Tạp chí điện tử Kinh tế Chứng khoán Việt Nam xin trích lược một số nhận định của các công ty chứng khoán về diễn biến cho tuần giao dịch từ 24-28/1/2022
(CTCK BIDV – BSC)
Đóng cửa phiên giao dịch cuối tuần (21/1), chỉ số VN-Index tăng 7,59 điểm (0,52%) lên 1.472,89 điểm, HNX-Index tăng 6,04 điểm (1,47%) đạt 417,84 điểm, UPCOM-Index đứng giá tham chiếu.
Kéo chỉ số tăng điểm phiên hôm nay gồm có: VCB (+2,58), MBB (+1,62), VHM (+0,90), TCB (+0,86), BID (+0,85) … Ngược lại, kéo chỉ số giảm điểm bao gồm: HPG (-0,78), GAS (-0,57), SAB (-0,32), VRE (-0,28), SSI (-0,28)…
Giá trị khớp lệnh của VN-Index đạt 21.695 tỷ đồng, tăng 2% so với phiên trước. Tổng giá trị giao dịch đạt mức 22.982 tỷ đồng. Biên độ dao động là 13 điểm. Thị trường có 226 mã tăng, 47 mã tham chiếu và 235 mã giảm. Giá trị bán ròng của khối ngoại: -1120,80 tỷ đồng trên sàn HOSE, gồm KBC (-234,12 tỷ), HPG (-128,03 tỷ), DGW (-89,23 tỷ). Khối ngoại mua ròng trên sàn HNX với giá trị 20,64 tỷ đồng.
BSC nhận định, trong tuần cuối năm Tân Sửu, VN-Index có thể sẽ có những phiên tích lũy đi ngang quanh khu vực 1.480 điểm.
VN-Index tích lũy đi ngang tuần cuối năm Tân Sửu |
(CTCK Đông Á - DAS)
Phiên giao dịch vừa qua tiếp tục ghi nhận đà phục hồi của nhóm cổ phiếu bất động sản, thị trường giao dịch với thanh khoản trung bình. Đóng góp cho mức tăng chỉ số hôm nay chủ yếu là các mã cổ phiếu ngân hàng, có giao dịch sối động khi đón nhận tin tức về kết quả kinh doanh quý 4/2021.
DAS nhận định, với dòng tiền thận trọng trước kỳ nghỉ lễ dài ngày, VN-Index có khả năng sẽ giao dịch ổn định quanh mốc Vnindex 1.480 +/- 20 điểm trong tuần tới, giao dịch T+ sẽ được nhà đầu tư thực hiện nhằm bảo toàn lợi nhuận và giảm tỷ trọng margin.
(CTCK Vietcombank - VCBS)
Tâm lý chung trên thị trường vẫn đang trong trạng thái tương đối dè dặt đối với nhóm cổ phiếu “trụ”, nhất là trong bối cảnh các chỉ số chứng khoán chính của Mỹ và châu Á đều diễn biến tiêu cực trong tuần. Mặt khác, thị trường vẫn đang trong giai đoạn giằng co và không có xu hướng rõ ràng trong bối cảnh thiếu vắng thông tin hỗ trợ.
VCBS khuyến nghị, trong giai đoạn trước mắt, nhà đầu tư có thể chủ động giảm tỷ trọng cổ phiếu và tăng tỷ trọng tiền mặt trong danh mục, đồng thời tiếp tục theo dõi những thông tin tiếp theo về kinh tế vĩ mô trong nước cũng như diễn biến của đại dịch Covid-19 để lên kế hoạch cơ cấu lại danh mục cho cả năm 2022.
(CTCK Sài Gòn - Hà Nội - SHS)
Thị trường chứng khoán Việt Nam có thêm một tuần giao dịch kém tích cực nữa khi mà tâm lý nghỉ Tết đã xuất hiện trên thị trường khiến cho thanh khoản suy giảm đáng kể và áp lực bán cổ phiếu trước Tết đang áp đảo bên mua. Nếu nhìn lại lịch sử các năm trước đó thì điều này là tương đối phổ biến khi mà diễn biến trước Tết thường kém tích cực nhưng diễn biến sau Tết sẽ tích cực trở lại. Theo thống kê, thị trường đã tăng 5/6 lần trong giai đoạn 2016-2021 (chỉ có 2020 là giảm do ảnh hưởng của Covid-19). Điều này khiến cho việc thị trường điều chỉnh vào trước Tết sẽ là một cơ hội cho các nhà đầu tư có thể gia tăng tỷ trọng các cổ phiếu trong danh mục để tận dụng đà tăng có thể diễn ra sau Tết.
