Trái phiếu doanh nghiệp năm 2022: Siết thị trường đi vào khuôn khổ

Gần 1,2 triệu tỷ đồng đang được doanh nghiệp huy động qua thị trường trái phiếu. 'Bom nợ' này có điểm rơi đáo hạn sau vài năm nữa, buộc cơ quan quản lý phải có nhiều động thái siết chặt.

Trái phiếu trở thành kênh dẫn vốn trung và dài hạn ngày càng quan trọng với các doanh nghiệp

Phát triển bùng nổ, trái phiếu doanh nghiệp bắt đầu bị thanh lọc

Bùng nổ đầu năm, chững lại cuối năm vì bị đưa vào tầm ngắm thanh tra, giám sát là bức tranh chung của thị trường trái phiếu doanh nghiệp năm 2021.

Cũng giống như chứng khoán, năm 2021, thị trường trái phiếu doanh nghiệp sôi động với giá trị phát hành cả năm ước đạt trên nửa triệu tỷ đồng, đưa tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp đang lưu hành ước đạt gần 1,2 triệu tỷ đồng, chiếm khoảng 11,4% tổng dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế và chiếm khoảng 14,5% GDP năm 2021.

Trong bối cảnh ngân hàng siết chặt chất lượng tín dụng, trái phiếu doanh nghiệp trở thành kênh dẫn vốn trung và dài hạn ngày càng quan trọng với doanh nghiệp. Thậm chí, ở khối doanh nghiệp bất động sản dân cư, trái phiếu doanh nghiệp chiếm tới gần một nửa tổng số dư nợ vay.

Tăng trưởng quá nhanh và quá nóng, những bất cập của thị trường trái phiếu doanh nghiệp ngày càng lộ rõ. Do điều kiện phát hành khá dễ dãi, hàng loạt doanh nghiệp thua lỗ vẫn huy động thành công hàng ngàn tỷ đồng. Đa số trái phiếu doanh nghiệp trên thị trường đều không có tài sản đảm bảo. Số trái phiếu doanh nghiệp được bảo đảm cũng chủ yếu bằng dự án hình thành trong tương lai hoặc bằng cổ phiếu. Nói cách khác, nếu doanh nghiệp xảy ra đổ vỡ, nhà đầu tư hầu như trắng tay.

Rủi ro quá lớn của thị trường cùng bài học nhãn tiền về “bom nợ” trái phiếu doanh nghiệp phát nổ của Trung Quốc khiến cơ quan quản lý bắt đầu thanh lọc thị trường. Cuối năm 2021, hàng loạt nhà phát hành đã bị Ủy ban Chứng khoán nhà nước xử phạt vì phát hành trái phiếu doanh nghiệp “chui”.

Trong thông báo đưa ra, Ủy ban Chứng khoán nhà nước cho biết, sẽ tiếp tục kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp thời gian tới. Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước cũng đã ban hành Thông tư số 16/2021/TT-NHNN quy định siết chặt hoạt động mua bán trái phiếu doanh nghiệp của tổ chức tín dụng.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, PGS-TS. Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế cho rằng, việc thanh lọc thị trường trái phiếu doanh nghiệp là cần thiết để tránh đổ vỡ. Bởi, dù chỉ một vài doanh nghiệp phát hành vỡ nợ, cả thị trường trái phiếu doanh nghiệp sẽ bị ảnh hưởng khi nhà đầu tư mất niềm tin.

Nhìn nhận một cách khách quan, theo PGS-TS. Đinh Trọng Thịnh, dù thị trường trái phiếu doanh nghiệp mới chỉ đang ở giai đoạn đầu phát triển, nhưng quy mô lên tới cả triệu tỷ đồng cũng giảm tải rất lớn về tín dụng cho các ngân hàng. Tuy nhiên, nếu sự đổ vỡ lan truyền xảy ra, cả hệ thống tài chính quốc gia sẽ rơi vào bất ổn.

Điểm rơi đáo hạn sắp xuất hiện, doanh nghiệp huy động vốn ở đâu?

Trong khi hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp bị siết chặt, thì điều đáng lo là “điểm rơi” đáo hạn của hầu hết trái phiếu doanh nghiệp trên thị trường ngày một đến gần.

Ông Nguyễn Quang Thuân, Chủ tịch Hội đồng Quản trị FiinGroup cho hay, trong tổng số gần 1,2 triệu tỷ đồng dư nợ trái phiếu doanh nghiệp đang lưu hành, có tới 40,7% giá trị trái phiếu lưu hành sẽ đáo hạn trong giai đoạn 2 năm tới (2022 - 2023).

Tính riêng trái phiếu doanh nghiệp khối phi tài chính (quy mô hiện khoảng 780.000 tỷ đồng, chiếm gần 69% giá trị lưu hành), thì phân kỳ trả nợ 3 năm tới là hơn 66%, trong đó: 14,5% vào năm 2022; 28,9% vào năm 2023 và 22,8% vào 2024. Có nghĩa là, trong vòng 3 năm tới, doanh nghiệp (không tính các ngân hàng, công ty chứng khoán, công ty tài chính) chịu áp lực trả nợ cho nhà đầu tư hơn 500.000 tỷ đồng.

Theo chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển, trước đây, đến kỳ đáo hạn, nhiều doanh nghiệp “bắt tay” ngân hàng dùng chiêu mua/bán trái phiếu doanh nghiệp để đảo nợ. Tuy nhiên, với Thông tư số 16/2021/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước (có hiệu lực từ ngày 15/1/2022), ngân hàng thương mại không còn cơ hội “lướt” trái phiếu doanh nghiệp để đảo nợ cho doanh nghiệp.

