chế, tình trạng khan hiếm vaccine xuất hiện trên toàn cầu, việc kiểm soát chặt, khoanh vùng, truy vết F0 là cần thiết và là cách chống dịch hiệu quả. Nhưng ở khía cạnh khác, việc kiểm soát chặt di chuyển đã khiến hoạt động sản xuất kinh doanh bị đình trệ, người lao động phải nghỉ việc, lưu trú ở nhà trong một thời gian dài. Những bất cập trong hoạt động chỉ đạo, điều hành, thực hiện công tác phòng chống dịch của địa phương bắt đầu xuất hiện.
Từ kinh nghiệm của 3 làn sóng dịch Covid-19 trước đó, hoạt động vận tải, vận chuyển hàng hóa đáng ra phải được thông suốt mọi lúc, mọi nơi nhưng trên thực tế trước mỗi đợt bùng phát dịch, việc vận chuyển hàng hóa lại bị gián đoạn. Nơi sản xuất không đem đi tiêu thụ được, nơi cần tiêu thụ lại không thể mua. Trong khi đó hàng hóa lại bị ùn ứ trên đường, kiến giá cả leo thang. Tình trạng ngăn sông, cấm chợ, cát cứ giữa các địa phương xảy ra, xe hàng từ tỉnh này không được vào tỉnh khác. Để lưu thông, xe hàng phải đổi tài xế hoặc dùng xe trung chuyển để vận chuyển, như quy định của thành phố Cần Thơ. Phú Quốc (Kiên Giang) từng yêu cầu chủ phương tiện phải lưu trú lại 30 ngày để cách ly.
Nguyên nhân để xảy ra các tình trạng vừa nêu là mỗi địa phương có cách hiểu và áp dụng khác nhau trong quá trình tổ chức thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16 của Thủ tướng. Kết quả là hoạt động vận chuyển hàng hóa bị tê liệt. Tình trạng này xuất hiện ở cả trong Nam, ngoài Bắc.
Việc vận chuyển hàng hóa bị gián đoạn không chỉ khiến giá cả một số mặt hàng rau, củ quả tại các chợ truyền thống, hệ thống siêu thị có nơi tăng đột biến như tại TP HCM trước mỗi thời điểm chuẩn bị giãn cách, ảnh hưởng đến đời sống của người dân mà còn khiến doanh nghiệp thiếu nguyên liệu sản xuất.
Việc các địa phương áp dụng biện pháp giãn cách xã hội quy mô lớn khiến người dân không thể ra ngoài và cũng có tâm lý e ngại dịch, vùng sản xuất đã có lúc rơi vào trạng thái không có người thu hoạch. Đơn cử, TP HCM cùng một số tỉnh lân cận có thời điểm bị thiếu mì ăn liền do không có nguyên liệu hành lá để sản xuất. Trong khi đó, cả cánh đồng hành lá tại Bà Rịa - Vũng Tàu đến lúc thu hoạch nhưng thương lái không thể thuê xe vận chuyển được. Chuỗi cung ứng này coi như bị đứt gãy. Lúc này, bài toán phục hồi sản xuất không chỉ là câu chuyện riêng lẻ của mỗi địa phương mà cần sự đồng bộ, thống nhất trong chuỗi cung ứng.
Không chỉ vùng nguyên liệu, doanh nghiệp trong các khu công nghiệp, nhà máy sản xuất cũng bị giảm công suất, do phải hoạt động theo phương thức 3 tại chỗ khi địa phương thực hiện giãn cách xã hội. Tháng 7, 8 vừa qua, ngành thủy sản có đến 70% nhà máy chế biến phải ngừng sản xuất và khoảng 30% nhà máy sản xuất cầm chừng. Nhiều doanh nghiệp đứng trước nguy cơ bị đứt gãy chuỗi cung ứng sản xuất, bị mất khách hàng do không cung cấp đủ đơn đặt hàng cho đối tác. Việc duy trì sản xuất theo mô hình 3 tại chỗ hay 1 cung đường 2 điểm đến không chỉ ảnh hưởng đến tâm lý, năng suất của người lao động mà còn tạo áp lực rất lớn về chi phí cho doanh nghiệp, đặc biệt là những nơi sản xuất với quy định phải xét nghiệm với tần suất 3 ngày một lần. Thế nên mới xuất hiện câu chuyện một hệ thống siêu thị tại TP HCM đã tốn cả tỷ đồng mỗi lần xét nghiệm Covid-19 cho 3.000 lao động. Trong bối cảnh nguồn lực bị bào mòn sau một năm Covid-19, hoạt động sản xuất bị cầm chừng, chi phí tăng cao, tiêu thụ hàng hóa khó khăn, chi phí xét nghiệm tăng cao một lần nữa khiến các doanh nghiệp đứng trước những áp lực ngày một lớn hơn.
