Nhận định chứng khoán tuần từ 14-18/2: Dòng tiền quay trở lại, VN-Index bứt phá

Sau 5 phiên tăng điểm liên tiếp, VN-Index đã giảm 5 điểm trong phiên giao dịch cuối tuần với sự dè dặt khi khối lượng giao dịch vốn đã thấp lại còn giảm liên tiếp. Tuy nhiên theo nhận định của công ty chứng khoán, VN-Index có thể sẽ tiếp tục tăng điểm để hướng đến những ngưỡng cao hơn khi mà dòng tiền quay trở lại thị trường.

Tòa soạn xin trích lược một số nhận định của các công ty chứng khoán về diễn biến cho tuần giao dịch từ 14-18/2/2022

Dòng tiền quay trở lại, VN-Index bứt phá

(CTCK Sài Gòn - Hà Nội - SHS)

Thị trường chứng khoán Việt Nam khai xuân Nhâm Dần 2022 khá thành công giống như các năm trước đó (ngoại trừ 2020, thị trưởng giảm do Covid-19). Cổ đông của một số nhóm ngành đã được thị trường "mừng tuổi" như cổ đông thép, hàng không, dầu khí. Điểm chưa được tích cực cho lắm là việc dòng tiền vẫn đang vào thị trường khá yếu.

Tuy nhiên, điều này có thể được cải thiện trong thời gian tới. Trước mắt nhà đầu tư sẽ là khoảng thời gian tương đối tích cực của thị trường nếu nhìn trên góc độ thống kê lịch sử các năm trước đó. Theo thống kê, thị trường đã tăng điểm 5/6 lần trong giai đoạn 2016-2021 vào khoảng 3 tháng sau Tết (chỉ có 2020 là giảm do ảnh hưởng của Covid-19).

SHS nhận định, trong tuần giao dịch tiếp theo của năm mới Nhâm Dần 2022 14/2-18/2, VN-Index có thể sẽ tiếp tục tăng điểm để hướng đến những ngưỡng cao hơn khi mà dòng tiền quay trở lại thị trường tốt hơn so với tuần qua.

Nhà đầu tư tham gia bắt đáy trong các phiên 12/1, 18/1 và 24/1 có thể tiếp tục nắm giữ danh mục hiện tại để tận dụng xu hướng tăng của thị trường.

0042-tuyn-cuyi-cung
Dòng tiền quay trở lại, VN-Index bứt phá

Xu hướng tăng ngắn hạn được giữ vững

CTCK KB Việt Nam (KBSV)

VN-Index tiếp tục trải qua 1 phiên tăng giảm giằng co trong biên độ hẹp nhưng có xu hướng giảm nhẹ về cuối phiên.

Vùng kháng cự 1.51x tiếp tục tạo lực cản trong ngắn hạn và gây ra rủi ro xuất hiện các nhịp rung lắc điều chỉnh. Mặc dù vậy, với diễn biến phân hóa giữa các nhóm và dư địa hồi phục tại nhiều mã dẫn dắt, khả năng rơi vào nhịp giảm mạnh ngay ở vùng điểm hiện tại chưa được đánh giá cao và xu hướng tăng ngắn hạn vẫn đang có nhiều cơ hội được giữ vững.

KBSV khuyến nghị, sau khi chốt lời 1 phần vị thế ngắn hạn tại vùng giá cao, nhà đầu tư có thể linh hoạt trải lệnh mua lại phần trading nếu giá cổ phiếu mục tiêu quay xuống vùng hỗ trợ gần.

Quan tâm nhóm cổ phiếu khu công nghiệp, vật liệu xây dựng, ngân hàng

(CTCK Đông Á - DAS)

Thị trường đang diễn ra sự điều chỉnh tuần tự trên các nhóm ngành, không có diễn biến sốc khi chỉ số chung vẫn chỉ biến động nhẹ. Thanh khoản ở mức trung bình thấp do tâm lý ổn định của nhà đầu tư, không xảy ra bán tháo. Như vậy nhịp điều chỉnh này khá lành mạnh và sẽ sớm kết thúc. Chỉ số VN-Index có thể giao dịch quanh 1.500 +/- 10 điểm để hấp thụ lượng hàng bán ra khi nhà đầu tư cơ cấu danh mục.

Chiến lược khả thi là hướng tới đầu tư trung dài hạn dựa trên danh mục gồm các cổ phiếu có nền tảng cơ bản tốt, kết quả kinh doanh tăng trưởng ổn định sẽ giúp nhà đầu tư thu lợi nhuận khi thị trường quay lại xu hướng tăng.

DAS khuyến nghị, nhà đầu tư có thể tim kiếm cư hội mua trong tuần tới trong những nhịp điều chỉnh nhẹ của thị trường chung, quan tâm nhóm cổ phiếu khu công nghiệp, vật liệu xây dung và nhóm cổ phiếu ngân hàng.

VN-Index sẽ tích lũy quanh 1.500 điểm với biên độ +/-10

(CTCK Vietcombank - VCBS)

Thị trường đã có một tuần giao dịch sau kỳ nghỉ Tết đầy hứng khởi với việc chỉ số VN-Index bứt phá mạnh và kết thúc tuần trên mốc 1.500 điểm. Cụ thể, trong hai phiên đầu tiên sau kỳ nghỉ Tết (07-08/02), dòng tiền liên tục đổ vào thị trường khiến chỉ số tăng điểm mạnh và dễ dàng vượt ngưỡng 1.500. Tuy nhiên, trong những phiên giao dịch liền sau (09-11/02) thì lực cung mạnh xuất hiện ở một số cổ phiếu vốn hóa lớn đã khiến VN-Index có thời điểm lùi về sát mốc 1.490 ngay trong phiên.

