Thế giới 7 ngày: Triều Tiên khoe uy lực vũ khí mới, khinh hạm Đức thăm Việt Nam

Triều Tiên thử tên lửa mới, khinh hạm Đức thăm Việt Nam, bạo loạn ở Kazakhstan, căng thẳng Nga - phương Tây, thế giới đón năm mới 2022... là các sự kiện thu hút chú ý nhất tuần qua.

Đại dịch Covid-19

Trong tuần qua, tính từ 31/12/2021 đến sáng ngày 7/1/2022, thế giới ghi nhận 13.882.189 ca nhiễm mới, là con số kỷ lục kể từ khi dịch bùng phát đến nay. Bên cạnh đó, thế giới cũng có 43.849 ca tử vong mới.

Các quốc gia đang gồng mình ứng phó với sự lây nhiễm của biến thể Omicron, nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng lây nhiễm tăng đột biến.

Mỹ, quốc gia thiệt hại nặng nề nhất trong đại dịch đã liên tục phá kỷ lục thế giới về số ca nhiễm mới trong ngày. Theo thống kê của Worldometers, số ca nhiễm trong 24 giờ tuần qua ở Mỹ di động từ 550.000 – hơn 700.000 ca/ngày. Biến thể Omicron hiện chiếm đến hơn 93% trong tổng số các ca nhiễm tại quốc gia này.

Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) đã cấp phép sử dụng mũi tăng cường vắc-xin Pfizer/BioNTech cho trẻ từ 12 đến 15 tuổi. Chính phủ Mỹ hiện đã đặt đơn hàng 20 triệu liều thuốc điều trị Covid-19 từ hãng Pfizer.

Một số quốc gia châu Mỹ khác cũng ở trong tình trạng báo động trở lại. Ngày 6/1, Argentina lần đầu vượt ngưỡng hơn 100.000 ca/ngày kể từ khi dịch bùng phát tại đây.

Chile trở thành quốc gia đầu tiên ở châu Mỹ tiến hành tiêm mũi thứ 4, với đối tượng là những người bị suy giảm hệ miễn dịch.

Đại dịch Covid-19 đang bùng phát mạnh tại châu Âu với sự lây nhiễm tăng cao chưa từng có. Hàng loạt các quốc gia như Vương quốc Anh, Pháp, Tây Ban Nha, Italia, Thụy Điển… liên tục tự phá kỷ lục số ca nhiễm mới của chính mình.

Điển hình như Pháp, chạm đỉnh vào ngày 5/1 với hơn 330.000 ca nhiễm. Anh lập kỷ lục số ca nhiễm mới ngày 4/1 với 218.415 ca. Tuy nhiên, nước này không tiến hành phong tỏa hay thực hiện các biện pháp thắt chặt.

Để giảm thiểu tỷ lệ tử vong, Italia yêu cầu tất cả những người trên 50 tuổi đều phải tiêm vắc-xin. Một số quốc gia bao gồm Hà Lan, Bồ Đào Nha quyết định mở cửa lại trường học, do tỷ lệ nhập viện và trở nặng không có sự gia tăng đột biến.

Tại châu Á, ngày 6/1, Ấn Độ cũng lần đầu quay trở lại mức tăng trên 100.000 ca/ngày kể từ đầu tháng 6/2020.

Diễn biến dịch tại Philippines cũng có dấu hiệu tăng trở lại. Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte cảnh báo, những người chưa tiêm vắc-xin phòng Covid-19 sẽ bị bắt nếu không tuân thủ lệnh ở yên trong nhà.

Nhật Bản cũng đang đối mặt với tình trạng các ca nhiễm mới tăng cao, có thể sẽ phải ban bố tình trạng khẩn cấp đối với một số tỉnh.

Trung Quốc đại lục vẫn khẩn trương ứng phó với các ca nhiễm cộng đồng chủ yếu tập trung ở tỉnh Thiểm Tây.

Australia ghi nhận chuỗi ngày số ca nhiễm liên tục tăng cao và chạm đỉnh với con số 72.121 ca vào ngày 6/1.

Dù biến thể Omicron khiến tình trạng lây nhiễm tăng vọt, nhưng Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng phát đi những tín hiệu tích cực.

Quan chức cấp cao của tổ chức này cho biết ngày càng có nhiều nghiên cứu cho thấy biến thể Omicron chỉ ảnh hưởng đến đường hô hấp trên, hiếm khi dẫn đến tình trạng trở nặng ở phổi như những biến thể khác.

Khinh hạm Đức thăm Việt Nam

Ngày 6/1, khinh hạm Bayern của Hải quân Đức cập bến cảng Nhà Rồng tại TP.HCM, đánh dấu lần đầu tiên một tàu chiến Đức đầu tiên thăm Việt Nam.