Sau 1 tuần triển khai thực hiện, doanh nghiệp TP HCM và các tỉnh phía Nam nhận ra rằng việc sản xuất theo mô hình 3 tại chỗ, 1 cung đường 2 điểm đến chỉ nên áp dụng trong một thời gian ngắn hoặc một khoảng thời gian nhất định, dù trước đó, mô hình đã được một số nơi ở phía Bắc như Bắc Ninh, Bắc Giang thực hiện thành công. Tuy vậy, trong bối cảnh phải áp dụng giãn cách xã hội do dịch, đây lại là cách duy nhất để doanh nghiệp cầm cự hoạt động, khi tỷ lệ tiêm phủ vaccine còn thấp.
Khó khăn do giãn cách xã hội, chuỗi cung ứng bị gián đoạn, thiếu nguyên liệu đầu vào khiến doanh nghiệp rơi vào trạng thái hoạt động cầm chừng, có nơi đóng cửa, tạm dừng hoạt động hay thu hẹp sản xuất. Lao động bị giãn, hoãn hoặc mất việc.
Sau một quý ghi nhận sự xuất hiện của biến chủng Delta, lần đầu tiên trong 10 năm trở lại đây, 1,8 triệu người trong độ tuổi lao động bị thiếu việc làm trong quý III. Tỷ lệ thiếu việc ở thành thị cao hơn ở nông thôn, trái ngược hoàn toán với xu hướng thường thấy của thị trường lao động.
Thu nhập bình quân của người lao động cũng xuống mức thấp nhất trong vòng mười năm qua, giảm 877.000 đồng, xuống còn 5,2 triệu đồng. Việc nhiều địa phương áp dụng giãn cách xã hội kéo dài theo Chỉ thị 16 và người lao động không thể biết được khi nào việc làm được ổn định trở lại nên đã dẫn đến tình trạng 1,3 triệu lao động rời thành phố về quê chỉ trong 2 tháng (tháng 8, 9). Con số vừa nêu là thống kê sơ bộ của Tổng cục Thống kê và chưa tính dòng người về quê từ đầu tháng 10, khi TP HCM và các tỉnh phía Nam nới lỏng giãn cách. Đáng nói, sau gần 2 năm Covid-19 xuất hiện, đến nay, vẫn chưa có một báo cáo đầy đủ những tác động về mặt xã hội của dịch.
Nhìn một cách sâu xa hơn, việc người dân bỏ về quê khi nhiều tháng không có việc làm còn cho thấy những điểm yếu của việc thực hiện chính sách pháp luật cho người lao động đã bị doanh nghiệp bỏ lơ. Một phần nguyên nhân được đại diện Bảo hiểm Xã hội TP HCM cho biết là do tình hình sản xuất rất khó khăn dẫn đến việc tuân thủ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế của doanh nghiệp chưa nghiêm. Tỷ lệ chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội năm nay tăng nhiều so với năm trước. Do vậy, thay vì được doanh nghiệp trả lương một phần hoặc được nâng đỡ bởi các chính sách về bảo hiểm thất nghiệp, thì người lao động tay trắng khi mất việc.
Cũng từ giữa tháng 7, bắt đầu xuất hiện những ý kiến khác nhau về biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 và sức chịu đựng của doanh nghiệp. Đơn cử TP HCM đã trải qua 100 ngày giãn cách xã hội. Ban đầu, việc giãn cách theo Chỉ thị 15 được áp dụng tại một số địa phương kể từ 31/5. Từ 9/7, thành phố áp dụng giãn cách xã hội toàn thành phố theo Chỉ thị 16 và trong 15 ngày. Sau đó, thời gian áp dụng giãn cách xã hội được gia hạn, kéo dài đến giữa tháng 8 do số ca nhiễm Covid-19 vẫn không ngừng tăng nhanh.
