Nhân dân tệ đạt đỉnh 4 năm, vàng và Bitcoin cùng lao dốc

Bitcoin giảm giá mạnh trong phiên cuối truần, xuống dưới 40.000 USD, vàng mất cũng mốc 1.900 USD, trái lại nhân dân tệ vọt lên mức cao nhất 4 năm. Thị trường tiền – vàng tiếp tục dõi theo tình hình Nga – Ukraina.

Trong phiên cuối tuần, đồng USD tăng sau những thông tin trái chiều xung quanh vấn đề Ukraina.

Theo đó, Dollar index – so sánh USD với rổ các đồng tiền đối tác chủ chốt – tăng 0,3% so với phiên liền trước, lên 96,612.

Yen Nhật – loại tiền ‘trú ẩn an toàn’ – phiên này biến động mạnh, tăng vào đầu phiên sau khi Tổng thống Mỹ, Joe Biden, cho rằng vụ nổ súng giữa quân đội Ukraina và lực lượng ly khai Ukraina cho thấy Moscow đang viện cớ để biện minh cho một cuộc tấn công có thể xảy ra vào Ukraine. Tuy nhiên, sau đó yen giảm trở lại, giảm 0,2% so với USD xuống 115,115 JPY, do có tin Ngoại trưởng Mỹ, Antony Blinken, đã nhận lời mời gặp Ngoại trưởng Nga, Sergei Lavrov, vào cuối tuần tới, giúp các nhà đầu tư giảm bớt lo ngại. Mặc dù vậy, tính chung cả tuần, yen vẫn tăng 0,4% so với USD. So với franc Thụy Sỹ, USD trong phiên này cũng tăng 0,2% lên 0,9214 CHF.

Edward Moya, nhà phân tích thị trường cấp cao của công ty dịch vụ môi giới tài chính OANDA (Mỹ) cho biết: "Mọi người đều đang dõi theo những gì đang xảy ra ở Ukraina". Theo ông: "Các hoạt động giao dịch đều đang có tính tới sự an toàn, và đó là yếu tố hỗ trợ đắc lực cho đồng yen Nhật. Mặc dù đồng yen hôm nay giảm nhẹ, song mối quan tâm chung của mọi người là bắt đầu bước vào kỳ nghỉ cuối tuần, khi có thể sẽ có nhiều thông tin mới về tình hình Nga – Ukraina, có thể là những lời hùng biện từ phía Nga".

Trong suốt tuần qua, nhà đầu tư hết sức lo ngại về một loạt những diễn biến liên quan đến cuộc khủng hoảng Nga – Ukraina, khiến việc lựa chọn tài sản đầu tư trở nên rất khó khăn.

Hôm 18/2, phe ly khai ở Ukraina cho biết họ có kế hoạch di tản cư dân ở vùng ly khai sang Nga. Trong khi đó, Ngoại trưởng Mỹ cho rằng các sự kiện diễn ra ở khu vực biên giới giữa 2 nước trong 2 ngày qua là một phần trong kịch bản do Nga tạo ra, ý nói rằng đó là sự khiêu khích.

Đồng rúp Nga phiên cuối tuần giảm 0,88% so với đồng bạc xanh, xuống 77,08 RUB/USD.

Đồng euro phiên này cũng giảm 0,3% so với đồng USD, xuống 1,1328 USD.

Đồng bảng Anh vững trong phiên cuối tuần, tính chung cả tuần tăng tuần thứ 3 liên tiếp do doanh số bán lẻ ở Anh cao hơn mức kỳ vọng, tăng 1,9% trong tháng 1/2022, vượt xa mức dự báo là tăng 1,2%, do người tiêu dùng quay trở lại

So với euro, bảng Anh vững ở mức 83,39 pence; so với USD, bảng Anh cũng vững ở mức 1,36035 USD.

Tỷ giá các đồng tiền chủ chốt.

Tiền tệ Châu Á đồng loạt tăng giá trong phiên cuối tuần, trong đó, đáng chú ý nhất là nhân dân tệ đạt mức cao nhất kể từ năm 2018 sau khi các cuộc đàm phán giữa Nga và Mỹ về vấn đề Ukraina thúc đẩy các nhà đầu tư quay trở lại với tài sản rủi ro. Những thông tin về các biện pháp thúc đẩy lĩnh vực bất động sản của Trung Quốc cũng góp phần thúc đẩy đồng nhân dân tệ mạnh lên.