Mặc dù vậy, tính chung cả tuần thì VN-Index vẫn giữ được trên mốc 1.500 điểm, với mức tăng 22,75 điểm (+1,54% so với tuần trước) và đạt mức 1.501,71, trong khi HNX Index ghi nhận mức tăng 2,44% so với tuần trước và dừng tại mức 426,89. Thanh khoản giao dịch khớp lệnh vẫn được duy trì ở mức cao, tuy nhiên nhìn chung mức tăng vẫn chưa có dấu hiệu đột biến.

Trong ngắn hạn, chỉ số sẽ phản ánh kỳ vọng của nhà đầu tư và số liệu kết quả kinh doanh quý 4 và cả năm 2021 của các doanh nghiệp được công bố. Chúng tôi nhận định chỉ số chung sẽ tiếp tục xu hướng dao động tích lũy quanh mốc 1.500 với biên độ khoảng +/-10 điểm trong tuần tới.

VN-Index tích lũy quanh vùng 1.485-1.509 điểm

(CTCK BIDV – BSC)

Đóng cửa phiên giao dịch cuối tuần (11/2), chỉ số VN-Index giảm 5,85 điểm (0,29%) còn 1.500,94 điểm, HNX-Index giảm 1,5 điểm (0,35%) còn 426,73 điểm, UPCOM-Index giảm 0,1 điểm (0,09%) còn 112,54 điểm.

Kéo chỉ số tăng điểm phiên hôm nay gồm có: TPB (+0,69), SAB (+0,43), GVR (+0,36), LPB (+0,30), STB (+0,27)… Ngược lại, kéo chỉ số giảm điểm bao gồm: VIC (-2,17), VCB (-1,53), VRE (-0,78), BID (-0,63), GAS (-0,48)…

 

Giá trị khớp lệnh của VN-Index đạt 18.061 tỷ đồng, giảm -10,21% so với phiên trước. Tổng giá trị giao dịch đạt mức 21.609 tỷ đồng. Biên độ dao động là 9,48 điểm. Thị trường có 211 mã tăng, 58 mã tham chiếu và 226 mã giảm. Giá trị bán ròng của khối ngoại: -531.72 tỷ đồng trên sàn HOSE, gồm VIC (-268,60 tỷ), KBC (-52,78 tỷ), VND (-42,11 tỷ). Khối ngoại bán ròng trên sàn HNX với giá trị -15,34 tỷ đồng.

BSC nhận định, VN-Index nhiều khả năng sẽ tích lũy trong khu vực 1.485-1.509 điểm trong những phiên tới.

Hạn chế chiến lược lướt sóng

(CTCK MB - MBS)

Thị trường giằng co ở mốc 1.500 điểm và tăng 1,54% trong tuần đầu tiên sau kỳ nghỉ lễ Tết Nguyên Đán. Áp lực bán từ nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn chưa làm ảnh hưởng đến xu hướng phục hồi của chỉ số VN-Index hướng về đỉnh cũ 1.530 điểm. Thanh khoản khớp lệnh bình quân trên sàn HSX tuần này tương đương với tuần trước tết, trong khi thị trường chỉ đi ngang và dao động trong biên độ hẹp khiến dòng tiền dịch chuyển sang nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ.

Với diễn biến của thị trường đang đi ngang như hiện tại, nhà đầu tư nên hạn chế chiến lược lướt sóng, các phiên điều chỉnh vẫn là cơ hội để cơ cấu danh mục và tăng tỷ trọng ở nhóm cổ phiếu ngân hàng, chứng khoán, dầu khí, nhóm cổ phiếu được hưởng lợi từ đầu tư công,…

Áp lực bán luôn hiện hữu

(CTCK Asean - Aseansc)

Thị trường hôm nay ghi nhận phiên điều chỉnh đầu tiên sau 5 phiên tăng điểm liên tiếp, trong bối cảnh thanh khoản giảm nhẹ và thấp hơn trung bình 20 phiên. Sự thận trọng bao trùm thị trường sau những lo ngại về việc FED sẽ tăng lãi suất “quyết liệt” hơn dự báo trước đó. Chúng tôi cho rằng xu hướng hiện tại của thị trường vẫn chưa thực sự rõ ràng, do đó sự thận trọng là cần thiết trong giai đoạn này.

Dự báo trong phiên giao dịch tới, áp lực bán tại vùng kháng cự gần 1.505 – 1.510 điểm có thể khiến chỉ số VN-Index quay đầu giảm điểm trong phiên sáng để kiểm tra vùng hỗ trợ gần 1.495 – 1.500 điểm, và xa hơn là vùng hỗ trợ 1.485 – 1.490 điểm. Sự giằng co được kỳ vọng sẽ xuất hiện ở vùng giá thấp và có thể giúp chỉ số có sự hồi phục nhất định sau đó, trước khi có sự phân định xu hướng rõ ràng hơn về cuối ngày.

Những nhận định của các công ty chứng khoán là nguồn thông tin tham khảo, các công ty chứng khoán đều có khuyến cáo miễn trách nhiệm đối với những nhận định trên.



 

 

Link nội dung: https://biztoday.vn/nhan-dinh-chung-khoan-tuan-tu-14-182-dong-tien-quay-tro-lai-vn-index-but-pha-255974.html