Theo báo cáo Tổng kết công tác y tế năm của Bộ Y tế, 2021 là năm đánh dấu các làn sóng dịch bùng phát với quy mô và cường độ dữ dội hơn năm 2020 trên toàn cầu. Đại dịch Covid-19 mới xuất hiện chưa có trong tiền lệ do vậy các mô hình phòng chống dịch trên toàn cầu đều phải điều chỉnh liên tục.
Hiện nay, hầu hết các quốc gia trên thế giới đã thay đổi chiến lược, từ “không Covid-19” sang thích ứng an toàn và áp dụng nhiều biện pháp nhằm ứng phó phù hợp, không áp dụng biện pháp giãn cách xã hội trên diện rộng, đồng thời đang thúc đẩy việc từng bước mở cửa, giao lưu, giao thương quốc tế.
Về tình hình điều trị, theo thống kê sơ bộ, số ca tử vong đã giảm khoảng 300-500 ca/ngày (thời kỳ đỉnh dịch) xuống còn 200 ca/ngày; chủ yếu là những người mắc bệnh nền, người già, trong đó phần lớn (trên 70%) là người chưa tiêm vắc xin. Số ca nặng giảm sâu (giảm 2/3) so với thời kỳ đỉnh dịch (tháng 8,9/2021).
70% số người tử vong chưa tiêm vắc xin - ảnh Việt Hùng.
Trong giai đoạn bình thường mới, việc điều trị Covid-19 đã thích ứng linh hoạt và thay đổi các chiến lược điều trị và cập nhật các hướng dẫn điều trị qua 7 phiên bản.
Công tác tiêm vắc xin: tính tới ngày 31/12/2021, tổng số vắc xin đã có hợp đồng mua, cam kết viện trợ và tài trợ là hơn 227,4 triệu liều, đã tiếp nhận 192 triệu liều.
Tính đến hết năm 2011 cả nước đã tiêm được 152,2 triệu liều, trong đó 132 triệu liều cho người từ 18 tuổi trở lên (99,5% tiêm ít nhất 1 liều và 90,7% tiêm đủ số liều cơ bản) và 12,6 triệu liều tiêm cho người từ 12 đến dưới 18 tuổi.
Để ứng phó với đại dịch trong năm 2022, Việt Nam tiếp tục triển khai các kịch bản phòng, chống dịch theo 4 cấp độ gồm biện pháp áp dụng chung cho kịch bản phòng, chống dịch ở tất cả các cấp độ dịch và biện pháp áp dụng riêng; tiến hành đánh giá cấp độ dịch từ quy mô cấp xã đến cấp tỉnh.
Theo Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, khi đạt tỷ lệ bao phủ vắc xin cao trong cộng đồng, sẽ điều chỉnh tiêu chí đánh giá cấp độ dịch từ kiểm soát tỷ lệ mắc mới tại cộng đồng sang kiểm soát tỷ lệ mắc Covid-19 được phân loại nguy cơ cao và rất cao.
Với kịch bản phòng, chống dịch tại các cấp (xã, huyện, tỉnh, khu vực) khi dịch lây lan nhanh trên diện rộng, vượt quá khả năng đáp ứng của hệ thống y tế, tiêu chí để đánh giá là: Tỷ lệ lấp đầy giường thở oxy trong tuần qua vượt quá 100% và tỷ suất tử vong do Covid-19 trong 1 tuần/100.000 người từ 5 trở lên.
Tới đây, các địa phương sẽ thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội đúng thời điểm, ở phạm vi hẹp nhất, trong thời gian ngắn nhất có thể; Áp dụng một số biện pháp về tình trạng khẩn cấp trong phòng, chống dịch bệnh.
Đại diện WHO tại Việt Nam rất ấn tượng với tỷ lệ bao phủ vắc xin của Việt Nam. Chỉ một thời gian rất ngắn Việt Nam đã triển khai tiêm chủng với tỷ lệ tiêm mũi cơ bản trên 90%.
Dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp. Trong thời gian tới Việt Nam cần phải xác định sống chung với dịch Covid-19 và xác định 2 mục tiêu cần hướng tới: Thứ nhất, bảo vệ nhóm người có nguy cao cao khi mắc Covid-19; Đảm bảo điều trị để không bị quá tải y tế.
