Việt Nam đang ở giai đoạn phục hồi ban đầu trong chu kỳ kinh tế. |
Chứng khoán BIDV (BSC) đưa ra phân tích về tác động của kinh tế vĩ mô đến thị trường chứng khoán với 5 chu kỳ cụ thể:
1. Chu kỳ phục hồi ban đầu: Đây là giai đoạn giảm lạm phát, kích thích kinh tế khiến lãi suất ngắn hạn thấp hoặc giảm, lãi suất dài hạn chạm đáy và đỉnh của giá trái phiếu cùng với đó giá cổ phiếu sẽ bắt đầu tăng.
2. Chu kỳ tiềm năng tăng trưởng: Theo BSC, lạm phát thấp, tăng trưởng kinh tế tốt cùng chính sách giảm kích thích sẽ khiến lãi suất ngắn hạn tăng, lãi suất dài hạn chạm đáy hoặc tăng và giá trái phiếu giảm. Từ đó, giá cổ phiếu sẽ tăng.
3. Chu kỳ hậu tăng trưởng: Ở chu kỳ này, lạm phát tăng và bắt đầu thắt chặt chính sách kinh tế sẽ khiến lãi suất ngắn hạn và dài hạn tăng, giá trái phiếu giảm. BSC nhận định giá cổ phiếu sẽ dao động quanh đỉnh tại thời điểm này.
4. Chu kỳ giảm tốc: Lạm phát tiếp tục tăng và giảm thắt chặt chính sách kinh tế sẽ khiến lãi suất ngắn và dài hạn chạm đỉnh và bắt đầu giảm với giá trái phiếu tăng lại. Giá cổ phiếu theo đó sẽ có xu hướng giảm.
5. Chu kỳ suy thoái kinh tế: Lãi suất ngắn hạn và dài hạn được dự đoán sẽ giảm khi lạm phát chạm đỉnh và việc nới lỏng được đẩy mạnh. Giá cổ phiếu sẽ có dấu hiệu tăng trở lại vào cuối chu kỳ suy thoái.
5 chu kỳ kinh tế. (Nguồn: BSC) |
BSC phân tích, trong giai đoạn năm 2020 - 2021, những yếu tố bất ổn vĩ mô do dịch COVID-19 gây nên như đứt gãy chuỗi sản xuất, hoạt động thương mại đình trệ, làn sóng giải thể từ các doanh nghiệp SME và thất nghiệp tăng cao và cuối cùng là GDP toàn cầu dự kiến tăng trưởng âm làm tác động đáng kể đến việc xác định chu kỳ kinh tế.
Tính đến thời điểm hiện tại, dịch COVID-19 đã có những ảnh hưởng tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế, đặc biệt trong quý II và quý III/2021, tuy nhiên tăng trưởng sản xuất đã dần hồi trong bối cảnh lạm phát hiện tại đang được kiềm chế tốt.
Do đó BSC nhận định rằng mức suy thoái trên đã được giới hạn ở mức thấp, và Chính phủ đang tập trung vào chiến lược phục hồi kinh tế thông qua các gói kích thích kinh tế.
Các chỉ tiêu kinh tế hiện tại của Việt Nam cho thấy chúng ta đang ở trong giai đoạn phục hồi ban đầu, điển hình bởi đa số các dấu hiệu như giá cổ phiếu bắt đầu tăng, lãi suất huy động có xu hướng dài hạn có vẻ chạm đáy và lãi suất ngắn hạn hiện tại đang ở mức nền thấp, chính phủ bắt đầu thực hiện các gói chính sách tài khóa kích thích kinh tế.
Cùng với việc phân tích các chu kỳ kinh tế, BSC cũng nhận định dòng vốn nhà đầu tư cá nhân tiếp tục là nhân tố dẫn dắt thị trường chứng khoán Việt Nam tiếp tục đi lên trong năm 2022.
Cụ thể, BSC cho rằng xu hướng trên vẫn tiếp tục diễn ra trong giai đoạn trung và dài hạn và tiềm năng từ thị trường vẫn còn rất lớn, xu hướng chuyển dịch đầu tư sang thị trường chứng khoán chỉ mới ở giai đoạn khởi trào. Điều này đã từng xảy ra tại nền kinh tế con hổ Châu Á khác cách đấy 20-30 năm khi thu nhập GDP đầu người tiệm cận ngưỡng 4.000 USD.
Tuy nhiên, công ty chứng khoán này cho rằng chu kỳ "tiền rẻ" có vẻ đã kết thúc, môi trường lãi suất có thể duy trì ở mức thấp và sau đó sẽ nhích dần lên dưới áp lực của 3 lần tăng lãi suất dự kiến của FED.
Ngoài ra, tăng trưởng lợi nhuận sau thuế của các doanh nghiệp BSC đang theo dõi ước tính tăng 21% so với cùng kỳ sẽ là động lực thúc đẩy thị trường chứng khoán chinh phục các cột mốc mới. Do đó, BSC dự báo VN-Index theo kịch bản tích cực sẽ đạt 1.782 điểm vào cuối năm 2022.
Kịch bản và tiềm năng tăng trưởng trong năm 2022. |
Về tiềm năng tăng trưởng dài hạn, BSC dự báo thị trường Việt Nam vẫn đang được định giá tương đối hấp dẫn so với tương quan giữa hiệu suất hoạt động ở mức cao nhất khu vực (ROE =16%) và khả năng tăng trưởng lợi nhuận chung của ngành khi so với các quốc gia trong cùng khu vực.
Ngoài ra, với những yếu tố khác như (1) Lợi nhuận các nhóm ngành dự kiến hồi phục khả quan, (2) Nền tảng vĩ mô ổn định và (3) Khả năng nâng hạng thị trường lên Emerging Markets, BSC cho rằng dư địa tăng trưởng của thị trường Việt Nam vẫn còn rất lớn.
Link nội dung: https://biztoday.vn/viet-nam-dang-o-giai-doan-phuc-hoi-ban-dau-trong-chu-ky-kinh-te-vn-index-huong-den-1782-diem-nam-2022-260380.html