Bộ Xây dựng vừa báo cáo Thủ tướng về tác động kết quả đấu giá đất cao bất thường đến thị trường bất động sản.
Bộ Xây dựng nhận định hiện tượng bỏ giá rất cao một số lô đất, rồi bỏ cọc, tạo mặt bằng giá ảo để thao túng thị trường, mua đi bán lại nhiều lô đất trúng đấu giá, thu lợi bất chính đang diễn ra khá phổ biến ở nhiều nơi, một số vụ việc có tổ chức.
Kết quả trúng đấu giá đất cao gấp nhiều lần giá khởi điểm đã tác động đến thị trường bất động sản khu vực. Với trường hợp đấu giá "đất vàng" Thủ Thiêm, kết quả trúng đấu giá 4 lô đất đã tác động đến mặt bằng giá đất, nhà ở, thị trường bất động sản khu vực Thủ Thiêm. Sau khi có thông tin kết quả trúng đấu giá 4 lô đất, giá rao bán đất nền, nhà ở khu vực Thủ Thiêm đã đồng loạt tăng nhưng giao dịch ghi nhận rất ít.
">
Những lô "đất vàng" Thủ Thiêm được đưa ra đấu giá vừa qua.
Cũng theo Bộ Xây dựng, quá trình tổ chức đấu giá đất ở một số nơi có hiện tượng "cò đấu giá", "quân xanh quân đỏ" lộng hành, thông đồng, dìm giá, làm sai lệch kết quả đấu giá, gây mất an ninh trật tự, thất thoát nguồn thu ngân sách, ảnh hưởng đến quyền lợi của người tham gia đấu giá.
Ngoài ra, có tình trạng để lộ thông tin về người đăng ký tham gia đấu giá trước phiên đấu giá và tình trạng "xã hội đen" đe dọa cá nhân, tổ chức có nhu cầu tham gia đấu giá, ép phải xin rút hồ sơ. Có tình trạng thông đồng giữa tổ chức tư vấn định giá với người tham gia đấu giá để "dìm giá" như các vụ đấu giá quyền sử dụng đất tại tỉnh Thái Bình năm 2020, tại huyện Đông Anh, TP.Hà Nội năm 2021.
Để chấn chỉnh hoạt động đấu giá đất tại các địa phương, Bộ Xây dựng kiến nghị Thủ tướng giao các bộ: Tài nguyên - Môi trường, Tư pháp, Tài chính tăng cường thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định pháp luật về đấu giá đất, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật về đấu giá, trục lợi trong đấu giá đất; chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước rà soát các tổ chức tín dụng cho các nhà đầu tư vay tiền đấu giá đất để đảm bảo an toàn tín dụng.
Đồng thời, cần nghiên cứu, sửa đổi các quy định của pháp luật hiện hành theo hướng quy định thống nhất hình thức, trình tự, thủ tục trong tổ chức thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất; xác định giá khởi điểm để đấu giá quyền sử dụng đất.
Bộ Xây dựng cũng kiến nghị bổ sung quy định về số tiền đặt trước khi tham gia đấu giá và số tiền đảm bảo thực hiện hợp đồng khi trúng đấu giá, đồng thời quy định rõ thời hạn người, tổ chức trúng đấu giá phải nộp đủ số tiền trúng đấu giá để hạn chế tình trạng lợi dụng đấu giá đất để đầu cơ, "thổi giá" đất.
Trước đó, vụ trúng đấu giá 4 lô đất vàng Thủ Thiêm cao bất thường, gấp nhiều lần giá khởi điểm đã khiến dư luận ồn ào về các dấu hiệu trục lợi trong đấu giá quyền sử dụng đất.
Đến nay, đã có 2 doanh nghiệp là Công ty TNHH Đầu tư bất động sản Ngôi Sao Việt trúng đấu giá lô đất 3-12 (giá trúng đấu giá 24.500 tỉ đồng), và Công ty TNHH Đầu tư phát triển thương mại Bình Minh trúng đấu giá lô đất 3-9 (giá trúng đấu giá 5.026 tỉ đồng) đã chấp nhận bỏ cọc, hủy hợp đồng mua đất.
Với hai doanh nghiệp còn lại là Công ty cổ phần Dream Republic trúng đấu giá lô đất số 3-5 và Công ty cổ phần Sheen Mega trúng đấu giá lô đất số 3-8, cho đến chiều 8.2, hệ thống của Cục Thuế TP.HCM vẫn chưa thấy tiền vào tài khoản dù đã quá 3 ngày so với thời hạn nộp tiền đợt 1.
