Phóng viên (PV): Thưa ông, tại kỳ họp bất thường Quốc hội khóa XV vừa bế mạc, Quốc hội đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đầu tư, Luật Nhà ở, Luật Đấu thầu, Luật Điện lực, Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Thi hành án dân sự. Ông nhận định thế nào về ý nghĩa việc ra đời một luật điều chỉnh tới chín luật nói trên?
Ông Phan Đức Hiếu: Theo tôi, việc QH thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của chín luật nói trên (sau đây gọi là Luật sửa đổi, bổ sung-PV) mang lại hai ý nghĩa to lớn.
Thứ nhất, mục tiêu dự án luật này là kịp thời tháo gỡ, khó khăn vướng mắc cho sản xuất, kinh doanh. Thực tế, Luật sửa đổi, bổ sung vừa được QH thông qua đã trực tiếp tháo gỡ rất nhiều khó khăn, vướng mắc trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Nó xử lý nhiều vấn đề từ phân cấp phân quyền; những “nút thắt” giữa luật này với luật kia; giải quyết câu chuyện luật chưa rõ ràng, chưa hợp lý, chưa cụ thể... nhằm giải quyết được những vướng mắc, nâng cao hiệu quả hoạt động đầu tư và sản xuất, kinh doanh, đóng góp cho quá trình phục hồi và phát triển nền kinh tế.
Thứ hai, là hiệu quả về mặt cải cách thể chế, về phương thức cải cách, về cách làm. Chúng ta thấy, giai đoạn gần đây, Chính phủ đã rất nỗ lực về cải cách thể chế, sử dụng nhiều cách thức tương tự như: một nghị định sửa nhiều nghị định rồi bãi bỏ hàng loạt các điều kiện kinh doanh, quy định,... Nhưng phần lớn cách thức cải cách thể chế này mới tập trung chủ yếu ở tầm Chính phủ, lần này là lần đầu tiên phương thức cải cách thể chế được thực hiện thành công ở cấp độ cao hơn là Quốc hội.
Như vậy là cải cách thể chế đã sâu hơn, rộng hơn, chủ động hơn và quyết liệt hơn, theo yêu cầu bối cảnh mới. Hành động này đặt ra tiền lệ tốt rằng, từ nay về sau hễ thể chế vướng mắc ở cấp nào dù là thuộc thẩm quyền của QH hay Chính phủ đều được xem xét và xử lý kịp thời. Sự quyết liệt nằm ở chỗ Quốc hội, Chính phủ cam kết tháo gỡ khó khăn, vướng mắc kịp thời cho doanh nghiệp, cho nền kinh tế, dù ở bất kể cấp nào, lúc nào.
PV: Ông có thể chia sẻ một vài chi tiết sửa đổi luật lần này và ý nghĩa của nó trong thực tiễn? Người dân và doanh nghiệp được hưởng lợi gì?
Ông Phan Đức Hiếu: Một số chi tiết sửa đổi theo tôi là đã thay đổi căn bản, giải quyết được yêu cầu cấp bách của thực tiễn:
Điều 23 của Luật Nhà ở lần này sửa đã tháo gỡ được cái vướng thủ tục kiểu “con gà quả trứng” mà vì nó, rất nhiều dự án bị ách tắc. Luật Nhà ở cũ yêu cầu chấp thuận chủ trương đầu tư thì đất đầu tư xây dựng dự án nhà ở thương mại phải được cơ quan có thẩm quyền cấp phép chuyển đổi mục đích sử dụng, nhưng khi nhà đầu tư muốn chuyển đổi mục đích sử dụng thì lại được yêu cầu phải có dự án đầu tư. Luật sửa đổi, bổ sung lần này đã quy định, đất dự án chỉ cần phù hợp quy hoạch được chấp thuận thì rõ ràng đã giải quyết được bất cập nêu trên.
Điều 5 Luật sửa đổi, bổ sung đã bổ sung khoản 2 Điều 4 Luật Điện lực quy định, “Nhà nước thu hút mọi thành phần kinh tế tham gia đầu tư xây dựng lưới điện truyền tải trừ các dự án lưới điện do Nhà nước đầu tư được xác định trong quy hoạch phát triển điện lực quốc gia theo từng thời kỳ”; “Các tổ chức hoạt động điện lực và sử dụng điện đáp ứng các điều kiện, tiêu chuẩn kỹ thuật được quyền đấu nối vào lưới điện do thành phần kinh tế đầu tư xây dựng lưới điện truyền tải thực hiện theo đúng quy hoạch phát triển điện lực”. Điều này theo tôi có ý nghĩa mở cửa thị trường điện, nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp và tạo điều kiện giảm áp lực đầu tư cho Nhà nước, vừa tạo thuận lợi hơn cho doanh nghiệp kinh doanh điện và cuối cùng hướng đến lợi ích cho người sử dụng điện là người dân, doanh nghiệp.
