Năm 2021 Sở GDCK Hà Nội tổ chức rất ít phiên đấu giá cổ phần. Thống kê cho thấy có 11 phiên đấu giá được tổ chức với hơn 100 triệu cổ phần được mang ra đấu giá, các nhà đầu tư đặt mua gấp đôi lượng cổ phần mang ra đấu giá. Tổng tiền thu về hơn 4.100 tỷ đồng. Tuy vậy trong số đó lại có nhiều phiên có giá trị nghìn tỷ, được các nhà đầu tư rất quan tâm.
Phiên đấu giá hơn 1.400 tỷ đồng của Bảo hiểm bưu điện
Gần đây nhất, ngày 17/12/2021 phiên đấu giá cổ phần của Tổng CTCP Bảo hiểm Bưu điện (mã chứng khoán PTI) do Tổng Công ty Bưu điện (VNPost) sở hữu.
VNPost đã có thông báo đưa 18.225.648 cổ phần PTI ra bán đấu giá với giá khởi điểm 47.310 đồng/cổ phần. Kết quả, có 5 nhà đầu tư đăng ký mua cổ phần, trong đó có 1 tổ chức và 4 cá nhân. Tổng khối lượng đăng ký mua hơn 50 triệu cổ phần, gấp 2,74 lần số cổ phần mang ra chào bán.
Giá đặt mua cao nhất 82.000 đồng/cổ phần và đặt mua thấp nhất 56.100 đồng/cổ phần. Khối lượng đặt mua cao nhất hơn 11 triệu cổ phần và khối lượng đặt mua thấp nhất hơn 7,22 triệu cổ phần.
Kết quả, toàn bộ 18.225.648 cổ phần được bán hết với giá đầu thành công cao nhất 82.000 đồng/cổ phần và giá đấu thành công thấp nhất 66.000 đồng/cổ phần. Giá đấu thành công bình quân 77.341 đồng/cổ phần, tương ứng tổng giá trị thu về hơn 1.400 tỷ đồng. Giá đấu thành công cũng cao hơn 63,5% so với giá khởi điểm mang ra chào bán. Đáng chú ý, cùng thời điểm đó cổ phiếu PTI đang giao dịch trên thị trường quanh mức 51.400 đồng/cổ phiếu. Như vậy giá đấu thành công số cổ phần này cao hơn rất nhiều so với thị giá.
Gần 1 tháng sau phiên đấu giá, cổ phiếu PTI đóng cửa phiên giao dịch cuối cùng năm 2021 ở mức 59.000 đồng/cổ phiếu, vẫn còn thấp hơn rất nhiều so với giá đấu thành công số cổ phần trên. Tuy vậy thị giá này vẫn đã tăng 176% so với thời điểm đầu năm.
Kết quả kinh doanh, doanh thu hoạt động thuần kinh doanh bảo hiểm 9 tháng đầu năm 2021 đạt 3.548 tỷ đồng, tăng 4,6% với cùng kỳ. Còn lợi nhuận sau thuế tăng 22,5% lên gần 199 tỷ đồng, hoàn thành trên 95% chỉ tiêu lợi nhuận được giao cho cả năm.
Tập đoàn Kido đấu giá thành công trọn lô cổ phần Vocarimex trị giá hơn 1.200 tỷ đồng
Phiên đấu giá gây nhiều chú ý khác trong năm 2021 là việc Tổng Công ty Kinh doanh vốn nhà nước – CTCP (SCIC) đưa cổ phần Tổng Công ty Dầu thực vật Việt Nam ra bán đấu giá trọn lô.
Phiên đấu giá này đã được đưa ra vào cuối năm 2020 nhưng lại không tổ chức được. Đến cuối năm 2021 vừa qua, ngày 8/11, phiên đấu giá đã tổ chức thành công. Số liệu ghi nhận, SCIC đưa 44.211.900 cổ phần Vocarimex ra đấu giá trọn lô với giá khởi điểm cả lô cô phần hơn 1.255 tỷ đồng, tương ứng giá bình quân mỗi cổ phần 28.400 đồng.
Có 2 nhà đầu tư đăng ký tham gia mua cổ phần phiên đấu giá này, trong đó có Tập đoàn Kido và 1 cá nhân. Kết quả, trọn lô cổ phần đã thuộc về Tập đoàn Kido với tổng số tiền trúng thầu bằng giá khởi điểm, gần 1.256 tỷ đồng. Sau phiên đấu giá, Tập đoàn Kido đã nâng tổng lượng sở hữu tại Vocarimex từ 51% lên 87,29%, nắm quyền chi phối. SCIC đã thành công thoái vốn sau nhiều lần mang cổ phần ra bán đấu giá nhưng bất thành.
Sau phiên đấu giá, cổ phiếu VOC tiếp tục tăng mạnh. Thậm chí ngày 17/12 vừa qua Vocarimex chốt danh sách cổ đông chi trả cổ tức năm 2020 bằng tiền tỷ lệ 12%, Tập đoàn Kido nhận thêm 53 tỷ đồng cổ tức từ số cổ phần vừa trúng đấu giá trên. Hiện cổ phiếu VOC đã giảm về vùng giá 30.000 đồng/cổ phiếu.
Kết quả kinh doanh, doanh thu 9 tháng đầu năm 2021 của Vocarimex đạt 1.071 tỷ đồng, giảm gần 47% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế giảm 43,8% xuống còn gần 116 tỷ đồng.