Trước đó, ngày 21.12, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành công điện về tình hình thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất trong thời gian qua; trong đó chỉ đạo các bộ ngành, địa phương thực hiện các giải pháp để công tác quản lý đất đai, bất động sản, nhà ở trong thời gian tới, đảm bảo phù hợp, đúng quy định pháp luật.
Trao đổi với phóng viên về vấn đề này trước đó, PGS-TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) cho biết việc bỏ giá cao làm mặt bằng giá đất khu vực Thủ Thiêm và các địa phương lân cận bị đẩy lên cao, kéo theo sự tăng giá cho cả nền kinh tế.
“Khi giá đất bị đẩy lên quá cao nhưng thị trường bất động sản lại rơi vào trầm lắng vì người bán chưa muốn bán bởi sợ hớ, người mua thấy giá cao không dám mua, thì lượng giao dịch thực tế thấp”, ông Thịnh nói và cho biết một hệ lụy khác là người có nhu cầu ở thật không mua được nhà do giá cao, nhất là những người lao động thu nhập thấp.
Lam Thanh
Đấu giá đất Thủ Thiêm là điển hình của việc làm nhiễu loạn thị trường
Ngày 4.1.2022, tiếp tục chương trình kỳ họp bất thường lần thứ nhất, Quốc hội thảo luận tại tổ dự thảo Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Tham gia thảo luận, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết phát hành trái phiếu doanh nghiệp trong năm 2021 có sự tăng trưởng mạnh mẽ. Trong phát hành trái phiếu doanh nghiệp, Bộ trưởng cho biết có lỗ hổng, hiện Bộ Tài chính đã đề xuất Thủ tướng Chính phủ sửa đổi Nghị định 153 về phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ để "bịt" các lỗ hổng, theo hướng tăng điều kiện trong phát hành trái phiếu doanh nghiệp.
"Đối với những doanh nghiệp thua lỗ, nợ xấu, không đủ điều kiện mà phát hành trái phiếu doanh nghiệp thì sẽ làm nhiễu loạn thị trường, chiếm dụng vốn của các nhà đầu tư. Vấn đề này chúng tôi đã cảnh báo nhiều lần trên các phương tiện thông tin đại chúng, tăng cường công tác kiểm tra. Có những ngày chúng tôi chuyển hai vụ việc cho cơ quan điều tra. Có những trường hợp, vốn vay lớn gấp nhiều lần vốn chủ sở hữu nhưng vẫn phát hành trái phiếu doanh nghiệp để huy động tiền, rồi lấy tiền đó đi buôn bán bất động sản. Như vụ việc đấu giá đất ở Thủ Thiêm là điển hình của việc làm nhiễu loạn thị trường"- Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nhấn mạnh.
Trao đổi thêm với báo chí bên hành lang Quốc hội ngày 4.1 về việc đấu giá đất tại Thủ Thiêm lên tới 2,4 tỉ đồng/m2, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc nhận định “là không phù hợp, giá không thực”.
Theo Bộ trưởng, so sánh cũng tại TP.HCM, đường Nguyễn Huệ cũng chỉ có giá trung bình 1,5 tỉ đồng/m2. “Cần xem các nhà đầu tư có thực hiện đúng theo cam kết trúng giá hay không, hay bỏ cọc. Bộ Tài chính chỉ kiểm tra những doanh nghiệp này trên thị trường chứng khoán, còn quản lý nhà nước về đất đai là Bộ Tài nguyên Môi trường, kể cả vấn đề giá đất. Nhưng chưa thể công khai được”- Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nhấn mạnh.
Trước đó, như đã đưa tin, ngày 10.12, TP.HCM đã tổ chức bán đấu giá thành công 4 lô đất rộng khoảng hơn 30.000 m2 thuộc khu chức năng số 3 khu dân cư phía bắc, Khu đô thị mới Thủ Thiêm với mức giá 37.350 tỉ đồng, cao gấp nhiều lần giá khởi điểm. Đây là mức giá cao kỷ lục tại thị trường bất động sản Việt Nam.
Link nội dung: https://biztoday.vn/bo-xay-dung-kien-nghi-thu-tuong-xu-ly-nghiem-vi-pham-dau-gia-dat-255181.html