Đã trồng xoài nhiều năm tại tỉnh Kampong Speu, anh Chum Chamm thường xuyên chứng kiến cảnh các thương nhân người Việt sang Campuchia để thu mua loại trái cây này.
Họ mua cả vườn và mang theo công nhân để hái quả và đóng gói bao bì bằng tiếng Hoa, trước khi xuất sang thị trường Trung Quốc đại lục và các nơi khác trong khu vực, Chamm nói với This Week in Asia tại nông trại của mình cách thủ đô Phnom Penh 90km về phía Tây.
Một người nông dân khác tên Lach Leab kể về một trải nghiệm không mấy tốt đẹp mà ông từng gặp khi làm ăn với thương nhân Trung Quốc. Họ trả cho ông 30% tiền hàng và hứa hẹn sẽ thanh toán hết số tiền sau đó vì đang thiếu tiền mặt. Tuy nhiên, những thương nhân này đã chở hàng đi và chưa bao giờ quay lại để thanh toán số tiền còn thiếu.
Mọi thứ đang thay đổi khi Bắc Kinh và Phnom Penh ký kết hiệp định vào tháng 6/2020, cho phép các nhà xuất khẩu Campuchia tiếp cận với thị trường trị giá 1 tỷ USD và rất ưa chuộng các loại trái cây miền nhiệt đới.
Hồi tháng 4, chính quyền Trung Quốc đã cấp chứng nhận tuân thủ tiêu chuẩn cho 37 nông trại trồng xoài và 5 nhà máy đóng gói của Campuchia.
Xoài Campuchia từng phải dán nhãn ‘Made in Vietnam’ để xuất sang Trung Quốc. Minh họa: SCMP.
Thị trường khổng lồ tiêu thụ trái cây nhiệt đới
Hiệp định thương mại tự do (FTA) vừa được phê chuẩn giữa Trung Quốc và Campuchia, chính thức có hiệu lực hôm 25/12, được kỳ vọng sẽ thúc đẩy kim ngạch xuất khẩu của Campuchia sang Trung Quốc qua việc đưa mức thuế đối với hầu hết các mặt hàng, trong đó có xoài, xuống mức 0.
Nhập khẩu xoài hàng năm của Trung Quốc - cả trái tươi và đã qua chế biến - tăng đều đặn trong những năm qua, với mức tăng đột biến gấp 5 lần từ năm 2019 đến năm 2020.
Năm ngoái, Trung Quốc đã nhập khẩu 84.000 tấn xoài, trong đó 80% trong số này đến từ Việt Nam, Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO) cho biết trong một đánh giá thị trường năm 2020.
Tuy nhiên, lượng hàng nhập khẩu tính đến tháng 11 năm nay đã giảm xuống chỉ còn hơn 10.000 tấn bởi đại dịch Covid-19 đã tàn phá chuỗi cung ứng và làm chậm lại nhu cầu của người dân đại lục.
Các nhà nhập khẩu xoài cho biết thỏa thuận thương mại vừa có hiệu lực giữa Campuchia và Trung Quốc sẽ không đảm bảo cho sự gia tăng giá trị nông sản của quốc gia Đông Nam Á này trong một sớm một chiều.
Theo một nhà nhập khẩu xoài ở Hong Kong, việc tồn tại các thị trường chợ đen ở những khu vực vùng biên của Campuchia cũng như tại tỉnh Quảng Tây của Trung Quốc sẽ ảnh hưởng bất lợi đến cả giá trị và số lượng xoài có thể xuất trực tiếp sang Trung Quốc.
Người nông dân đang phân loại xoài ở Campuchia. Ảnh: Yon Sineat.
Ngành kinh doanh trái cây ở Trung Quốc
Sự ưa chuộng đối với trái xoài của người Trung Quốc được phản ánh qua nhu cầu ngày càng tăng của nước này đối với trái cây nhập khẩu từ khắp châu Á. Nền tảng tìm nguồn cung ứng nông sản Tridge cho biết nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đã chi 172,45 tỷ USD để nhập trái cây từ nước ngoài trong sáu tháng đầu năm 2021 - tăng 26% so với năm trước. Và xu hướng này khả năng cao sẽ tiếp diễn trong những năm tới.
Năm ngoái, trong số các quốc gia châu Á, Thái Lan dẫn đầu với tư cách là nhà xuất khẩu trái cây và sầu riêng lớn nhất cho đất nước 1,4 tỷ dân. Malaysia cũng đang cố gắng thâm nhập thị trường sầu riêng, trong khi xuất khẩu trái cây hàng năm - bao gồm nhãn và chuối - sang Trung Quốc của Việt Nam, Philippines và Indonesia đã tăng 20% vào thời điểm năm 2020, South China Morning Post dẫn số liệu từ hải quan Trung Quốc.
Một quầy bán sầu riêng ở Bắc Kinh. Ảnh: AFP.
"Nhu cầu của Trung Quốc đối với trái cây nhiệt đới rất cao trong vài năm qua vì họ thường không có sản phẩm thay thế tốt", Jinwoo Cheon, một nhà phân tích thị trường tại Tridge cho biết, và dẫn chứng trường hợp của trái sầu riêng.
Tridge cho biết nhu cầu đặc biệt bùng nổ ở các thành phố lớn như Thượng Hải và Bắc Kinh, nơi những người thuộc tầng lớp trung lưu giàu có coi những loại trái cây này là mặt hàng hiếm và cao cấp. Hiện tượng này còn được thấy ở các quốc gia khác như Nhật Bản hay Hàn Quốc khi thu nhập của người dân tăng lên.
Tuy nhiên, những hạn chế về di chuyển và sự đứt gãy chuỗi cung ứng do đại dịch Covid-19 và gần đây là biến thể Omicron là trở ngại lớn đối với việc xuất khẩu hàng sang Trung Quốc. Đầu tháng 12, khoảng 4.000 container chở nhiều loại thực phẩm từ Việt Nam đã bị mắc kẹt tại biên giới trên bộ với Trung Quốc do nước này siết chặt việc kiểm soát.
Link nội dung: https://biztoday.vn/xoai-campuchia-tung-mang-nhan-made-in-vietnam-de-vao-trung-quoc-232004.html