Thiếu xăng hay găm hàng?

Tình trạng một số cửa hàng bán lẻ xăng dầu treo biển hết hàng hoặc đóng cửa trong vài ngày qua gây ra những khó khăn, bất tiện cho người dân.

Đáng quan tâm hơn khi xăng dầu là mặt hàng thiết yếu, sự biến động về cung cầu, giá cả của nhiên liệu này có thể gây tác động lớn đến kinh tế-xã hội.

Lý do chính được các đơn vị bán lẻ xăng dầu đưa ra khi tạm đóng cửa là vì không đủ nguồn cung và tỷ lệ chiết khấu nhận được quá thấp khiến càng hoạt động, càng thua lỗ. Tuy nhiên, các đầu mối cung ứng xăng dầu lớn đều khẳng định luôn bảo đảm nguồn cung cho thị trường, đồng thời, sẵn sàng lượng nhiên liệu dự trữ để phục vụ nhu cầu người dân và sản xuất, kinh doanh. Việc hoạt động bán lẻ xăng dầu ngừng trệ ở một số nơi tuy chỉ là cục bộ nhưng cần được xử lý triệt để, tránh tạo hiệu ứng tâm lý lên thị trường, gây hoang mang, lo lắng cho người dân.

Bên cạnh đó, cần lưu ý đến hiện tượng cố tình găm hàng chờ tăng giá, nhất là khi thị trường thế giới ghi nhận những biến động mạnh về giá cả mặt hàng này và kỳ điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu trong nước đang đến gần.

Trước biến động tăng nhanh của giá xăng dầu thế giới cũng như khả năng đáp ứng nguồn cung trong nước đang dần hồi phục, nhiều khả năng trong kỳ điều hành giá xăng dầu vào ngày 11-2 tới đây, mặt hàng này sẽ tiếp tục được điều chỉnh tăng. Ảnh minh họa: petrolimex

Một trong những yêu cầu hàng đầu đối với công tác quản lý lĩnh vực kinh doanh xăng dầu là không để đứt gãy chuỗi cung ứng và tránh việc giá cả tăng đột ngột, gây tác động dây chuyền đến đời sống xã hội. Với hệ thống quy định pháp luật, cơ chế, chính sách hiện nay, chúng ta có đầy đủ công cụ để bình ổn thị trường.

Điều quan trọng hơn là sự vào cuộc nhanh chóng, hiệu quả của cơ quan chức năng, tránh để "đốm lửa nhỏ" lan thành "đám cháy lớn". Công tác kiểm tra, giám sát cần được thực hiện thường xuyên, liên tục, chú trọng đi sâu vào thực tế, tăng cường kiểm tra đột xuất. Qua đó, khi có đủ cơ sở khẳng định được hành vi găm hàng, gây khan hiếm nguồn cung, cần xử lý nghiêm minh, tăng tính răn đe và không tái diễn trong tương lai.

Bên cạnh đó, những thông tin từ thực tiễn cần được ghi nhận công tâm, khách quan, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, nhất là về bảo đảm các yếu tố đầu vào, cân đối chi phí hoạt động, giúp các đơn vị bán lẻ xăng dầu có điều kiện nâng cao chất lượng dịch vụ, phục vụ tốt hơn nhu cầu của người dân.

Để giải tỏa áp lực tâm lý cho thị trường xăng dầu, thông tin về tình hình cung ứng, giá cả cần được cập nhật nhanh chóng, kịp thời hơn nữa, luôn bảo đảm công khai, minh bạch, từ đó có định hướng đúng cho dư luận xã hội.

Đơn cử như những thông tin về việc Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn, nơi cung cấp khoảng 30-35% xăng dầu cả nước, phải giảm công suất do khó khăn về tài chính, gây lo ngại về việc thiếu hụt nguồn cung. Đến nay, lãnh đạo Bộ Công Thương khẳng định, những vướng mắc của nhà máy này đã được tháo gỡ. Nhà máy đã nâng công suất và tiến tới khôi phục sản xuất bình thường. Đây là cơ sở để ổn định thị trường, ngăn chặn tình trạng đầu cơ, trục lợi.

Từ góc độ vĩ mô, an ninh năng lượng là yếu tố sống còn đối với sự phát triển của mỗi quốc gia. Hiện nay, nước ta đã bảo đảm được khoảng 75% nhu cầu thị trường từ nguồn cung trong nước, nhập khẩu khoảng 25%.

Việt Nam đã dành nhiều nguồn lực đầu tư cho ngành công nghiệp dầu khí và hình thành nhiều trung tâm lọc dầu, hóa dầu quy mô lớn. Việc duy trì hoạt động ổn định, bền vững của các nhà máy lọc hóa dầu nói riêng và phát triển của ngành công nghiệp dầu khí nói chung là nền tảng quan trọng để nước ta bảo đảm an ninh năng lượng, đồng thời, duy trì đà tăng trưởng của nền kinh tế.

Cùng với đó, thị trường xăng dầu trong nước luôn có sự liên kết chặt chẽ với thế giới. Nhận định đúng đắn, chính xác về thị trường năng lượng toàn cầu sẽ giúp chúng ta có những bước đi chủ động, linh hoạt, cân đối giữa sản xuất và nhập khẩu, góp phần giữ vững "mạch máu" xăng dầu của đất nước.

Link nội dung: https://biztoday.vn/thieu-xang-hay-gam-hang-255194.html