Mỹ và các thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã triển khai hàng nghìn quân và đầu tư mạnh vào vũ khí để xây dựng lại chiến tuyến liên minh đối đầu với Nga. Tuy nhiên, Moscow đã ngăn cản chiến lược đó bằng cách mở ra những mặt trận mới ngoài tầm với của NATO.
Giờ đây, khi các quan chức Nga đến trụ sở NATO ở Brussels vào ngày 12/1 để giải quyết những bất bình, liên minh 30 nước đang vật lộn để tìm cách ứng phó trước sự quyết đoán ngày càng tăng của Điện Kremlin.
Thay vì đối đầu trực diện với NATO, Tổng thống Nga Vladimir Putin đang gây sức ép ở các quốc gia khác, bao gồm Ukraine, Syria và Libya. Các quan chức phương Tây cho rằng ông Putin đang thử thách tình đoàn kết của liên minh bằng các giao dịch khí đốt tự nhiên, trong khi kiểm tra xem khả năng bảo vệ nền dân chủ của khối bằng các hoạt động tác chiến mạng.
Wall Street Journal nhận định kế hoạch này tấn công cả vào sức mạnh quân sự của NATO và ý chí chính trị của phương Tây.
Mối đe dọa lâu dài
Phản ứng của NATO hiện tại không đồng nhất.
Pháp và Đức từ lâu đã thúc giục sự thận trọng và kêu gọi đàm phán với Nga. Thông qua NATO, Đức đã chặn việc bán súng bắn tỉa cho Ukraine vào năm ngoái. Nước này cho rằng chỉ nên cung cấp hệ thống phòng thủ để giúp Kiev - đối tác liên minh chứng kiến cuộc chiến âm ỉ chống lại phe ly khai ở miền Đông Ukraine kể từ năm 2014.
Trong khi đó, Hungary, do chính phủ thân Nga dẫn đầu, đang ngăn cản các cuộc họp cấp cao của NATO với Ukraine.
Các thành viên phía đông như Ba Lan và các nước vùng Baltic lo ngại chính quyền Tổng thống Joe Biden đang ưu tiên nhượng bộ ông Putin, thay vì tập trung vào Trung Quốc.
Các quan chức Mỹ cho biết họ sẽ không tuân theo yêu cầu của Moscow về việc NATO cam kết không bao giờ chấp nhận Ukraine và Gruzia là thành viên, nhưng có thể xem xét các biện pháp khác, chẳng hạn như cắt giảm các cuộc tập trận quân sự chung.
"Nếu bây giờ chúng ta nhượng bộ Putin, ông ấy sẽ càng lấn lướt hơn nữa", một nhà ngoại giao châu Âu tại NATO cho biết. "Nga là một mối đe dọa lâu dài với mục đích chính trị nhằm làm suy yếu chúng ta".
Các binh sĩ trong cuộc tập trận quân sự của NATO ở Latvia vào tháng 11/2021. Ảnh: AFP. |
Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Lavrov hồi tháng 12/2021 cho biết NATO đã trở thành “một dự án địa chính trị thuần túy nhằm thu hút các vùng lãnh thổ vô chủ sau khi Hiệp ước Warsaw biến mất và Liên Xô không còn”.
NATO tìm cách xoa dịu Moscow bằng cách đồng ý ký hiệp ước hợp tác cam kết không đóng quân vĩnh viễn ở các khu vực thuộc Liên Xô cũ, đồng thời cho phép Moscow mở phái đoàn ngoại giao ở trụ sở NATO và thành lập hội đồng giải quyết các mối quan ngại.
NATO cắt giảm ngân sách quân sự và thu hẹp lực lượng ở châu Âu. Lần đầu tiên NATO viện dẫn hiệp ước phòng thủ chung không phải để chống lại Nga mà là khởi động "sứ mệnh" mới ở Afghanistan sau vụ khủng bố 11/9/2001 ở Mỹ.
"Người gác cổng"
Tuy nhiên, tình thế dần thay đổi khi vào năm 2004, ông Putin đổ lỗi cho phương Tây tài trợ cuộc nổi dậy ở Ukraine. Ông bắt đầu củng cố quân đội Nga.
Năm 2008, Đức và Pháp đã ngăn chặn nỗ lực của Mỹ nhằm mở đường cho các nước thuộc Liên Xô cũ là Ukraine và Gruzia trở thành thành viên NATO. Liên minh đã đưa ra một giải pháp: Ukraine và Gruzia có thể trở thành thành viên, nhưng không có mốc thời gian cụ thể.
