Liệu những lo ngại này có đang bị thổi phồng, khi mà quá khứ cho thấy chính sách tiền tệ của Việt Nam không phải bao giờ cũng đồng pha với các nền kinh tế phát triển?Cũng không nên hiểu một cách cứng nhắc đó là động thái thắt chặt chính sách, mà chỉ đơn thuần là bình thường hóa chính sách tiền tệ sau khi đã duy trì siêu nới lỏng. Vì vậy, mức tác động đến các nền kinh tế như Việt Nam có lẽ sẽ bị hạn chế…
Fed quyết định đảo chiều chính sách
Kết thúc cuộc họp hai ngày vào thứ 5 tuần trước (16-12), Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) cho biết sẽ tiếp tục đẩy nhanh tiến độ cắt giảm chương trình mua tài sản, theo đó từ mức cắt giảm 15 tỉ đô la thực hiện trong tháng 11, cơ quan này quyết định tăng gấp đôi mức cắt giảm trong tháng 12, và sẽ tiếp tục nâng mức cắt giảm trong năm 2022.
Trước đó, để kích thích nền kinh tế và hỗ trợ thị trường tài chính trước tác động của đại dịch Covid-19, Fed đã triển khai gói nới lỏng định lượng (QE) với việc tung ra ít nhất 120 tỉ đô la mỗi tháng để mua vào tài sản, trong đó ít nhất 80 tỉ đô la mua trái phiếu kho bạc và 40 tỉ đô la còn lại đổ vào chứng khoán đảm bảo bằng thế chấp (MBS).
Động thái trên cho thấy dường như cơ quan này đang ngày càng sốt ruột trước áp lực lạm phát ngày càng gia tăng. Cụ thể, sau khi đạt mức 6,2% trong tháng 10, chỉ số giá tiêu dùng tháng 11 của Mỹ tiếp tục tăng vọt lên mức 6,8% so với cùng kỳ, tốc độ nhanh nhất kể từ năm 1982, giữa lúc chuỗi cung ứng gặp khó khăn và thiếu hụt khiến giá tăng cao hơn. Mức lạm phát phi mã này cho thấy mục tiêu lạm phát dài hạn 2% của Fed ngày càng xa vời.
Sau khi kết thúc QE, Fed dự kiến bắt đầu nâng lãi suất cơ bản trở lại trong năm 2022. Các quan chức Fed tính nâng lãi suất ba lần trong năm 2022, hai lần trong năm 2023, và hai lần nữa trong năm 2024. Hiện giới đầu tư đã đặt cược vào việc Fed sẽ tăng lãi suất đến ba lần vào năm 2022, mặc dù các dự đoán chính thức trước đó là không quá một lần trong năm tới.
Trong bối cảnh lạm phát chịu nhiều áp lực, trong khi tăng trưởng kinh tế đang dần hồi phục nhanh hơn và thị trường lao động ngày càng vững chắc, khả năng Fed đẩy nhanh lộ trình nâng lãi suất ngày càng hiện hữu, nhất là khi nhìn vào xu thế nhiều ngân hàng trung ương (NHTƯ) toàn cầu cũng đang thắt chặt chính sách tiền tệ trở lại. Cụ thể, hôm 16-12, NHTƯ Anh (BOE) đã trở thành NHTƯ lớn đầu tiên thông báo nâng lãi suất trở lại kể từ khi đại dịch Covid-19 ập đến, từ 0,1% lên 0,25%/năm giữa lúc lạm phát ngày càng tăng.
Tuyên bố của Fed và động thái của BOE đã gây ra sự lo ngại rằng một khi các NHTƯ lớn nhất thế giới thắt chặt chính sách, các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển cũng sẽ bị ảnh hưởng theo và có thể đối mặt với những bất ổn. Cụ thể, một trong những tác động đối với Việt Nam mà nhiều ý kiến tỏ ra lo ngại gần đây là lãi suất tiền đồng có thể chịu áp lực tăng lên theo, cản trở đà phục hồi kinh tế còn đang rất mong manh. Diễn biến lãi suất tiền gửi những ngày cuối năm này có dấu hiệu tăng trở lại được cho là tín hiệu báo trước.
Chẳng những vậy, nguy cơ tiền đồng có thể chịu áp lực mất giá một khi Fed nâng lãi suất kích thích dòng vốn quốc tế đảo chiều, cũng sẽ gây thêm áp lực lên lạm phát – với giá hàng hóa nhập khẩu lên cao, cũng được phản ánh gần đây. Trong những năm vừa qua, tỷ giá đô la Mỹ/tiền đồng đã giữ được sự ổn định theo mục tiêu của nhà điều hành, tuy nhiên những ngày gần đây lại có sự biến động đáng chú ý, trong bối cảnh đô la Mỹ cũng đã tăng đáng kể từ đầu năm đến nay trên thị trường quốc tế dựa trên kỳ vọng Fed thắt chặt chính sách.