Số ca nhiễm Covid-19 trong cộng đồng tăng nhanh, việc cách ly tập trung hay điều trị tại bệnh viện như tại TP HCM cũng đến lúc quá tải, đòi hỏi phải có một phương án thay thế. Ngay từ giữa tháng 7, TP HCM đề xuất được thí điểm cách ly, điều trị F0 tại nhà. Việc cách ly, điều trị F0 tại nhà đòi hỏi sự giám sát, quản lý chặt chẽ và hỗ trợ của hệ thống y tế phường, y tế cơ sở. Nhưng đáng tiếc, hệ thống y tế cơ sở lại bộc lộ rõ những điểm yếu về nhân lực, cơ sở vật chất và hạ tầng, cho thấy chưa sẵn sàng với việc quản lý thí điểm.
Trong báo cáo đánh giá về tình hình phòng chống dịch Covid-19 năm vừa qua, Ủy ban Xã hội của Quốc hội đã cho rằng việc ứng phó với đợt dịch thứ 4 bộc lộ nhiều hạn chế, nhất là hạn chế của hệ thống cơ sở, y tế dự phòng. Công tác đánh giá nguy cơ, dự báo tình hình dịch bệnh chưa sát; chưa thực hiện nguyên tắc cách ly tạm thời ngay từ đầu để làm xét nghiệm rộng, căn cứ vào kết quả xét nghiệm để thu hẹp phạm vi cách ly. Nguồn nhân lực y tế nhiều nơi còn hạn chế nhưng lại chưa huy động hiệu quả sự tham gia của y tế tư nhân. Nhiều loại thuốc dùng cho điều trị bệnh nhân Covid-19 chưa được bảo hiểm y tế thanh toán. Các cơ sở y tế hạn chế mua sắm, đấu thầu thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế do sợ trách nhiệm. Việc tổ chức thực hiện chế độ, chính sách đối với lực lượng tuyến đầu tham gia chống dịch còn lúng túng, có lúc, có nơi còn chưa kịp thời.
Nhìn lại hoạt động chống dịch Covid-19, bên cạnh việc ghi nhận những kết quả đã đạt được, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch đã đúc rút rằng công tác tổ chức thực hiện phòng, chống dịch ở một số địa phương vẫn là khâu còn yếu, chưa đồng đều. Nhiều địa phương thực hiện tốt, có hiệu quả, nhưng có địa phương lúng túng, chưa được như mong muốn, hiệu quả chưa cao. Một số nơi chưa quán triệt tinh thần chỉ đạo trong các công điện, quy định, hướng dẫn của Trung ương, nên hiệu quả có lúc có nơi chưa cao, ví dụ tốc độ xét nghiệm vẫn chậm hơn tốc độ lây lan của dịch.
Việc áp dụng giãn cách xã hội và nguy cơ bùng dịch có thể xảy ra, nhất là với đối tượng chưa được tiêm vaccine Covid-19, nên học sinh các cấp được học trực tuyến tại nhà và trẻ em mầm non được nghỉ học.
Lần đầu tiên, kế hoạch giảng dạy của ngành giáo dục liên tục bị gián đoạn theo từng giai đoạn, diễn biến của dịch. Việc giảng dạy trực tuyến lần đầu tiên được áp dụng ở quy mô rộng với thời gian dài chưa từng có từ trước đến nay, gặp phải những thách thức, khó khăn ban đầu như đường truyền internet không đảm bảo, thiếu thiết bị học trực tuyến. Theo thống kê chưa đầy đủ, chỉ tính riêng TP HCM hay Bà Rịa - Vũng Tàu đã thiếu lần lượt 70.000 và 11.000 thiết bị học trực tuyến. Học sinh cũng phải đối mặt với việc thiếu sách giáo khoa và dụng cụ học tập.
Dịch Covid-19 đã làm gần 20 triệu học sinh, sinh viên chưa được tới trường trường trong hơn 7 tháng, 70.000 sinh viên không thể ra trường đúng hạn, ảnh hưởng tới việc cung cấp nguồn nhân lực cho nền kinh tế.
Sau nhiều tháng giãn cách xã hội ở những cực tăng trưởng phía Bắc cũng như phía Nam, hoạt động sản xuất, vận chuyển có lúc tê liệt, nền kinh tế đã ghi nhận lần đầu tiên tăng trưởng âm kể từ khi Việt Nam tính và công bố GDP quý. GDP quý III giảm 6,17% so với cùng năm trước.
