Thế hệ giận dữ ở Hàn Quốc

Cơn khát hàng hiệu hay làn sóng phản đối nữ quyền trong giới trẻ Hàn Quốc đều bắt nguồn từ các vấn đề xã hội như tình trạng thất nghiệp, giá nhà đất tăng cao.

"Thế hệ MZ" Hàn Quốc, thuật ngữ bao gồm thế hệ Millennials và Gen Z (những người sinh từ những năm 1980 đến những năm 2010), trở thành tâm điểm trên báo chí quốc tế thời gian gần đây, theo The Star.

Bloomberg đưa tin về những người trẻ ở độ tuổi 20-30 dựng lều, xếp hàng dài lúc 5h để mua hàng hiệu tại một trung tâm thương mại.

Còn bài viết The new political cry in South Korea: 'Out with men haters' của The New York Times đề cập đến một khía cạnh khác: Sự thù ghét của thanh niên xứ kim chi với phong trào nữ quyền.

Trong mắt báo chí nước ngoài, những hành vi này của thế hệ trẻ Hàn Quốc quá mức kỳ quặc. Tuy nhiên, bỏ qua bề nổi của vấn đề, những lý do sâu xa có thể dễ hiểu hơn nhiều.

Người Hàn xếp hàng 14 tiếng giữa mùa đông để mua túi Chanel. Ảnh: Bloomberg.

Thế hệ bỏ cuộc

Nhiều người Hàn sinh từ đầu những năm 1980 đến đầu những năm 2000 không thể tìm được công việc tử tế. Thực tế khắc nghiệt này đã khiến họ vỡ mộng, thất vọng và trút giận lên xã hội.

Tình trạng thất nghiệp còn khiến không ít người phải từ bỏ những điều quan trọng trong cuộc sống, chẳng hạn như kết hôn, sinh con, mua nhà.

Trong khi các nhà bình luận gọi đây là "thế hệ giận dữ", nhiều người trẻ Hàn Quốc tự nhận mình là "thế hệ bỏ cuộc".

Vì không thể mua được nhà do giá bất động sản tăng vọt, thế hệ MZ tìm kiếm niềm vui từ xe hơi sang trọng, quần áo từ các thương hiệu xa xỉ.

Nhà phê bình xã hội Kim Seong Kon, giáo sư tại Đại học Quốc gia Seoul (Hàn Quốc) và Đại học Dartmouth (Mỹ), nhận định: "Không có gì lạ khi những người trẻ này sẵn sàng đứng xếp hàng dài từ sáng sớm để mua những món đồ xa xỉ hoặc lái thử một chiếc Mercedes, BMW.

Bề ngoài, thái độ của họ trông thật hợm hĩnh, nhưng sâu bên trong, vì buồn bã và tức giận, họ mới tiêu tiền một cách liều lĩnh và ngông cuồng như vậy".

Cuộc biểu tình chống nữ quyền ở Seoul vào cuối năm 2021. Ảnh: The New York Times.

Thái độ chống nữ quyền của giới trẻ Hàn Quốc xuất phát từ nhiều nguyên nhân.

Nhiều người tin rằng nữ quyền thuộc về thế hệ cũ, những người phân biệt đối xử với phụ nữ trong một xã hội nam trị.

"Nam giới trẻ tuổi ngày nay cũng khẳng định xã hội Hàn Quốc không còn sự phân biệt đối xử với phụ nữ nên thật không công bằng nếu dành lợi thế cho nữ giới. Hơn nữa, họ tức giận vì cho rằng phụ nữ lấy đi công việc tiềm năng, trong khi nam giới gặp bất lợi vì phải thực hiện nghĩa vụ quân sự bắt buộc", ông Kim nói.

Ngược lại, phụ nữ trẻ Hàn Quốc cho rằng bất bình đẳng giới vẫn còn tồn tại, chênh lệch về lương là minh chứng rõ ràng nhất. Hàn Quốc có mức độ chênh lệch lương theo giới cao nhất trong số các nước OECD.

Dễ tổn thương

Bất chấp những quan điểm khác biệt về bình đẳng giới, cả đàn ông và phụ nữ thuộc thế hệ MZ tại Hàn đều đồng ý rằng chính phủ đã thất bại trong việc cung cấp cho họ cuộc sống hạnh phúc và an toàn, theo giáo sư Kim Seong Kon.

"Giới trẻ xứ kim chi tự tin và tự hào vì được sống trong một đất nước tiên tiến, nhưng có nhiều mâu thuẫn với thế hệ cũ, những người có quan điểm cứng nhắc hơn".

Nhiều người trẻ ở Hàn Quốc không đủ khả năng tự mua nhà. Ảnh: Ahn Young-joon/AP.

Ở một vài khía cạnh, thế hệ MZ của Hàn Quốc có nhiều nét giống với "Soft Generation" của Mỹ những năm 1960.

Các bậc cha mẹ Mỹ trải qua cuộc đại suy thoái vào những năm 1930 đã nuôi dạy con cái theo cách bao bọc, che chở quá mức. Điều này khiến những đứa trẻ dễ bị tổn thương bởi nghịch cảnh khi trưởng thành.

Cha mẹ của thế hệ MZ ở Hàn, những người đã trải qua cuộc khủng hoảng tài chính IMF (Quỹ Tiền tệ Quốc tế) vào năm 1997, cũng nuôi dạy con cái theo cách tương tự.

Vì vậy, thế hệ MZ vừa ích kỷ nhưng cũng đồng thời coi trọng sự tự do, công bằng và đề cao quyền cá nhân. Họ ghét những áp đặt theo định hướng nhóm, cộng đồng của thế hệ đi trước.

Link nội dung: https://biztoday.vn/the-he-gian-du-o-han-quoc-258022.html