Quy tắc xuất xứ và cam kết cắt bỏ thuế quan trong RCEP

Ngày 01/01/2022 đánh dấu Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), thỏa thuận tự do thương mại lớn nhất thế giới, chính thức có hiệu lực.

Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) có hiệu lực từ 01/01/2022

RCEP hiện là thỏa thuận tự do thương mại lớn nhất thế giới, kết nối ASEAN và các nền kinh tế lớn trên thế giới như: Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Australia và New Zealand. Tổng thư ký ASEAN khẳng định RCEP củng cố xu hướng hội nhập kinh tế khu vực bằng cách mở rộng các quy định chung về nguồn gốc xuất xứ, đơn giản hóa các thủ tục hải quan, tạo thuận lợi cho thương mại và gắn kết các quy định thương mại giúp môi trường kinh doanh minh bạch, công bằng và dễ đoán định hơn cho các doanh nghiệp.

Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) quy tắc xuất xứ là một “ điểm cộng”, được coi là lợi thế của Việt Nam.

Quy tắc xuất xứ

Quy tắc xuất xứ trong Hiệp định RCEP được quy định ở Chương 3. Theo quy tắc này, hàng hóa được coi là có xuất
xứ nếu đáp ứng một trong ba trường hợp sau: (i) hàng hóa có xuất xứ thuần túy tại một nước thành viên; (ii) hàng hóa được sản xuất chỉ từ nguyên liệu có xuất xứ từ một hay nhiều nước thành viên; (iii) hàng hóa sử dụng nguyên liệu không có xuất xứ nhưng đáp ứng quy định tại Quy tắc cụ thể mặt hàng.

Trong Quy tắc cụ thể mặt hàng, ngoài việc áp dụng quy tắc hàm lượng giá trị giá khu vực (RVC) hoặc quy tắc chuyển đổi mã số hàng hóa (CTC), một số dòng hàng hóa chất thuộc các Chương 29 và 38 được áp dụng Quy tắc phản ứng hóa học tương đương với quy tắc RVC hoặc CTC.

Đối với Quy trình cấp và kiểm tra chứng nhận xuất xứ hàng hóa, chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa bao gồm Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O), chứng từ tự khai báo xuất xứ hàng hóa của nhà xuất khẩu đủ điều kiện, chứng từ tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa của nhà xuất khẩu. Việt Nam cùng với các nước thành viên RCEP (trừ Cam-pu-chia, Lào, Mi-an-ma) bắt đầu triển khai thực hiện cơ chế tự chứng nhận xuất xứ của nhà xuất khẩu không quá 10 năm sau ngày thực thi Hiệp định.

Trường hợp chưa thể triển khai thực hiện trong 10 năm này, các nước được phép gia hạn tối đa 10 năm nữa để thực hiện
cơ chế này.

Yêu cầu hưởng ưu đãi thuế quan

1.1. Nước thành viên nhập khẩu sẽ cho phép hưởng ưu đãi thuế quan theo Hiệp định này nếu hàng hóa có xuất xứ dựa trên Chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa.

1.2. Trừ trường hợp quy định khác tại Chương này, nhằm cho phép hưởng ưu đãi thuế quan, nước thành viên nhập khẩu yêu cầu:

(a) khai báo rằng hàng hóa được coi là có xuất xứ;

(b) Chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa còn hiệu lực trong khoảng thời gian khai báo theo quy định tại điểm a khoản này;

(c) cung cấp bản gốc hoặc bản chứng thực bản sao Chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa nếu nước thành viên nhập khẩu yêu cầu.

1.3. Bất kể khoản 1 và khoản 2 Điều này, nước thành viên nhập khẩu có thể không yêu cầu xuất trình Chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa nếu:

(a) trị giá hải quan của lô hàng nhập khẩu không vượt quá 200 đô la Mỹ hoặc số tiền tương đương bằng đơn vị tiền tệ của nước thành viên nhập khẩu hoặc bất kỳ số tiền nào cao hơn mà nước thành viên nhập khẩu có thể thiết lập; hoặc

(b) hàng hóa thuộc diện miễn yêu cầu từ nước thành viên nhập khẩu,

với điều kiện rằng việc nhập khẩu không phải là một chuỗi liên tiếp hoặc được lên kế hoạch với mục đích trốn việc tuân thủ quy định của nước thành viên nhập khẩu để được hưởng ưu đãi thuế quan theo Hiệp định này.