Trước khi Tổng cục Thống kê công bố kết quả kinh tế xã hội 9 tháng và quý III, nhiều chuyên gia dự báo GDP có thể tăng trưởng âm nhưng mức giảm sâu như vậy thì nằm ngoài mức dự báo của họ.
Tỷ lệ doanh nghiệp thành lập mới giảm gần 14%, doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường tăng gần 6% và doanh nghiệp giải thể tăng mạnh nhất, gần 17%, tương đương 45.100 doanh nghiệp dừng hoạt động. Riêng Đồng bằng sông Cửu Long có hơn 10.000 doanh nghiệp rời khỏi thị trường và doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động của vùng lên tới 90%.
Nguồn lực của doanh nghiệp để cầm cự hoạt động đã đến giới giạn.
Với việc tỷ lệ tiêm phủ vaccine Covid-19 trên toàn quốc cao hơn, Bộ Y tế phân phối thuốc điều trị cho các địa phương; số trường hợp nặng, tử vong và tỷ lệ lây nhiễm giảm; những thiệt hại về kinh tế khi áp dụng giãn cách xã hội, Chính phủ nhận ra rằng không thể theo đuổi mục tiêu zero Covid mà phải chuyển sang sống chung và thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19. Việc điều chỉnh này cũng phù hợp với xu hướng của thế giới và khu vực ở thời điểm đó.
Những ý tưởng ban đầu về viêc thay đổi cách tiếp cận trong hoạt động phòng chống dịch Covid-19 được hàm ý từ cuối tháng 9 nhưng dấu mốc chính thức được ghi nhận vào trung tuần tháng 10 thông qua Nghị quyết 128 về thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch của Chính phủ. Mục tiêu ưu tiên của nghị quyết là khôi phục, phát triển kinh tế - xã hội và đưa cả nước chuyển sang trạng thái bình thường mới sớm nhất có thể, phấn đấu trong năm nay.
Bằng việc hướng dẫn xác định cấp độ dịch thông qua 3 tiêu chí cụ thể, gồm tỷ lệ ca nhiễm mới trong cộng đồng/số dân/thời gian; độ bao phủ vaccine và khả năng thu dung, điều trị của hệ thống y tế trên địa bàn; các địa phương tự xác định cấp độ dịch và áp dụng biện pháp giãn cách phù hợp.
Sau 11 ngày Nghị quyết được ban hành, 63 tỉnh, thành phố trên toàn quốc đã công bố cấp độ dịch. Trong đó, 26 tỉnh, thành phố cấp độ 1 (vùng xanh) và 37 tỉnh, thành phố ở cấp độ 2 (vùng vàng, nguy cơ trung bình), không có tỉnh, thành phố nào ở cấp độ 3 và 4. Tuy nhiên, cả nước vẫn có 14 huyện, 98 phường, xã thuộc vùng cam; 2 huyện (ở Quảng Nam, Thanh Hóa) và 37 phường, xã thuộc vùng đỏ. Trong 5 thành phố trực thuộc Trung ương, có 2 địa phương thuộc cấp độ 1 là Hà Nội và Hải Phòng. 3 thành phố còn lại gồm TP HCM, Đà Nẵng, Cần Thơ là vùng vàng, thuộc cấp độ 2.
Để đảm bảo việc chuyển sang trạng thái mới một cách suôn sẻ, Chính phủ yêu cầu phải tuân thủ một số nguyên tắc, trong đó lấy y tế làm trung tâm; kinh tế là cơ sở; ý thức người dân và vaccine Covid-19 là điều kiện tiên quyết.
Chính vì xác định y tế là một trong những trụ cột quan trọng để thích ứng an toàn, nên ngay khi ban hành Nghị quyết 128, Thủ tướng đã yêu cầu Bộ Y tế ban hành quyết định hướng dẫn về chuyên môn để một lần nữa các địa phương xác định đúng cấp độ dịch, tạo thuận lợi trong việc di biến của người dân, hoạt động vận chuyển hàng hóa cũng như giúp doanh nghiệp chủ động trong công tác phòng chống dịch, thay vì bị động như trước đây.
