Phân tích 'nóng' vụ cô gái bạo hành con người tình dẫn đến tử vong, gây phẫn uất

Sau khi Cơ quan CSĐT Công an quận Bình Thạnh (TP HCM) khởi tố, bắt tạm giam Võ Nguyễn Quỳnh Trang (SN 1996, quê Gia Lai) về tội Hành hạ người khác đã có một số ý kiến băn khoăn về tội danh này.

Vậy với những thương tích trên cơ thể nạn nhân qua khám nghiệm pháp y mà báo chí mô tả thì bị can Quỳnh Trang có dấu hiệu phạm tội "Hành hạ người khác" hay một tội danh khác? Cơ quan CSĐT có quyền thay đổi tội danh trong quá trình điều tra hay không?

Đồng thời trách nhiệm của người cha của nạn nhân đến đâu, có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự hay không? Có dấu hiệu tội "Cố ý gây thương tích" dẫn đến chết người?

Có thể thay đổi tội danh

Nạn nhân trong vụ án này là cháu N.T.V.A. (8 tuổi), con riêng của ông Nguyễn Kim Trung T. (SN 1985, ngụ quận 1, TP HCM), người tình của Quỳnh Trang cùng sống chung tại block Topaz 2, chung cư Sài Gòn Pearl.

Theo mô tả ban đầu, trên khắp người nạn nhân có nhiều vết thương cả cũ lẫn mới, trong đó vùng lưng, mặt. Kết quả giải phẫu tử thi cho thấy nạn nhân bị gãy 3 xương sườn, phù phổi. Đây là những dấu vết rất quan trọng làm cơ sở để Cơ quan CSĐT đấu tranh với bà Trang trong việc làm rõ bản chất của vụ án.

Võ Nguyễn Quỳnh Trang

Tội danh "Hành hạ người khác" theo Điều 140 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) có thể là tội danh ban đầu mà Cơ quan CSĐT khởi tố, bắt tạm giam để thực hiện quá trình tố tụng tiếp theo. Nếu qua kết luận giám định pháp y xác định nguyên nhân cái chết của nạn nhân không phải là hậu quả trực tiếp từ hành vi đánh đập của bà Trang thì tội danh mà Cơ quan CSĐT Công an quận Bình Thạnh khởi tố là phù hợp.

Trong quá trình điều tra, khi có căn cứ xác định tội phạm đã khởi tố đối với bà Trang không đúng với hành vi phạm tội xảy ra thì Cơ quan CSĐT có quyền ra quyết định thay đổi quyết định khởi tố vụ án hình sự, thay đổi tội danh theo quy định tại điều 156 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015.

Về hành vi của bà Trang, qua thông tin trên báo chí về kết quả giải phẫu tử thi cho thấy hành vi này có dấu hiệu của tội "Cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác" theo điều 134 BLHS 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017).

Theo khoản 4 điều 134, nếu cố ý gây thương tích làm chết 1 người thì khung hình phạt từ 7 năm đến 14 năm. Trong trường hợp, cơ quan CSĐT xác định, khi thực hiện hành vi, bà Trang chỉ nhằm mục đích gây tổn hại đến thân thể nạn nhân. Việc nạn nhân chết nằm ngoài ý thức chủ quan của bà ta thì hành vi này có dấu hiệu của tội "Cố ý gây thương tích", hậu quả dẫn đến làm chết nạn nhân theo khoản 4 điều 134 BLHS 2015.

Trường hợp, quá trình điều tra, Cơ quan CSĐT chứng minh được mặc dù không có ý thức tước đoạt mạng sống của nạn nhân nhưng bà ta vẫn thực hiện hành vi đánh đập nạn nhân vào những vùng nguy hiểm trên cơ thể (đầu, ngực…) mà có khả năng làm nạn nhân tử vong nhưng bất chấp hậu quả. Trường hợp này được xác định là lỗi cố ý gián tiếp, hậu quả đến đâu sẽ chịu trách nhiệm đến đó. Hành vi này, có dấu hiệu của tội "Giết người" được quy định tại điều 123 BLHS 2015.

Như vậy, hành vi của bà Trang bị xử lý theo tội danh nào hoàn toàn phụ thuộc vào kết quả giám định pháp y, xác định nguyên nhân tử vong của nạn nhân. Nhưng với những gì báo chí thông tin, hành vi của bà Trang, theo tôi, có dấu hiệu của tội danh "Cố ý gây thương tích" theo khoản 4 điều 134 BLHS 2105.

Trách nhiệm của người cha và bản án lương tâm

Trong vụ việc này, không thể bỏ qua trách nhiệm của ông Nguyễn Kim Trung T. Là người sống chung nhà với nạn nhân và bà Quỳnh Trang, ông T. không thể không biết việc bà Trang đã đánh đập cháu V.A.

Những vết thương để lại trên cơ thể cháu bé, những biểu hiện bất thường về tâm lý của một đứa trẻ, cách cư xử của bà Quỳnh Trang với cháu, một người bình thường còn có thể nhận ra, nói gì đến người làm cha.

Theo thông tin trên báo chí, việc bà Quỳnh Trang đánh đập cháu V.A đã diễn ra nhiều lần, kéo dài thì ông T. không thể nói là không biết. Về mặt đạo đức, khi để con mình bị đánh đập, hành hạ mà không có động thái bảo vệ sự an toàn tính mạng, sức khỏe cho con thì lương tâm, trách nhiệm của người làm cha rõ ràng là chưa tròn.

Các chuyên gia cho rằng tội "Hành hạ người khác" là không phù hợp với hành vi, tính chất, mức độ phạm tội

Luật trẻ em, Luật Hôn nhân và Gia đình đều quy định nghĩa vụ của cha mẹ trong việc bảo vệ, chăm sóc, giáo dục con cái mình đến khi trưởng thành. Trong trường hợp ly hôn, tái hôn thì cha dượng, mẹ kế cũng có nghĩa vụ phải bảo vệ, chăm sóc, giáo dục con riêng của chồng, của vợ mình đến khi trưởng thành. Pháp luật nghiêm cấm bạo hành trẻ em. Vì vậy, chưa cần đến bản án của pháp luật, Tòa án lương tâm của ông T. đối với cái chết của cháu V.A, sẽ đi theo ông suốt cuộc đời này.

Về trách nhiệm pháp lý của ông T. cũng cần được đặt ra. Trường hợp ông T. biết và đồng tình với cách "dạy dỗ" của bà Quỳnh Trang thì ông có dấu hiệu đồng phạm. Bà Trang bị buộc tội theo tội danh nào thì ông T. cũng bị buộc tội theo tội danh đó.

Trường hợp, có căn cứ xác định ông T. phát hiện hành vi của Quỳnh Trang, thấy cháu V.A đang trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng, có điều kiện mà không cứu giúp dẫn đến hậu quả chết người thì có thể bị xử lý về tội "Không cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng" theo Điều 132 Bộ luật Hình sự 2015.

Đối với tội "che dấu tội phạm" theo điều 389 hoặc tội "Không tố giác tội phạm" theo điều 390 chỉ xảy ra đối với ông T. khi bà Quỳnh Trang bị buộc tội "Giết người" theo điều 123 BLHS 2015.

Vì vậy, theo tôi, ông T. chỉ có thể bị xử lý hình sự nếu có hành vi thông đồng, giúp sức, tạo điều kiện cho bà Quỳnh Trang thực hiện tội phạm đối với cháu V.A.

Link nội dung: https://biztoday.vn/phan-tich-nong-vu-co-gai-bao-hanh-con-nguoi-tinh-dan-den-tu-vong-gay-phan-uat-232021.html