Phiên đấu giá gây chú ý nhất năm 2021 tại HNX
Phiên đấu giá cổ phần Bảo Hiểm Bưu điện là phiên có giá trị lớn nhất năm 2021 tại HNX. Phiên đấu giá cổ phần PTI và Vocarimex là những phiên đấu giá có giá trị nghìn tỷ trong năm 2021 tại HNX. Còn phiên đấu giá chào bán cạnh tranh theo lô cổ phần Vĩnh Sơn do Viettel sở hữu dù chưa chạm mức nghìn tỷ, chỉ xấp xỉ bằng, nhưng lại có thể xem là phiên đấu giá để lại nhiều ấn tượng nhất. Tổng giá trị phiên đấu giá này hơn 922 tỷ đồng.
Trước đó Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel) thông báo đưa 4.588.500 cổ phần của CTCP Vĩnh Sơn ra bán đấu giá (cổ phần có mệnh giá 100.000 đồng/cổ phần). Giá khởi điểm trọn lô hơn 922,39 tỷ đồng, tương ứng giá khởi điểm bình quân 201.044 đồng/cổ phần. Kết quả, có 2 nhà đầu tư đăng ký mua số cổ phần này, trong đó có 1 cá nhân và 1 tổ chức. Phiên đấu giá thành công với toàn bộ số cổ phần thuộc về 1 nhà đầu tư tổ chức với tổng tiền trúng giá gần 922,5 tỷ đồng, tương ứng bình quân 201.046 đồng/cổ phần.
Vĩnh Sơn là doanh nghiệp có vốn điều lệ 1.150 tỷ đồng, thành lập tháng 9/2003 với hoạt động chính là triển khai dự án xây dựng "Khu đô thị Thung lũng Hoa Hồng" tại huyện Mê Linh, Hà Nội. Tập đoàn Viễn thông Quân đội là một trong những cổ đông sáng lập, cùng với 3 cá nhân là bà Dương Thị Thanh Hăng, ông Nguyễn minh Đức và bà Dương Thị Thanh. Năm 218 các cá nhân trên đã chuyển nhượng cổ phần cho CTCP Bất động sản Dragon Village và ông Nguyễn Khánh Trung. Cơ cấu cổ đông tại ngày 30/6/2021 của Vĩnh Sơn bao gồm Viettel sở hữu 39,9% cổ phần, ông Nguyễn Khánh Trung sở hữu 0,01% và Dragon Village sở hữu 60% cổ phần.
Hiện Dự án khu biệt thự và nhà nghỉ Nam Sơn đang trong quá trình đầu tư, nên Vĩnh Sơn hầu như phát sinh doanh thu thấp, thậm chí lỗ nhẹ những năm gần đây. Tính đến 30/6/2021 tổng giá trị xây dựng dở dang dự án khu biệt thự và nhà nghỉ Nam Sơn lên đến gần 1.130 tỷ đồng.
Các phiên đấu giá cổ phần khác trên HNX trong năm 2021
Ngoài các phiên đấu giá có giá trị nghìn tỷ hoặc xấp xỉ nghìn tỷ trên, Sở GDCK Hà Nội còn tổ chức các phiên đấu giá cổ phần khác, trong số đó có 4 phiên IPO bán đấu giá cổ phần lần đầu ra công chúng của Công ty TNHH MTV In báo Nghệ An, Công ty TNHH MTV Muối Việt Nam, Công ty Lương thực Lương Yên và Công ty TNHH MTV Hoa tiêu Hàng hải TKV. Trong số các phiên IPO này, có 2 phiên đấu giá thành công nhất, bán hết số cổ phần mang ra chào bán. 2 phiên còn lại, In báo Nghệ An bán được hơn nửa số cổ phần còn phiên IPO cổ phần Lương thực Lương Yên "ế" nặng khi nhà đầu tư chỉ đăng ký mua 300 cổ phần trong tổng số hơn 1,67 triệu cổ phần mang ra chào bán.
Các phiên đấu giá cổ phần khác thì phiên đấu giá hơn 2,15 triệu cổ phần HEJ của Tổng Công ty Tư vấn xây dựng thủy lợi Việt Nam do SCIC sở hữu mang đến nhiều cảm xúc nhất. SCIC đưa hơn 2,15 triệu cổ phần HEJ ra đấu giá trọn lô với giá khởi điểm bình quân 40.351 đồng/cổ phiếu vào ngày gần cuối năm, 30/12/2021. Kết quả có 4 nhà đầu tư đăng ký mua, giá đấu thành công bình quân hơn gấp đôi giá khởi điểm, lên 81.209 đồng/cỏ phần. Tổng giá trị SCIC thu về hơn 175 tỷ đồng.
Nói phiên đấu giá cổ phần HEJ mang lại nhiều cảm xúc, vì trong phiên giao dịch ngày 30/12 trên thị trường cổ phiếu HEJ giao dịch quanh vùng giá 44.000 đồng/cổ phiếu trong khi giá đầu thành công bình quân lên đến 81.200 đồng/cổ phiếu. Sau phiên đấu giá, HEJ còn có 1 phiên tăng trần sau đó, đóng cửa phiên giao dịch ngày 31/12/2021 ở mức 47.800 đồng/cổ phiếu.
Các phiên đấu giá còn lại là đấu giá 10 triệu cổ phiếu TEG của CTCP Năng lượng và Bất động sản Trường Thành, đấu giá 5 triệu cổ phiếu VTZ của TCP Sản xuất và thương mại Việt Thành, đấu giá chào bán ra công chúng 10 triệu cổ phiếu PHC của Phục Hưng Holdings. Các phiên đấu giá này đều thành công, toàn bộ số cổ phiếu mang ra chào bán đều được các nhà đầu tư đăng ký mua hết.
Link nội dung: https://biztoday.vn/nhung-phien-dau-gia-nghin-ty-gay-chu-y-tai-hnx-nam-2021-235811.html