Tại quyết định này, Bộ Y tế hướng dẫn rất rõ về việc chỉ xét nghiệm khi nghi ngờ hoặc liên quan đến việc truy vết hay ở vùng có nguy cơ cao thay vì xét nghiệm một cách tràn lan hoặc tần suất nhiều như trước đây. Việc khoanh vùng cách ly đảm bảo ở quy mô nhỏ nhất, tạo thuận lợi cho chủ thể. Khả năng thu dung tại các bệnh viện, trung tâm điều trị được củng cố, đặc biệt là hệ thống y tế cơ sở.
Việc tiêm vaccine Covid-19 được xác định phải đẩy nhanh, tăng độ bao phủ số người tiêm đủ 2 liều để nhanh chóng đạt tỷ lệ 70% dân số trên 18 tuổi được tiêm đủ liều vaccine theo mục tiêu của Chính phủ giao. Trong đó, đặc biệt lưu tâm đến những đối tượng từ 50 tuổi trở lên, có bệnh lý nền, phụ nữ có thai và người lao động làm việc trong khu công nghiệp, khu chế xuất. Cùng với đó, Bộ Y tế đã rà soát vật tư y tế, nhân lực cũng như kho lạnh chứa vaccine Covid-19 bị thiếu thời gian qua tại một số địa phương, làm tốc độ tiêm chủng của chiến dịch tiêm chủng vaccine có quy mô lớn nhất từ trước đến nay bị ảnh hưởng.
Rút kinh nghiệm từ việc bị động trong việc tiếp cận vaccine, thuốc điều trị hồi đầu năm, ngành y tế đã rà soát tổng thể nhu cầu tiêm vaccine Covid-19 trên toàn quốc để chuẩn bị kế hoạch thực hiện cho năm sau cũng như tiêm mũi 3 nhắc lại.
Cùng với y tế, mặt trận kinh tế cũng được củng cố và quan tâm bằng việc thành lập các tổ công tác khôi phục sản xuất kinh doanh, do người đứng đầu các địa phương làm trưởng ban. Các địa phương phải xây dựng kế hoạch mở cửa và có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp khôi phục sản xuất, sau một thời gian dài gần như đóng băng, do làn sóng dịch Covid-19 lần thứ 4.
Với hướng dẫn của Nghị quyết 128, quy trình phòng dịch từ Bộ Y tế được đơn giản và thống nhất, nhất là khi tỷ lệ tiêm chủng vaccine Covid-19 đạt được tỷ lệ nhất định, đầu tháng 10, lần lượt 5 ngành vận tải đã lên kế hoạch mở cửa trở lại. Trong đó, hàng không tiên phong thí điểm mở cửa trở lại các đường bay nội địa thường lệ và tiến tới mở cửa đường bay quốc tế thường lệ. Ban đầu, hàng không đề xuất mở lại 10 đường bay với khoảng 400 chuyến bay trên toàn quốc mỗi ngày. Sau khi thí điểm và đánh giá, tần suất các đường bay được tăng dần lên và hoạt động với công suất bình thường trước thời điểm có dịch ở cả đường bay nội địa và cả quốc tế từ 1/1/2022. Tinh thần mở cửa của Việt Nam được quán triệt là an toàn đến đâu mở cửa đến đó, mở cửa ở đâu, nơi đó phải an toàn.
Quyết tâm mở của của Chính phủ được đánh dấu bằng việc tạm thời công nhận hộ chiếu vaccine với 72 quốc gia, vùng lãnh thổ, từ giữa tháng 10, ngay khi Nghị quyết 128 được ra đời.
Nghị quyết 128 là tiền đề cho các hoạt động chỉ đạo, điều hành thông suốt, cụ thể, mạch lạc trong việc ứng phó với dịch Covid-19 và phục hồi kinh tế của các bộ ngành, địa phương.
Cũng nhờ có Nghị quyết, sau này khi số ca nhiễm Covid-19 tại một số địa phương tăng nhanh do biến chủng Omicron cũng không còn tâm lý hoang mang, lúng túng, lo lắng. Thay vào đó, các địa phương chủ động phòng chống dịch và từng bước mở cửa hoạt động kinh tế.
Doanh nghiệp cũng chủ động có biện pháp ứng phó trong trường hợp có F0 bằng việc thay đổi quy trình sản xuất, áp dụng công nghệ mới và bổ sung nhân viên y tế trong lực lượng lao động. Nhờ vậy, các hoạt động nền kinh tế đã sẵn sàng cho việc mở cửa, để bắt nhịp cùng xu hướng của khu vực, thế giới.