Theo đó, nhân dân tệ giao dịch trên thị trường quốc tế phiên 18/2 tăng 0,3% lên 6,3182 CNY/USD, cao nhất kể từ tháng 5/2018, tính từ đầu năm đến nay đã twang 0,6%, bất chấp việc lợi thế về chênh lệch lãi suất giữa Trung Quốc và Mỹ đang bị thu hẹp dần do sự khác biệt về chính sách tiền tệ.

Trên thị trường nội địa Trung Quốc, nhân dân tệ phiên này cũng tăng 0,2% lên 6,3247 CNY, cao nhất kể từ 26/1.

Nhân dân tệ cao nhất trong vòng 4 năm.

Đồng Bitcoin giảm giá mạnh trong phiên vừa qua, phá đáy 40.000 USD, có lúc xuống chỉ 39.500 USD sau khi các quan chức Mỹ cho rằng Nga đang viện cớ để tấn công Ukraina.

Không chỉ Bitcoin, các tiền điện tử khác như Ethereum, Avalanche, XRP, Terra… cũng giảm mạnh. Đáng chú ý, ở nhóm 10 đồng tiền mã hóa lớn nhất, Solana, Cardano là những altcoin có mức giảm trên 10% trong 7 ngày qua.

Sau vụ nổ sung giữa 2 phe của Ukraina, thị trường dấy lên lo ngại về một cuộc chiến tranh có thể xảy ra ở khu vực này. Căng thẳng gia tăng sau khi Điện Kremlin đã trục xuất một nhà ngoại giao cấp cao của Mỹ.

Chris Weston, người phụ trách bộ phận nghiên cứu của công ty môi giới Pepperstone, trụ sở tại Melbourne, cho biết: "Thị trường tiền điện tử đã một lần nữa cho chúng ta thấy rằng đó là một loại tài sản có độ rủi ro quá cao và có một vẻ ngoài ‘nham hiểm đen tối’ có thể biến thành một thứ gì đó xấu xí".

Đồng Bitcoin và đa số các đồng tiền mã hóa khác gần đây giảm liên tiếp sau khi Bộ Lao động Mỹ công bố lạm phát ở nước này đang ở mức cao nhất 40 năm qua.

Sự mất giá mạnh của Bitcoin và nhiều đồng tiền kỹ thuật số quan trọng khác đã khiến tổng giá trị vốn hóa của thị trường tiền kỹ thuật số giảm sâu, mất khoảng 7% trong ngày 18/2 so với ngày trước đó, xuống chỉ hơn 1.932 tỷ USD.

Giá Bitcoin ngày 18/2.

Giá vàng cũng quay đầu giảm khỏi ngưỡng quan trọng 1.900 USD do thị trường kỳ vọng vào cuộc đàm phán giữa Mỹ và Nga. Theo đó, vàng giao ngay kết thúc ngày 18/2 theo giờ Việt Nam giảm nhẹ 0,1% xuống 1.895,91 USD/ounce, vàng kỳ hạn tháng 4/2022 giảm 0,2% xuống 1.898,40 USD/ounce.

Chiến lược gia thị trường cấp cao Bob Haberkorn của RJO Futures cho biết: "Diễn biến mới nhất xung quanh tình hình Nga - Ukraine là tích cực và điều đó khiến giá vàng giảm nhẹ".

Mặc dù giảm ở phiên này, song lo ngại kéo dài về tình hình ở Ukraina đã khiến giá vàng tuần này tăng tuần thứ 3 liên tiếp, với mức tăng khoảng 1,9%, có lúc giá đạt tới 1.902,22 USD.

Fawad Razaqzada, nhà phân tích của ThinkMarkets, cho biết: "Các nhà đầu tư đang tìm kiếm sự bảo vệ bằng các tài sản trú ẩn như vàng không chỉ vì tình hình Ukraine và thị trường chứng khoán biến động mạnh mà còn do áp lực lạm phát gia tăng".

Link nội dung: https://biztoday.vn/nhan-dan-te-dat-dinh-4-nam-vang-va-bitcoin-cung-lao-doc-260150.html