Nhiều Tập đoàn, Tổng Công ty không hoàn thành kế hoạch lợi nhuận, doanh thu năm 2021

Số liệu trên được Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp cho biết tại Hội nghị Tổng kết công tác năm 2021 và triển khai nhiệm vụ năm 2022 của Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và 19 Tập đoàn, Tổng công ty tổ chức sáng 8/1.

Theo đó, tổng doanh thu năm 2021 của 19 Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước đạt 99% kế hoạch, 821.295 tỷ đồng, bằng 108% so với năm 2020, trong đó có 6 đơn vị không đạt kế hoạch doanh thu và 5 đơn vị không hoàn thành kế hoạch lợi nhuận..

Tổng lợi nhuận trước thuế ước trong năm qua đối với khối doanh nghiệp thuộc Ủy ban quản lý đã vượt 70% kế hoạch, (đạt 34.179 tỷ đồng, bằng 93% so với năm 2020), tổng nộp ngân sách ước vượt 27% kế hoạch (62.443 tỷ đồng, bằng 99% so với năm 2020).

Tổng công ty Hàng không Việt Nam không hoàn thành kế hoạch, doanh thu năm 2021.

Trong số trên, 13/19 Tập đoàn, Tổng công ty hoàn thành và vượt kế hoạch về doanh thu; 14/19 Tập đoàn, Tổng công ty hoàn thành và vượt kế hoạch về lợi nhuận trước thuế; 14/19 Tập đoàn, Tổng công ty hoàn thành và vượt kế hoạch về nộp ngân sách; 5 Tập đoàn, Tổng công ty đạt lợi nhuận cao so với kế hoạch và so với năm 2020; 4 Tập đoàn, Tổng công ty nộp ngân sách cao so với kế hoạch và so với năm 2020. 5 Tập đoàn, Tổng công ty không hoàn thành kế hoạch lợi nhuận trước thuế; 5 Tập đoàn, Tổng công ty không hoàn thành kế hoạch nộp ngân sách; 6 Tập đoàn, Tổng công ty không hoàn thành kế hoạch doanh thu.

Một số Tập đoàn, Tổng công ty đã có nhiều nỗ lực, đạt lợi nhuận vượt trội so với những năm trước (Tập đoàn Công nghiệp Hóa chất Việt Nam, Tổng công ty Hàng hải Việt Nam, Tổng công ty Cà phê Việt Nam). Đặc biệt như Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, lợi nhuận trước thuế hợp nhất ước đạt 40.698 tỷ đồng, bằng 238,6% kế hoạch năm và bằng 204,9% so với cùng kỳ; lợi nhuận trước thuế Công ty mẹ ước đạt 18.408 tỷ đồng, bằng 181,1% so với kế hoạch năm và bằng 119,6% so với cùng kỳ. Tổng công ty Hàng hải Việt Nam, lợi nhuận trước thuế hợp nhất ước đạt 2.869 tỷ đồng, bằng 303,9% so với kế hoạch năm và bằng 574,3% so với cùng kỳ; lợi nhuận trước thuế Công ty mẹ ước đạt 230 tỷ đồng, trong khi kế hoạch giao 1 tỷ đồng và năm 2020 lỗ 824 tỷ đồng.

Hay Tập đoàn Công nghiệp Hóa chất Việt Nam lợi nhuận trước thuế hợp nhất ước đạt 1.726 tỷ đồng trong khi kế hoạch năm là lỗ 1.217 tỷ đồng và cùng kỳ năm trước lỗ 2.160 tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế Công ty mẹ ước đạt 193 tỷ đồng trong khi kế hoạch năm là lỗ 951 tỷ đồng và cùng kỳ năm trước lỗ 1.119 tỷ đồng.

4 Tập đoàn, Tổng công ty nộp ngân sách cao so với kế hoạch và so với năm 2020 gồm:

Tập đoàn Dầu khí Việt Nam nộp ngân sách hợp nhất ước đạt 102.800 tỷ đồng, bằng 165% so với kế hoạch, bằng 124% so với năm 2020, nộp ngân sách Công ty mẹ 20.097 tỷ đồng, bằng 138% kế hoạch, bằng 108% so với năm 2020;

Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam nộp ngân sách hợp nhất ước đạt 18.454 tỷ đồng, bằng 103% kế hoạch, bằng gần 100% so với năm 2020, nộp ngân sách Công ty mẹ ước đạt 9.200 tỷ đồng, bằng 101% kế hoạch, bằng 114% so với năm 2020;

Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam nộp ngân sách hợp nhất ước đạt 5.408 tỷ đồng, bằng 102% kế hoạch, nộp ngân sách Công ty mẹ ước đạt 4.115 tỷ đồng, bằng 100,6% kế hoạch;

Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước nộp ngân sách Công ty mẹ ước đạt 9.452 tỷ đồng, bằng 286% kế hoạch, bằng 117% so với năm 2020.

Báo cáo của Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước cũng cho biết, 5 Tập đoàn, Tổng công ty không hoàn thành kế hoạch lợi nhuận trước thuế là Tổng công ty Hàng không Việt Nam, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, Tổng công ty Cà phê Việt Nam, Tổng công ty Lương thực miền Nam.

5 Tập đoàn, Tổng công ty không hoàn thành kế hoạch nộp ngân sách: Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam, Tổng công ty Hàng không Việt Nam, Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam, Tổng công ty Cà phê Việt Nam.

6 Tập đoàn, Tổng công ty không hoàn thành kế hoạch doanh thu, gồm: Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tổng công ty Hàng không Việt Nam, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, Tổng công ty Cà phê Việt Nam, Tổng công ty Lương thực miền Nam.

Bên cạnh các kết quả đạt được, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước cũng chỉ ra một số tồn tại, hạn chế trong hoạt động của các Tập đoàn, Tổng công ty như một số dự án đầu tư còn chậm tiến độ triển khai và giải ngân, công tác thanh quyết toán các dự án xây dựng cơ bản kéo dài làm giảm hiệu quả sử dụng nguồn lực.

Tỷ lệ giải ngân kế hoạch đầu tư của hầu hết các Tập đoàn, Tổng công ty đều thấp hơn so với kế hoạch do phải giãn, hoãn tiến độ triển khai, thanh toán các dự án để tập trung nguồn lực ứng phó ảnh hưởng của dịch Covid-19. Việc tái cơ cấu, cổ phần hóa, thoái vốn tại các tập đoàn, tổng công ty nhìn chung còn chậm so với yêu cầu đề ra. Sắp xếp lại nhà, đất còn nhiều khó khăn, vướng mắc. Một số Tập đoàn, Tổng công ty chưa thực hiện chế độ báo cáo theo đúng hạn định, đặc biệt là đối với các báo cáo tài chính và giám sát tài chính.

Năm 2022, một trong những mục tiêu Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước đặt ra là đổi mới, hiện đại hóa quản trị doanh nghiệp nhà nước theo cơ chế kinh tế thị trường và các nguyên tắc, chuẩn mực quốc tế. Ủy ban cho biết cũng sẽ rà soát, phát hiện và kiên quyết xử lý dứt điểm các doanh nghiệp thua lỗ, dự án đầu tư không hiệu quả, hiệu quả thấp theo nguyên tắc thị trường; giám sát, không để xảy ra thất thoát vốn, tài sản nhà nước trong quá trình hoạt động kinh doanh và quá trình sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn và quản lý, sử dụng vốn nhà nước.

Link nội dung: https://biztoday.vn/nhieu-tap-doan-tong-cong-ty-khong-hoan-thanh-ke-hoach-loi-nhuan-doanh-thu-nam-2021-238053.html