Với 232 thủy thủ trên tàu, khinh hạm khởi hành từ quân cảng Wilhelmshaven, Đức đến khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương (Indo-Pacific).

Ông Guido Hildner, Đại sứ CHLB Đức tại Việt Nam cho biết, chuyến thăm thể hiện sự coi trọng của Đức đối với mối quan hệ đối tác Đức – Việt, đồng thời giúp tăng cường mối quan hệ này.

Bất ổn ở Kazakhstan

Chính phủ Kazakhstan ngày 5/1 đã buộc phải từ chức nhằm xoa dịu làn sóng bất ổn dẫn đến tình trạng biểu tình diễn ra ở nhiều thành phố trên đất nước này.

Biểu tình nổ ra đầu tiên ở thị trấn Zhanaozen, tỉnh Mangystau, nằm ở phía tây Kazakhstan từ ngày 2/1. Người dân xuống đường phản đối tình trạng giá khí hóa lỏng leo thang. Các cuộc biểu tình lan rộng ra các địa phương khác, quy mô lớn hơn và cũng bạo lực hơn.

Hàng chục người biểu tình và 12 cảnh sát đã thiệt mạng trong các cuộc biểu tình. Tổng thống Kassym Jomart Tokayev đã ban bố tình trạng khẩn cấp trên khắp cả nước.

Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO) do Nga dẫn đầu đã quyết định cử lực lượng gìn giữ hòa bình tới Kazakhstan giữa lúc tình trạng bất ổn ở nước này tiếp tục gia tăng.

Triều Tiên thử tên lửa mới

Hãng thông tấn Trung ương Triều Tiên (KCNA) cho biết, nước này đã thử thành công tên lửa siêu vượt âm vào ngày 5/1. Đây là lần đầu tiên Bình Nhưỡng phóng tên lửa trong năm 2022 và là vụ thử tên lửa siêu thanh lần thứ 2 của Triều Tiên.

Tuy nhiên, hiện, giới chuyên gia tỏ ra nghi ngờ về vũ khí này, cho rằng Bình Nhưỡng cần thêm thời gian và cải tiến trước khi có thể triển khai vũ khí siêu thanh.

Căng thẳng Nga - phương Tây

Căng thẳng giữa Nga và phương Tây tiếp tục leo thang, khi Tổng thống Mỹ Joe Biden đưa ra cam kết trong cuộc điện đàm với người đồng cấp Ukraina Volodymyr Zelenskiy.

Theo đó, Tổng thống Mỹ khẳng định Washington và các đồng minh sẽ "đáp trả dứt khoát" nếu Nga ra tay với nước láng giềng.

Mỹ và các đồng minh phương Tây cáo buộc Nga đang điều động khoảng 100.000 quân tập trung ở khu vực biên giới, sẵn sàng xâm chiếm Ukraina.

Lãnh đạo Điện Kremlin cảnh báo tổng thống Mỹ rằng, việc theo đuổi các biện pháp trừng phạt "có thể dẫn đến sự rạn nứt hoàn toàn mối quan hệ giữa các nước bên ngoài và mối quan hệ Nga - phương Tây sẽ bị tổn hại nghiêm trọng".

Thế giới đón năm mới 2022

Thế giới đã đón chào năm 2022 với nhiều cung bậc cảm xúc. Trong khi các sự kiện quy mô lớn, với các màn trình diễn pháo hoa, âm thanh, ánh sáng vẫn được tổ chức rầm rộ ở một số nơi như Australia, Triều Tiên, Đài Loan (Trung Quốc), thì hàng loạt các lễ mừng năm mới tại Anh, Pháp, Italia, New Zealand, Trung Quốc đại lục… đã bị hủy bỏ.

Lễ đếm ngược tại Quảng trường Thời đại, New York, Mỹ đã được tổ chức trở lại sau 1 năm phải hủy bỏ vì đại dịch,nhưng với quy mô khiêm tốn hơn rất nhiều.

Một số nơi như Hong Kong (Trung Quốc), Thái Lan, Hàn Quốc… vẫn cho phép tổ chức các bữa tiệc lớn và bắn pháo hoa ăn mừng, nhưng phải áp dụng các biện pháp phòng dịch an toàn. Nhiều lễ hội, lễ cầu nguyện đã chuyển sang hình thức trực tuyến ở nhiều quốc gia.

Link nội dung: https://biztoday.vn/the-gioi-7-ngay-trieu-tien-khoe-uy-luc-vu-khi-moi-khinh-ham-duc-tham-viet-nam-237431.html