Hay như đối với Luật Đầu tư, lần này sửa đổi, bổ sung điểm g khoản 1 Điều 31 và điểm b khoản 1 Điều 32 để thực hiện phân quyền cho UBND cấp tỉnh quyết định chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở, khu đô thị... cũng có ý nghĩa giảm tải áp lực cơ quan Trung ương, rút ngắn thời gian, thủ tục và chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp, từ đó người dân cũng được hưởng lợi.
Các dự án đầu tư xây dựng nhà ở, khu đô thị được rút ngắn thời gian, thủ tục khi Luật Đầu tư được sửa đổi. Ảnh: NGUYỆT ANH
PV: Vậy đối với Luật Doanh nghiệp thì sao, lần này sửa đổi những gì? Là chuyên gia trực tiếp tham gia biên soạn, tham mưu xây dựng Luật Doanh nghiệp từ những ngày đầu khi còn công tác tại Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, lần này lại được ấn nút thông qua Luật sửa đổi bổ sung chín luật, trong đó có Luật Doanh nghiệp, cảm xúc của ông thế nào?
Ông Phan Đức Hiếu: Về cơ bản, những gì cần sửa đổi, bổ sung của Luật Doanh nghiệp thì đã sửa vào năm 2020 rồi, lần này gọi là sửa nhưng không thay đổi hoàn toàn về nội dung, nói đúng hơn là chỉ làm cho nó rõ nghĩa hơn, rõ ràng hơn, tạo cách hiểu và áp dụng nhất quán và tạo thuận lợi cho doanh nghiệp thích ứng với bối cảnh mới, với tác động của Covid-19.
Khi được tham gia soạn thảo, tham mưu xây dựng Luật Doanh nghiệp, tôi đã thấy trách nhiệm rất nặng nề. Đến giờ khi được ấn nút thông qua, tôi đặt mình trong trách nhiệm lớn hơn vì hành động ấy sẽ đóng góp trực tiếp vào việc luật được thông qua hay không, nó mang tính chất quyết định. Tôi thấy vui vì trải nghiệm này.
PV: Ngoài Luật sửa đổi, bổ sung chín luật nói trên, kỳ họp bất thường của Quốc hội lần này thông qua bốn nghị quyết quan trọng, trong đó có những nội dung được người dân và doanh nghiệp mong đợi để giải phóng nguồn lực nhằm tăng tốc phục hồi kinh tế là gói tài khóa, tiền tệ 347.000 tỷ đồng, cao tốc bắc-nam phía đông giai đoạn 2021-2025..., theo ông nhiệm vụ cấp bách trong thời gian tới là gì để những quyết sách này nhanh chóng được hấp thụ và đi vào sản xuất, kinh doanh?
Ông Phan Đức Hiếu: Theo tôi, khẩn trương và minh bạch trong thực thi là các vấn đề cấp bách nhất hiện nay. Quốc hội đã thông qua nghị quyết về gói chính sách tài khóa, tiền tệ, tôi mong rằng, Chính phủ sẽ khẩn trương ban hành chương trình, kế hoạch hành động ngay. Chậm ngày nào là doanh nghiệp, người dân, nền kinh tế khó khăn thêm ngày đó và có thể giảm hiệu quả của Chương trình.
Ngoài ra, cần bảo đảm công tác thông tin kịp thời, đầy đủ và toàn diện về nội dung Chương trình cho đối tượng có liên quan, bao gồm cả việc công khai, minh bạch các danh mục dự án, doanh nghiệp thuộc diện nhận hỗ trợ từ gói hỗ trợ này. Đồng thời, cần xây dựng cơ chế hỗ trợ thiết thực, hiệu quả cho đối tượng thuộc Chương trình để bảo đảm việc tiếp cận dễ dàng, công bằng.
Link nội dung: https://biztoday.vn/mot-luat-sua-chin-luat-nguoi-dan-duoc-loi-gi-241044.html