"Đó là một sai lầm lớn. Chúng tôi đã gửi nhầm tín hiệu, tín hiệu thể hiện sự mất đoàn kết và yếu kém", Anders Fogh Rasmussen - Tổng thư ký NATO vào thời điểm đó - cho biết.
Nga đã phần nào được xoa dịu bởi quyết định trên. Nhưng vào tháng 8/2008, Nga lại đè bẹp Gruzia trong cuộc chiến ngắn ngủi khiến hai khu vực ly khai của Gruzia nằm dưới sự kiểm soát của Nga. Nga điều quân tới vùng lãnh thổ ly khai ở Moldova, nước láng giềng của Ukraine, sau khi cuộc chiến kết thúc vào năm 1992.
Ông Rasmussen tin rằng ông Putin muốn trở thành "người gác cổng" đối với NATO bằng cách triển khai quân đội để ngăn chặn xung đột ở các quốc gia khiến liên minh và EU sau đó không muốn họ gia nhập khối nữa.
Vào năm 2014, ông Putin điều chỉnh trạng thái cân bằng của NATO bằng cách sáp nhập bán đảo Crimea từ tay Ukraine và ủng hộ cuộc nổi dậy có vũ trang ở phía đông.
Một thành viên của kíp xe tăng Nga trong cuộc tập trận ở vùng Rostov ngày 14/12/2021. Ảnh: Reuters. |
Để ngăn chặn Nga tiến hành một cuộc tấn công, các thành viên NATO đã rút khoảng 5.000 quân ở các nước vùng Baltic và Ba Lan. Mỹ đổ quân vượt Đại Tây Dương để củng cố an ninh cùng các đồng minh châu Âu và thành lập Bộ Chỉ huy Đại Tây Dương ở Virginia để bảo vệ các tuyến đường biển.
Dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump, nhiều thành viên NATO ở châu Âu đã đồng ý mua hệ thống vũ khí mới và đáp ứng các cam kết chi tiêu trước đó, bổ sung hàng tỷ USD cho ngân sách quốc phòng. Bỉ và Ba Lan đạt thỏa thuận mua máy bay chiến đấu mới nhất của Lầu Năm Góc, F-35. Hy Lạp và các thành viên khác cũng đang cân nhắc mua loại máy bay này.
Nỗ lực của NATO dường như không thể ngăn cản ông Putin hành động ở Ukraine và các quốc gia khác ngoài NATO, và cũng không hoàn toàn trấn an các thành viên khác. Một số bên đang tranh cãi về việc Moscow có thể gây áp lực về kinh tế đến mức nào. Đức đang phân vân về việc liệu nước này có nên hủy bỏ dự án đường ống dẫn khí đốt sắp hoàn thành Nord Stream 2 với Nga nếu Moscow đổ quân vào Ukraine hay không.
NATO củng cố lực lượng có thể không khiến ông Putin - người cho rằng số lượng quân quan trọng hơn khu vực đóng quân - nao núng. Tuy nhiên, người đứng đầu Kremlin vẫn tuyên bố liên minh này là mối đe dọa đối với Nga và là một trong những vấn đề Nga muốn giải quyết tại cuộc họp ngày 12/1.
Các nhà phân tích quân sự cho rằng ông Putin sẽ không tấn công trực diện NATO. Rủi ro cho điều này là quá lớn, và ông không có nhiều lợi ích khi làm vậy so với ở Ukraine - quốc gia mà ông coi là quan trọng đối với an ninh và nằm một phần trong phạm vi ảnh hưởng của Nga.
Các thành viên NATO đã cung cấp cho Ukraine vũ khí và trang thiết bị, huấn luyện binh sĩ và hỗ trợ chính trị, nhưng họ sẽ không cử lực lượng quân sự vì không có hiệp ước phòng thủ chung.
Nga vẫn đang tiếp tục điều thêm quân, mặc dù các nhà ngoại giao nói rằng tốc độ này không dễ dẫn đến cuộc tấn công.
Tuy nhiên, "thách thức là khi bạn thấy đội quân dần được bổ sung, kết hợp với lời hùng biện mang tính đe dọa. Tất cả gửi đi một thông điệp rằng có nguy cơ thực sự sắp xảy ra một cuộc xung đột vũ trang mới ở châu Âu", Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết vào hôm 7/1.
Link nội dung: https://biztoday.vn/ong-putin-khien-nato-vo-mong-240392.html