Điều này được Tổng thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường đề cập trong cuộc trao đổi với Zing.
Ông cũng cho biết chưa bao giờ, ngay kỳ họp đầu tiên, Quốc hội đã hoàn thành gần như toàn bộ khung khổ kế hoạch 5 năm về phát triển kinh tế - xã hội, tài chính quốc gia, đầu tư công...
Biểu quyết từ xa
Một điều chưa có tiền lệ trong lịch sử Quốc hội là việc tổ chức kỳ họp bất thường để giải quyết những vấn đề cấp bách đặt ra trong thực tế, điển hình là tác động của đại dịch Covid-19.
Kỳ họp bất thường lần thứ nhất Quốc hội khóa XV đã được tổ chức rất thành công, thông qua những nội dung rất quan trọng, cấp bách, không chỉ đối với năm 2022 mà còn cho cả giai đoạn 2021-2025, khi cả hệ thống phải dồn toàn lực cho mục tiêu phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Tổng thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường. Ảnh: Thuận Thắng.
Tổng thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết từ tiền lệ này, Đảng đoàn Quốc hội đang xem xét việc sửa đổi nội quy kỳ họp để có thể tổ chức các kỳ họp Quốc hội theo hướng linh hoạt hơn, có thể tăng số lượng kỳ họp nhưng giảm số ngày họp.
"Việc này nhằm vừa xem xét kịp thời các vấn đề thuộc thẩm quyền của Quốc hội, vừa không dồn áp lực công việc vào hai kỳ họp thường kỳ. Thậm chí Quốc hội có thể biểu quyết từ xa, trên hệ thống điện tử mà không nhất thiết phải trực tiếp có mặt tại Nhà Quốc hội", ông Cường nói.
Chủ tịch Quốc hội nhiều lần nhấn mạnh “bối cảnh đặc biệt cần những quyết đáp đặc biệt, chính sách đặc biệt”. Vì thế, ông Cường khẳng định Quốc hội luôn quán triệt yêu cầu “làm hết việc chứ không làm hết giờ”.
Ví dụ, Nghị quyết 30 của Quốc hội là một nghị quyết đặc biệt cả về quy trình ban hành và nội dung quy định. Khi bắt đầu kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XV, nội dung này hoàn toàn chưa có trong chương trình nghị sự của Quốc hội. Nhưng qua thảo luận của đại biểu Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội đã triệu tập một cuộc làm việc khẩn với đại diện các cơ quan của Quốc hội và Chính phủ để xem xét ban hành một nghị quyết của Quốc hội về phòng, chống dịch.
Quốc hội luôn quán triệt yêu cầu làm hết việc chứ không làm hết giờ.
Tổng thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường
Ngay sau đó, một quy trình đặc biệt, thần tốc đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ khởi động để báo cáo Bộ Chính trị, Quốc hội bổ sung vào chương trình, các cơ quan của Quốc hội tiến hành thẩm tra chính thức để trình Quốc hội thảo luận và thông qua vào cuối kỳ họp, cho phép Chính phủ được áp dụng các biện pháp đặc biệt, đặc thù khác với quy định của luật, thậm chí chưa được quy định trong luật để chủ động phòng, chống dịch.
Việc các cơ quan của Quốc hội hay Vụ chuyên môn của Văn phòng Quốc hội làm việc đến 2-3h, không có ngày nghỉ, đặc biệt là trong thời gian diễn ra kỳ họp của Quốc hội, đã trở thành điều bình thường.
"Nhưng áp lực của chúng tôi không chỉ ở khía cạnh khối lượng công việc tăng lên, mà còn phải bảo đảm tính khả thi, minh bạch và hiệu quả, chống lợi ích nhóm và trục lợi chính sách khi ban hành chính sách theo quy trình đặc biệt", Tổng thư ký Quốc hội chia sẻ.
Không "bắc nước chờ gạo người"
Sự chủ động của Quốc hội còn thể hiện ở việc ngay sau kỳ họp thứ nhất, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã liên tục họp, thảo luận, cho ý kiến và ban hành nghị quyết để cho phép Chính phủ thực hiện các chính sách đặc biệt, đặc cách phòng, chống dịch Covid-19 với tổng giá trị nguồn lực hỗ trợ lên tới hơn 100.000 tỷ đồng.
Các đại biểu Quốc hội dự kỳ họp thứ hai khóa XV tại Nhà Quốc hội. Ảnh: Thuận Thắng.
Nhiều phiên họp được Ủy ban Thường vụ Quốc hội triệu tập ngay khi nhận được tờ trình của Chính phủ, các cơ quan của Quốc hội làm việc xuyên đêm, ngoài giờ hành chính để kịp thời trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định, đúng với tinh thần đã được Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ quán triệt “không có bất cứ việc gì bị chậm trễ ở Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội”.
Tại kỳ họp thứ hai, trong bối cảnh dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, Quốc hội đã chủ động áp dụng nhiều đổi mới trong phương thức tổ chức để bảo đảm thời gian họp ngắn nhất nhưng chất lượng phải cao nhất.
Lãnh đạo Quốc hội, trực tiếp là Chủ tịch Quốc hội đã làm việc với các ủy ban thẩm tra, cơ quan chủ trì soạn thảo, cơ quan trình, từ đó, xác định từ rất sớm các nội dung khó, phức tạp, nhạy cảm, cần thiết phải tham vấn ý kiến chuyên gia, đối tượng chịu sự tác động và chủ động trình Bộ Chính trị cho ý kiến để tiếp tục hoàn thiện.
Quốc hội khóa XV với phương châm linh hoạt, chủ động, từ sớm từ xa, không "bắc nước chờ gạo người".
Tổng thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết nhờ cách làm bài bản, chủ động, qua nhiều vòng, chất lượng các dự án luật, đề án, tờ trình trình Quốc hội tại kỳ họp thứ hai đều được đại biểu Quốc hội đánh giá cao, nhất là báo cáo thẩm tra của các Ủy ban của Quốc hội đã cung cấp nguồn thông tin tin cậy, vừa có tính phản biện rất cao vừa trên tinh thần xây dựng để cùng bảo đảm chất lượng tốt nhất những nội dung trình Quốc hội.
Dấu ấn đáng nhớ, theo ông Cường, là việc kỳ họp đầu tiên của Quốc hội diễn ra trong bối cảnh rất đặc biệt khi đợt dịch lần thứ tư bùng phát, lây lan hầu hết tỉnh, thành trong cả nước. Nhưng Quốc hội đã hoàn thành tốt đẹp chương trình nghị sự, rút ngắn 8 ngày so với dự kiến ban đầu.
"Đổi mới phương thức cũng được áp dụng ngay tại hai kỳ họp đầu tiên của khóa XV với phương châm linh hoạt, chủ động, từ sớm từ xa, không 'bắc nước chờ gạo người', tạo khởi đầu tốt đẹp cho cả nhiệm kỳ", ông Cường khẳng định.
Link nội dung: https://biztoday.vn/nhung-quy-trinh-dac-biet-de-dua-ra-quyet-sach-chua-co-tien-le-252544.html