Kết thúc phiên 4/2, giá dầu Brent tương lai tăng 2,16 USD, tương đương 2,4%, lên 93,27 USD/thùng, trong phiên có lúc chạm 93,7 USD/thùng, cao nhất kể từ tháng 10/2014. Giá dầu WTI tương lai tăng 2,04 USD, tương đương 2,3%, lên 92,31 USD/thùng, trong phiên có lúc chạm 93,17 USD/thùng, cao nhất kể từ tháng 9/2014.
Chốt tuần, giá dầu Brent, WTI lần lượt tăng 3,6% và 6,3%. Đây là tuần tăng thứ 7 liên tiếp, với tổng mức tăng của giá dầu Brent và WTI lần lượt là 27% và 30%. Kể từ đầu năm, giá dầu Brent tăng 20%, WTI tăng 23%.
Đà tăng giá dầu trong hai tháng qua chủ yếu nhờ căng thẳng địa chính trị và hạn chế nguồn cung. Yếu tố còn thiếu là một cuộc khủng hoảng thời tiết – điều mới xuất hiện khi các cơn bão mùa đông bắt đầu đổ bộ Mỹ. Nhiệt độ tại bang Texas được dự báo có thể xuống -7 độ C. Các trận bão mùa đông đổ bộ Texas năm ngoái khiến hàng chục nghìn người mất điện, hơn 200 người chết.
“Giá dầu có vẻ đang sở hữu tấm vé một chiều đến 100 USD/thùng”, Ed Moya, nhà phân tích tại OANDA, nhận định. “Mọi thứ dường như rất tích cực với giá dầu WTI và không có nhiều kháng cự trừ khi đến mốc 95 USD/thùng”.
Sunil Kumar Dixit, giám đốc chiến lược kỹ thuật tại SK Charting, nói “giá dầu WTI ngắn hạn có thể gặp kháng cự ở 95 USD/thùng và mất mốc 86 USD/thùng là dấu hiệu đầu tiên của sự hụt hơi, đặc biệt là sau khi đã tăng 7 tuần liên tiếp”.
OPEC cùng các đồng minh, tức OPEC+, ngày 2/2 quyết định giữ nguyên kế hoạch tăng sản lượng 400.000 thùng/ngày trong tháng 3 dù liên minh vẫn đang chật vật để đạt các mục tiêu khai thác hiện tại và phớt lờ những lời kêu gọi tăng sản lượng mạnh hơn từ các quốc gia tiêu thụ lớn.
Tồn kho dầu thô tại Mỹ trong tuần kết thúc ngày 28/1 giảm 1 triệu thùng, theo Cơ quan thông tin năng lượng Mỹ (EIA), trái với dự báo tồn kho tăng. Tồn kho sản phẩm tinh chế giảm nhờ lực cầu mạnh từ cả thị trường trong nước lẫn xuất khẩu.
Các công ty năng lượng Mỹ trong tuần trước triển khai thêm 3 giàn khoan dầu và khí đốt, nâng tổng số giàn khoan đang hoạt động lên 613 giàn khoan, theo công ty dịch vụ năng lượng Baker Hughes. Cụ thể, số giàn khoan dầu tăng 2 lên 497, số giàn khoan khí tăng 1 lên 116 còn số giàn khoan dự phòng giữ ở 0.
Ảnh: Reuters. |
Kim loại quý
Giá vàng ngày 4/2 tăng nhờ lo ngại liên quan lạm phát giúp xóa bỏ phần nào ảnh hưởng từ việc USD mạnh lên. Giá vàng giao ngay tại sàn New York tăng 3,8 USD lên 1.808,4 USD/ounce. Giá vàng tương lai tăng 0,2% lên 1.807,8 USD/ounce.
“1.800 USD/ounce là mốc quan trọng với vàng và nếu vàng có thể tiếp tục giữ trên ngưỡng này, đó sẽ là tín hiệu rất tích cực cho xu hướng tăng sau đó”, Moya nói. “Nếu mất 1.780 USD/ounce, tình hình sẽ khó khăn hơn và giá vàng nguy cơ về 1.700 USD/ounce”.
Về số liệu, nền kinh tế số một thế giới tạo ra thêm 467.000 việc làm trong tháng 1, vượt dự báo từ giới phân tích, dù tỷ lệ thất nghiệp tăng từ 3,9% lên 4%. Thị trường đang tính đến khả năng Fed tăng lãi suất lên đến 5 lần trong năm nay.
“Báo cáo việc làm tháng 1 của Mỹ khiến thị trường hiện cho rằng có hơn 50% khả năng Fed tăng lãi suất 5 lần năm 2022”, theo kinh tế gia Greg Michalowski của ForexLive. “Khả năng Fed tăng lãi suất vào tháng 3 và 5 hiện là 100%, 82% khả năng tăng lãi suất trong tháng 6, 56% cho tháng 7 và 11”.
Biên độ tăng mỗi lần vẫn sẽ là 25 điểm cơ bản, lãi suất hiện tại là 0 – 0,25% và với 5 lần tăng, biên độ sẽ là 1,25 – 1,5%. Tuy nhiên, mỗi lần tăng có thể vượt 25 điểm cơ bản, tùy thuộc diễn biến thị trường lao động, kinh tế và lạm phát.
Lạm phát tại Mỹ gần đây tăng với chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 12 là 7%, cao nhất kể từ năm 1982. Fed đang thiết lập mục tiêu lạm phát khoảng 2%/năm.
Link nội dung: https://biztoday.vn/trien-vong-gia-dau-vang-tuan-7-112-253620.html