SHS dự báo, trong tuần giao dịch cuối cùng của năm Tân Sửu, VN-Index có thể sẽ hồi phục trở lại với mục tiêu là vùng kháng cự gần nhất trong khoảng 1.475-1.490 điểm (MA20-50).
Nhà đầu tư tham gia bắt đáy trong phiên 12/1 đã gia tăng tỷ trọng cổ phiếu trong phiên 18/1 có thể tiếp tục nắm giữ danh mục hiện tại và gia tăng thêm tỷ trọng cổ phiếu nếu thị trường có nhịp điều chỉnh về vùng hỗ trợ 1.400-1.450 điểm trong tuần tới.
(CTCK MB - MBS)
Về kỹ thuật, chỉ số Vn-Index đã “vá” lại kênh xu hướng tăng kể từ đầu năm 2021 cùng thanh khoản được cải thiện tích cực.
Tuần sau cũng là tuần cuối trước kỳ nghỉ lễ kéo dài, thị trường được dự báo sẽ có diễn biến tích cực khi các yếu tố bất lợi trong nước đã qua trong khi thị trường không có nhiều phản ứng với các diễn biến bên ngoài. Nhà đầu tư có thể tiếp tục mua gom đối với nhóm cổ phiếu bluechips, đặc biệt là nhóm cổ phiếu ngân hàng khi nhóm này đã có thời gian tích lũy hơn 6 tháng vừa qua, khả năng giảm thêm sẽ ít hơn so với triển vọng về lại đỉnh cũ hồi tháng 6 năm 2021.
Ở thời điểm hiện tại, nhóm cổ phiếu ngân hàng quốc doanh đã vượt đỉnh năm 2021 trong khi nhóm ngân hàng tư nhân đang trong quá trình test đỉnh kể từ đầu năm cho tới nay.
CTCK KB Việt Nam (KBSV)
VNIndex ghi nhận một nhịp tăng tích cực đầu phiên trước khi diễn biến giằng co trong biên độ hẹp đến cuối phiên.
Xung lực tăng điểm tích cực đã giúp chỉ số chinh phục thành công vùng kháng cự gần 1.46x điểm và cơ hội mở rộng thêm nhịp hồi phục trong phiên kế tiếp vẫn được duy trì. Mặc dù vậy, VNIndex nhiều khả năng sẽ sớm đối mặt với áp lực rung lắc trước ảnh hưởng của vùng kháng cự kế tiếp tại 1.48x và quay xuống kiểm định lại các vùng hỗ trợ bên dưới.
KBSV nhận định, nhà đầu tư tiếp tục hạ dần tỷ trọng của các vị thế ngắn hạn khi chỉ số và các mã cổ phiếu nắm giữ tiếp cận các vùng cản gần.
(CTCK Asean - Aseansc)
Thị trường hôm nay ghi nhận phiên tăng điểm thứ 3 liên tiếp, nhờ lực kéo đến từ nhóm cổ phiếu ngân hàng và bất động sản, trong bối cảnh thanh khoản tăng nhẹ và thấp hơn trung bình 20 phiên.
Aseansc cho rằng nhà đầu tư cần thận trọng trước khi ra quyết định mua đuổi, nhất là khi đà tăng đang có dấu hiệu chững lại, và đây cũng là phiên tăng điểm thứ 3 liên tiếp của chỉ số.
Dự báo trong tuần giao dịch tới, áp lực bán tại vùng kháng cự gần 1.475 – 1.480 điểm có thể khiến chỉ số VN-Index quay đầu giảm điểm trong phiên sáng, để kiểm tra vùng hỗ trợ gần 1.465 – 1.470 điểm, và xa hơn là vùng hỗ trợ 1.455 – 1.460 điểm. Sự giằng co được kỳ vọng sẽ xuất hiện ở vùng giá thấp và có thể giúp chỉ số có sự hồi phục nhất định sau đó, trước khi có sự phân định xu hướng rõ ràng hơn về cuối ngày.
Những nhận định của các công ty chứng khoán là nguồn thông tin tham khảo, các công ty chứng khoán đều có khuyến cáo miễn trách nhiệm đối với những nhận định trên.
Link nội dung: https://biztoday.vn/nhan-dinh-chung-khoan-tuan-tu-24-281-vn-index-tich-luy-di-ngang-tuan-cuoi-nam-tan-suu-245326.html