Ngoài ra, với sự thanh tra, giám sát chặt chẽ của cơ quan quản lý, thời gian tới, hoạt động phát hành “chui” trái phiếu doanh nghiệp cũng sẽ giảm bớt. Chưa kể, Bộ Tài chính đang dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 153/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế. Theo đó, sẽ thắt chặt điều kiện phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ và doanh nghiệp sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc huy động vốn để trả nợ trái phiếu đến kỳ đáo hạn.

Chính vì vậy, giới chuyên gia khuyến cáo, để đảm bảo nguồn trả nợ khi “điểm rơi” kỳ đáo hạn sắp tới gần, ngay từ bây giờ, doanh nghiệp phải chuẩn hóa lại hoạt động để đáp ứng điều kiện phát hành trái phiếu doanh nghiệp hoặc phải tính đến nguồn vốn khác để trả nợ cho nhà đầu tư.

Năm 2022: “Chợ trái phiếu” sẽ chính thức vận hành

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Đào Minh Tú, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước khẳng định, cũng như chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp là kênh huy động vốn trung, dài hạn với nền kinh tế, cần phải tiếp tục phát triển, giảm sự lệ thuộc vốn của doanh nghiệp vào hệ thống ngân hàng. Tuy nhiên, trái phiếu doanh nghiệp chỉ tốt cho nền kinh tế nếu thị trường này phát triển lành mạnh. Đây cũng là lý do Ngân hàng Nhà nước chính thức siết hoạt động mua trái phiếu doanh nghiệp của ngân hàng thương mại vào đầu năm 2022.

Trong khi đó, Ủy ban Chứng khoán nhà nước cũng đang khẩn trương xây dựng sàn mua bán trái phiếu thứ cấp và siết lại điều kiện phát hành trái phiếu doanh nghiệp. Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 153/2020/NĐ-CP quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế dự kiến được chính thức ban hành trong năm 2022. Theo đó, doanh nghiệp nếu không có tài sản đảm bảo, kinh doanh thua lỗ sẽ không được phát hành trái phiếu nếu không được xếp hạng tín nhiệm. Trái phiếu riêng lẻ của công ty không phải đại chúng chỉ được lên sàn nếu đáp ứng các điều kiện nhất định.

Bà Vũ Thị Thúy Ngà, Phó tổng giám đốc Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) kỳ vọng, sàn giao dịch trái phiếu riêng lẻ thứ cấp này sẽ được ra mắt vào cuối năm 2022, góp phần làm tăng tính thanh khoản, giảm thiểu rủi ro cho nhà đầu tư. Bà Ngà cũng mong muốn, các tổ chức xếp hạng tín nhiệm sẽ đồng hành cùng Ủy ban Chứng khoán nhà nước nâng cao chất lượng hàng hóa trên sàn.

Liên quan vấn đề này, ông Nguyễn Quang Thuân, Chủ tịch FiinGroup cho hay, hiện trên thị trường có tổng số 323 doanh nghiệp phát hành trái phiếu các loại, nhưng mới chỉ có FiinRatings và một doanh nghiệp khác được cấp phép xếp hạng tín nhiệm. Như vậy, thị trường vẫn còn một khoảng trống khá lớn.

Từ thực tế này, ông Thuân và nhiều chuyên gia cho rằng, việc áp dụng xếp hạng tín nhiệm nên tiến hành một cách có lộ trình, có thể ưu tiên trước mắt một số ngành có khối lượng phát hành lớn nhất trên thị trường (bất động sản, năng lượng, du lịch - giải trí, chứng khoán...). Việc áp dụng các chính sách đột ngột có thể gây sốc cho thị trường.

Về cơ bản, việc đưa thị trường trái phiếu doanh nghiệp vào khuôn khổ của các cơ quan quản lý được dư luận đánh giá cao. Dự báo, những động thái siết chặt này sẽ khiến thị trường trái phiếu doanh nghiệp chững lại trong nửa đầu năm 2022, nhưng sẽ tác động chuyển dịch cơ cấu theo hướng tích cực và thị trường sẽ bùng nổ trong những năm tiếp theo.

Khắc phục tình trạng “vàng thau lẫn lộn” trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp.

- Chuyên gia kinh tế Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia

Thị trường trái phiếu doanh nghiệp được các nước trên thế giới đặc biệt quan tâm, bởi đây là kênh dẫn vốn trung, dài hạn quan trọng bậc nhất với nền kinh tế, bên cạnh thị trường chứng khoán.

Cuộc khủng hoảng vừa qua, nhiều quốc gia như Trung Quốc, Thái Lan… hỗ trợ trực tiếp cho doanh nghiệp rất ít, mà chủ yếu là hỗ trợ qua hình thức bảo lãnh phát hành trái phiếu doanh nghiệp. Tất nhiên, phải trên nền tảng các doanh nghiệp này đạt điều kiện phát hành trái phiếu doanh nghiệp.

Ở Việt Nam, thị trường trái phiếu doanh nghiệp bộc lộ rất nhiều rủi ro, trong đó, bất cập lớn nhất là “vàng thau lẫn lộn”, nên việc chấn chỉnh là cần thiết. Tuy nhiên, về lâu dài, cần phát triển mạnh thị trường này hơn nữa, vì đây là kênh huy động vốn quan trọng bậc nhất với doanh nghiệp.

Link nội dung: https://biztoday.vn/trai-phieu-doanh-nghiep-nam-2022-siet-thi-truong-di-vao-khuon-kho-235225.html