Nỗi sợ bị thổi phồng?
Tuy nhiên, liệu những lo ngại này có đang bị thổi phồng, khi mà quá khứ cho thấy chính sách tiền tệ của Việt Nam không phải bao giờ cũng đồng pha với các nền kinh tế phát triển. Đơn cử như giai đoạn Fed sau khi thu hẹp chương trình mua tài sản trong hai năm 2013 và 2014, đã tiến đến nâng lãi suất từ tháng 12-2015 đến tháng 12-2018. Chỉ trong vòng ba năm, cơ quan này đã có đến chín lần tăng lãi suất với mức tăng 0,25%/lần, theo đó tổng mức tăng lên đến 2,25%, từ vùng 0-0,25% lên 2,25-2,5%, trước khi điều chỉnh giảm trở lại từ tháng 1-2019.
Trong cùng khoảng thời gian hai năm 2013 và 2014, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã có thêm bốn lần giảm trần lãi suất tiền gửi từ mức 8% xuống 5,5%. Tiếp đến giai đoạn 2015-2018, cơ quan này vẫn giữ nguyên trần lãi suất tiền gửi ở mức 5,5% tại kỳ hạn dưới sáu tháng, trong khi lãi suất tái cấp vốn và tái chiết khấu có một lần giảm ở mức 0,25%, xuống tương ứng 6,25% và 4,25%, còn trần lãi suất cho vay các lĩnh vực ưu tiên giảm 0,5% xuống 6,5%. Như vậy có thể thấy đi ngược lại với động thái nâng lãi suất của Fed trong giai đoạn 2015-2018, các mức lãi suất điều hành của NHNN vẫn không bị tác động.
Giai đoạn đó, với lãi suất ở mức thấp kỷ lục 0% đã duy trì suốt bảy năm để chống chọi với cuộc khủng hoảng kinh tế 2008, Fed có lý do để lo ngại nền kinh tế tăng trưởng nóng quá mức sẽ kéo theo lạm phát phi mã và rủi ro bong bóng tài sản. Ngược lại, bối cảnh vĩ mô của Việt Nam giai đoạn đó vẫn khá ổn định với lạm phát nằm dưới mục tiêu đề ra, cho phép nhà điều hành duy trì chính sách tiền tệ linh hoạt để hỗ trợ tăng trưởng.
Ngoài ra, dù tính từ tháng 10-2011 đến tháng 10-2014, Việt Nam đã liên tục giảm lãi suất điều hành, đơn cử như trần lãi suất tiền gửi từ 14% xuống còn 5% qua 10 lần giảm, nhưng rõ ràng mức 5,5% so với mức thấp kỷ lục 0% của Fed là có sự chênh lệch lớn, do đó NHNN không phải chịu áp lực như Fed trong việc quyết định tăng lãi suất trở lại.
Đối với tỷ giá, trong giai đoạn Fed bắt đầu tăng lãi suất từ cuối năm 2015, tỷ giá trung tâm đô la Mỹ/tiền đồng do NHNN điều hành mỗi năm tăng không quá 2%, cụ thể năm 2016 và 2017 đều chỉ tăng 1,2%, năm 2018 tăng 1,78% và năm 2019 tăng 1,45%, thậm chí năm 2020 còn giảm nhẹ 0,1%. Với việc tỷ giá trung tâm được đưa vào sử dụng từ đầu năm 2016, thể hiện sự linh hoạt theo diễn biến thị trường quốc tế, cộng thêm nguồn cung ngoại tệ vượt trội nhờ thu hút vốn đầu tư nước ngoài, thặng dư thương mại và kiều hối, rõ ràng tỷ giá đô la Mỹ/tiền đồng hiện nay không còn chịu quá nhiều ảnh hưởng bởi chính sách tiền tệ của Mỹ cũng như diễn biến đô la Mỹ trên thị trường quốc tế.
Cũng cần nói thêm việc Fed hay các NHTƯ lớn khác kết thúc chương trình nới lỏng định lượng hay nâng lãi suất, cũng không nên hiểu một cách cứng nhắc đó là động thái thắt chặt chính sách, mà chỉ đơn thuần là bình thường hóa chính sách tiền tệ sau khi đã duy trì siêu nới lỏng để ứng phó với đại dịch Covid-19 trong hai năm qua. Vì vậy, mức tác động đến các nền kinh tế như Việt Nam có lẽ sẽ bị hạn chế, và dường như nỗi lo sợ đang bị thổi phồng quá mức.
Link nội dung: https://biztoday.vn/dao-chieu-chinh-sach-tien-te-noi-so-hai-co-bi-thoi-phong-231353.html