Sau phiên biến động mạnh buổi sáng, thị trường chứng khoán về phiên chiều diễn biến khá ổn định khi chỉ số chính biến động quanh vùng điểm tham chiếu.
Kết phiên VN-Index đứng ở mức 1.496,02 điểm, chỉ giảm nhẹ 0,03 điểm so với hôm qua. Chỉ số gần như đi ngang như sàn này vẫn ghi nhận 285 mã giảm giá (24 giảm sàn), cao hơn nhiều so với 174 mã tăng giá.
Sàn chứng khoán tại Hà Nội diễn biến khá đối lập. Trong đó HNX-Index tăng mạnh hơn 6 điểm (1,31%) lên 466,86 điểm nhưng UPCoM-Index lại giảm 0,4% về 112,22 điểm.
Toàn thị trường ghi nhận sắc đỏ chiếm chủ đạo với tổng cộng 727 mã giảm giá, trong khi đó chỉ có 442 mã tăng giá trong phiên cuối tuần.
VN-Index biến động ổn định hơn trong phiên chiều 14/1. Đồ thị: TradingView.
Nhóm vốn hóa lớn liên tục rung lắc và diễn biến kém sắc trong phiên chiều khiến VN-Index chưa thể bứt phá. Trong đó, VN30 ghi nhận mức giảm 0,19% trong ngày, các mã tăng tốt là VCB, VNM và POW.
Ở chiều ngược lại nhóm cổ phiếu bất động sản có tín hiệu được giải cứu trong phiên sáng, một loạt mã đã thoát được cảnh giảm sàn khối lượng lớn và thậm chí tăng trở lại. Tuy nhiên diễn biến về phiên chiều có phần tiêu cực hơn.
Theo đó, nhiều mã bất động sản lại bất ngờ có lượng bán lớn về cuối ngày khiến thị giá lại giảm sâu, một số mã lại rơi về cảnh nằm sàn. Tuy nhiên, đây vẫn là tín hiệu đáng kể bởi nhà đầu tư có thể bán cắt lỗ khi thanh khoản là khá lớn.
Trong khi đó, cổ đông nhóm FLC Group thì vẫn chôn chân nhìn cổ phiếu rơi thẳng đứng và trong tình trạng mất thanh khoản. Chỉ số ít bán được vài trăm nghìn cổ phiếu khi mở cửa phiên sáng, còn lại lượng lớn vẫn bị "giam sàn". Tổng khối lượng còn dư bán sàn nhóm này vào khoảng 200 triệu cổ phiếu (chưa kể lượng bán theo lệnh ATC).
Ở một số cổ phiếu riêng lẻ, đáng chú ý khi HAG quay đầu tăng trần với lượng khớp và dư mua gần 30 triệu cổ phiếu. Mã L14 tăng trần để giữ vị trí cổ phiếu đắt đỏ nhất sàn chứng khoán. Các mã nóng như GEX, HNG, ITA cũng đều thoát giá sàn.
Thanh khoản thị trường giảm mạnh so với phiên trước khi tổng giá trị khớp lệnh chỉ đạt 25.031 tỷ đồng (giảm 25,6%). Trong đó, giá trị khớp lệnh riêng sàn HoSE giảm 29% về mức 20.954 tỷ đồng. Khối ngoại mua ròng mạnh khoảng 770 tỷ đồng ở sàn HoSE.
Cổ phiếu bất động sản vẫn giảm sâu nhưng đã có thanh khoản lớn ở nhiều mã. Bảng giá SSI.
Diễn biến thị trường khá đúng với nhiều dự báo của nhiều đơn vị phân tích và thể hiện tính trung lập khá cao về định hướng của chỉ số chứng khoán.
Chứng khoán MB cho rằng thị trường rung lắc sẽ ảnh hưởng nhiều đến nhóm cổ phiếu đã tăng mạnh trong thời gian vừa qua trong khi nhóm bluechips cũng đã tạo được nền tích lũy kéo dài và khả năng giảm cũng sẽ ít hơn.
Chứng khoán Rồng Việt dự báo VN-Index sẽ kiểm tra và thăm dò lại vùng 1.480-1.490 điểm. Nhà đầu tư tạm thời vẫn nên cẩn trọng trước các yếu tố rủi ro và bất ổn của thị trường, đồng thời chờ thêm tín hiệu để đánh giá lại trạng thái thị trường.
Link nội dung: https://biztoday.vn/co-phieu-bat-dong-san-van-giam-nhom-flc-mat-thanh-khoan-241026.html