1.4. Cơ quan hải quan của nước thành viên nhập khẩu có thể yêu cầu, khi cần thiết, nhà nhập khẩu cung cấp chứng từ nhằm chứng minh hàng hóa được coi là có xuất xứ theo yêu cầu của Chương này.

1.5. Nhà nhập khẩu phải chứng minh rằng các yêu cầu được quy định tại Điều 3.15 (Vận chuyển trực tiếp) được đáp ứng và cung cấp chứng từ theo yêu cầu của cơ quan hải quan của nước thành viên nhập khẩu.

1.6. Trường hợp Chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa nộp cho cơ quan hải quan của nước thành viên nhập khẩu sau thời hạn hiệu lực, Chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa vẫn được chấp nhận theo quy định của nước thành viên nhập khẩu, khi không đáp ứng khoảng thời gian do nguyên nhân bất khả kháng hoặc các nguyên nhân hợp lệ khác nằm ngoài tầm kiểm soát của nhà xuất khẩu hoặc nhập khẩu.

Cam kết cắt bỏ thuế quan

RCEP sẽ tiến tới loại bỏ 90-92% dòng thuế nhập khẩu giữa các quốc gia ký kết trong vòng 20 năm

Sau khi có hiệu lực đầy đủ - với tất cả các nước tham gia ký kết - Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) sẽ tạo thành một khu vực thương mại tự do lớn nhất thế giới, xét về quy mô dân số (với quy mô 2,2 tỷ người tiêu dùng, chiếm khoảng 30% dân số thế giới) và GDP hơn 27.000 tỷ đô la Mỹ, tương đương khoảng 30% GDP toàn cầu.

RCEP sẽ tiến tới loại bỏ ít nhất 92% dòng thuế nhập khẩu giữa các quốc gia ký kết trong vòng 20 năm, thiết lập các quy tắc chung cho thương mại điện tử, thương mại và quyền sở hữu trí tuệ.

RCEP được thiết kế nhằm cắt giảm chi phí và thời gian cho doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa sang bất kỳ quốc gia ký kết thỏa thuận nào mà không cần đáp ứng các yêu cầu riêng biệt của từng quốc gia.

Đáng chú ý, sau khi Hiệp định RCEP có hiệu lực, các bên sẽ ngay lập tức thực hiện các cam kết của mình, trong đó có các cam kết cắt bỏ thuế quan.

Cụ thể, Việt Nam và các nước đối tác sẽ xóa bỏ thuế quan đối với ít nhất 64% số dòng thuế ngay khi Hiệp định có hiệu lực. Đến cuối lộ trình (sau 20 năm) Việt Nam sẽ xóa bỏ gần 90% số dòng thuế với các nước đối tác, trong khi đó, các nước đối tác sẽ xóa bỏ khoảng 90-92% số dòng thuế cho Việt Nam và các nước ASEAN sẽ xóa bỏ gần như toàn bộ số dòng thuế cho Việt Nam.

Yêu cầu với doanh nghiệp

Doanh nghiệp phải nắm “luật chơi”. Để khai thác triệt để lợi ích do Hiệp định RCEP cũng như các hiệp định FTA khác, thì việc đầu tiên doanh nghiệp Việt Nam cần làm là nghiên cứu kỹ cam kết của Hiệp định, nhất là các cam kết liên quan đến lĩnh vực kinh doanh của mình, chẳng hạn như lộ trình cắt giảm và xóa bỏ thuế quan đối với hàng hóa của Việt Nam và của các nước tham gia Hiệp định, quy tắc xuất xứ của Hiệp định, cam kết mở cửa thị trường trong lĩnh vực dịch vụ và đầu tư, các quy định về thủ tục hải quan và thuận lợi hóa thương mại …

Ngoài các lợi ích, doanh nghiệp trong nước cũng cần chủ động nắm bắt và chuẩn bị trước về các tác động bất lợi mà Hiệp định RCEP gây ra, nhất là việc gia tăng cạnh tranh ngay tại thị trường nội địa.

Link nội dung: https://biztoday.vn/quy-tac-xuat-xu-va-cam-ket-cat-bo-thue-quan-trong-rcep-246374.html