Theo đại diện WHO tại Việt Nam, để thực hiện được 2 mục tiêu trên cần phải lưu ý 5 điểm sau: Tăng cường bao phủ vắc xin (đặc biệt là nhóm đối tượng nguy cơ); Tăng cường các biện pháp bảo vệ cá nhân tại nơi công cộng; Quản lý các ca bệnh mắc Covid-19 nhân hiệu quả; Phát hiện sớm ca bệnh và quản lý tránh lây lan; Thực hiện quản lý tại cửa khẩu dự trên yếu tố nguy cơ.
Tổ chức Y tế Thế giới và các nhà khoa học, các quốc gia nhận định đại dịch Covid-19 chưa thể kiểm soát được trong năm 2022, có thể xuất hiện các biến chủng nguy hiểm làm cho dịch diễn biến phức tạp khó lường.
Dịch bệnh Covid-19 vẫn còn diễn biến khó lường - Ảnh Việt Hùng.
Tại buổi tổng kết, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, năm 2021 là một năm đầy khó khăn của ngành y tế do dịch bệnh Covid-19. Trong tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp nhưng chúng ta không tiến hành tuyên bố khẩn cấp mà áp dụng biện pháp phù hợp, mang lại hiệu quả.
Trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp của dịch bệnh ngành y tế đã xác định được vắc xin là vũ khí để đẩy lùi dịch bệnh, chúng ta đã thực hiện chiến lược triển khai tiêm vắc xin lớn chưa từng có trong lịch sử. Chúng ta đã dùng mọi biện pháp để có thể có được vắc xin bằng cách.
Việt Nam cũng đã chuyển từ trạng thái "không Covid-19" sang thích ứng an toàn với dịch bệnh. Đây là một quyết tâm rất lớn của ngành y tế. "Đây là một quyết định đúng đắn của Bộ Y tế" – Thủ tướng nhấn mạnh.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, năm 2021 với sự xuất hiện của biến chủng Delta lây lan nhanh và mạnh, dịch Covid-19 đã diễn ra hết sức phức tạp, kéo dài trên nhiều địa phương; các ca lây nhiễm tăng nhanh trong thời gian ngắn, vượt xa so với dự báo.
"Chỉ tính đợt dịch thứ 4, ngành Y tế đã huy động một lực lượng lớn nhất với hơn 25.000 giáo sư, y bác sĩ, các cán bộ, nhân viên y tế và sinh viên các trường y dược tham gia phòng, chống dịch. Nhiều người hiện nay vẫn đang tiếp tục trực chiến tại các địa phương ở khu vực miền Nam.
Hầu hết các nhân viên y tế tại các địa phương có dịch vẫn đang miệt mài làm việc và có gần 3.000 cán bộ y tế bị nhiễm Covid-19 và hơn 10 trường hợp mắc đã mất do mắc Covid-19 trong quá trình làm nhiệm vụ…"- GS Long nói.
Bộ trưởng Bộ Y tế cũng thông tin các giải pháp chuyên môn chưa có trong tiền lệ đã được Bộ Y tế triển khai.
Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho hay năm 2022, dịch Covid-19 được nhận định là chưa thể kiểm soát được hoàn toàn. Việt Nam đã ghi nhận ca bệnh nhiễm biến chủng Omicron trong cộng đồng và nguy cơ lây lan trên diện rộng là rất cao.
Tốc độ lây nhiễm của Omicron cao gấp 7 lần trong nhóm chưa tiêm chủng và gấp 3 lần với nhóm đã tiêm chủng đầy đủ nên số ca mắc tăng rất nhanh, có thể gây quá tải hệ thống y tế. Với tốc độ lây lan nhanh của chủng Omicron và có thể các chủng mới khác, Bộ Y tế lo ngại về sự bùng phát đợt dịch trong thời gian tới nên đòi hỏi phải có những nỗ lực lớn hơn nữa trong công tác phòng chống dịch và yêu cầu thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch.
Link nội dung: https://biztoday.vn/bo-y-te-se-dieu-chinh-tieu-chi-danh-gia-cap-do-dich-244758.html