Trong quá trình thực hiện chiến dịch tiêm chủng vaccine Covid-19 toàn quốc quy mô lớn nhất trong lịch sử, nhiều địa phương dù có tỷ lệ tiêm vaccine Covid-19 chưa cao ở giai đoạn đầu nhưng vẫn mạnh dạn xin được thí điểm hoặc lựa chọn để đón khách quốc tế - bước đi đầu tiên cho thấy quyết tâm khôi phục kinh tế của địa phương, Chính phủ. Đơn cử như Quảng Ninh, Quảng Nam, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Bình Định, TP HCM, Kiên Giang.
Khánh Hòa là địa phương ở mức độ 2, tương đương có nguy cơ dịch Covid-19 trung bình sau khi tự đánh giá theo Nghị quyết 128. Đầu tháng 10, địa phương này kiến nghị Thủ tướng và Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch được thí điểm đón khách quốc tế từ tháng 11, với lý do có kinh nghiệm thực hiện các chuyến bay cách ly, năng lực hệ thống y tế đủ khả năng đáp ứng và sẵn có những cơ sở lưu trú đáp ứng điều kiện cách ly và phòng, chống dịch an toàn.
Khánh Hòa dự kiến tập trung đón khách du lịch từ những thị trường đã kiểm soát tốt dịch Covid-19 như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Nga, Australia, Pháp, Đức… và một số thị trường Bắc Âu, Bắc Mỹ khác. Khánh du lịch đến Khánh Hòa chủ yếu thông qua hình thức du lịch trọn gói và chuyến bay charter.
Một trong những cơ sở thuận lợi khác để UBND tỉnh Khánh Hòa mạnh dạn đề xuất thí điểm đón khách quốc tế có "hộ chiếu vaccine" là tỉnh đã kiểm soát được dịch bệnh Covid-9 với tỷ lệ tiêm vaccine Covid-19 mũi 2 và nằm trong top 10 địa phương có độ phủ cao nhất cả nước, số ca nhiễm Covid-19 mới ở mức thấp, chủ yếu trong các khu cách ly y tế dân cư và khu cách ly tập trung. Việc điều trị ca nhiễm Covid-19 của tỉnh cũng có kết quả tốt, với gần 94% số ca nhiễm đã khỏi bệnh. Số còn lại đa số có triệu chứng nhẹ và không triệu chứng.
Đến nay, 5 địa phương (Quảng Ninh, Quảng Nam, Đà Nẵng, Khánh Hòa và Kiên Giang) đã được chấp thuận thí điểm đón khách quốc tế theo lộ trình 3 giai đoạn mở cửa đón khách quốc tế của Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch. Trong đó, giai đoạn 1 được thực hiện kể từ tháng 11 vừa qua. Sau 1 tháng thí điểm, khách quốc tế đến Kiên Giang trong tháng 11 đã tăng gấp 10 lần so với tháng 10, trong đó 1/3 là khách quốc tế. Kết quả ban đầu cho thấy chiến lược mở cửa đón khách đã có được những kết quả nhất định và đúng đắn.
Cùng với các địa phương, doanh nghiệp trên cả nước cũng từng bước mạnh dạn mở cửa trở lại một cách mạnh mẽ. Sau gần 1 tháng Nghị quyết 128 được ban hành, 200 nhà máy sản xuất quần áo thể thao cho Nike tại Việt Nam đã hoạt động trở lại sau nhiều tháng phải tạm thời đóng cửa. Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tháng 10 tăng trưởng ước đạt 6,9% so với tháng trước đó. Không những thế, doanh nghiệp gia nhập thị trường tháng 10 đạt 8.233 doanh nghiệp, tiệm cận mức 8.740 doanh nghiệp vào tháng 7 - thời điểm trước khi việc giãn cách xã hội được thực hiện ở TP HCM, 19 tỉnh phía Nam và Hà Nội.
Báo cáo tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, người đứng đầu Chính phủ cho biết kinh tế xã hội tháng 10 chuyển biến tích cực và có nhiều khởi sắc so với tháng trước. Kinh tế vĩ mô tiếp tục được duy trì ổn định, các cân đối lớn được dảm bảo, lạm phát được kiểm soát ở mức thấp. Dư nợ tín dụng 10 tháng tăng trên 8,7%; tỷ giá, lãi suất ổn định, dự trữ ngoại hối được củng cố.
Đến nay, tỷ lệ tiêm phủ vaccine Coivd-19 của Việt Nam đã cao hơn Mỹ, EU và xấp xỉ Singapore, với hơn 146,3 triệu mũi vaccine Covid-19 được tiêm, trong đó số người được tiêm mũi 2 là hơn 66,4 triệu, tương đương 87,9% dân số trên 18 tuổi được tiêm đủ liều. Như vậy, so với mục tiêu Chính phủ giao hồi đầu năm, việc tiêm phủ vaccine Covid-19 đã về đích sớm hơn so với dự tính.
Với triển vọng tỷ lệ tiêm phủ vaccine cao, công tác phòng chống dịch Covid-19 chuyển sang trạng thái mới, một số ngành nghề bắt đầu mở cửa, GDP Việt Nam năm nay được dự báo tăng trưởng 2%, theo báo cáo cập nhật mới nhất của ADB. Dù đây là lần điều chỉnh dự báo thứ 4 nhưng vẫn được cho là tích cực. Lạc quan hơn, Ngân hàng UOB dự báo GDP Việt Nam tăng trưởng 3%.
Cơ sở để đưa ra dự báo tăng trưởng cho năm dựa trên tình hình kinh tế tiếp tục được cải thiện. Chỉ số sản xuất công nghiệp; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng du lịch đều tăng trưởng tháng thứ ba liên tiếp. Kim ngạch xuất khẩu đạt mức cao kỷ lục, 31,9 tỷ USD, giúp cán cân thương mại thặng dư tháng thứ 2 liên tiếp và đạt hơn 220 triệu USD. Lạm phát tăng nhẹ do giá nhiên liệu tăng, nhu cầu tiêu dùng các mặt hàng ngoài lương thực, thực phẩm trong nước đang phục hồi. Trong khi đó, tăng trưởng tín dụng vẫn ở mức ổn định, cung cấp thanh khoản dồi dào để hỗ trợ phục hồi kinh tế.
Với kết quả GDP dự kiến tăng trưởng 2-3% năm nay dù tăng trưởng dương, tích cực rất nhiều so với quý III trước đó, song ít nhiều cũng ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng của cả giai đoạn 2021-2025, khi chỉ tiêu kinh tế được Quốc hội giao 6-6,5%.
Chính vì vậy, Chính phủ đã tính toán đến việc cần phải có gói hỗ trợ phục hồi kinh tế, hỗ trợ tăng trưởng.
Báo cáo ở phiên thảo luận tại tổ của Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết Bộ đang tính toán gói kích cầu, kích thích kinh tế theo hướng đề xuất một số chính sách tài khóa, đảm bảo tính hiệu quả. Gói hỗ trợ tập trung vào 4 mũi nhọn là tháo gỡ điểm nghẽn về thể chế, nguồn nhân lực, vốn và chuyển đổi số. Đáng chú ý, Bộ Tài chính cho biết sẽ có gói hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp trị giá khoảng 20.000 tỷ đồng.
Chương trình phục hồi của Chính phủ đã được manh nha từ quý III song đến nay vẫn chưa có một bản dự thảo chính thức được công bố.
Tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2021 vừa qua, đại diện nhóm chuyên gia nghiên cứu của Thường trực Ủy ban Kinh tế đã đề xuất chương trình phục hồi kinh tế giai đoạn 2022-2023, với trị giá thực tế khoảng 5,48% GDP. Mức này tương đương với quy mô hỗ trợ ở nhiều nước châu Á khác.
Dự kiến, quy mô gói tài khóa trong chương trình phục hồi có quy mô khoảng 389.200 tỷ đồng, tương đương 4,79% GDP. Nhóm nghiên cứu cũng đề xuất bảo lãnh khoản vay vốn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa với quy mô 80.000 tỷ đồng, kèm theo một gói hỗ trợ lãi suất 25.000 tỷ đồng.
Nhóm chuyên gia dự kiến khi triển khai gói hỗ trợ, GDP giai đoạn tới sẽ tăng thêm khoảng 1,5 đến 2 điểm phần trăm mỗi năm trong giai đoạn 2022-2023.
Link nội dung: https://biztoday.vn/chung-ta-da-doi-mat-nhung-gi-trong-nam-qua-231320.html