Chao đảo cùng thế giới, cổ phiếu dầu khí cũng bất lực

Sự leo thang bất ngờ trong căng thẳng Nga – Ukraine đã tạo áp lực đột biến lên thị trường chứng khoán toàn cầu. Chứng khoán châu Á đỏ rực trong khi gần hết phiên châu Á các chỉ số tương lai của Mỹ cũng đồng loạt giảm mạnh. Trong nước lực bán chưa tới mức hoảng loạn, nhưng dòng tiền co lại phòng thủ khiến sức cầu suy yếu...

Gần như toàn bộ nhóm vốn hóa lớn nhất sàn HoSE đều đỏ rực, tạo áp lực cực lớn lên VN-Index sáng nay.
Gần như toàn bộ nhóm vốn hóa lớn nhất sàn HoSE đều đỏ rực, tạo áp lực cực lớn lên VN-Index sáng nay.

Sự leo thang bất ngờ trong căng thẳng Nga – Ukraine đã tạo áp lực đột biến lên thị trường chứng khoán toàn cầu. Chứng khoán châu Á đỏ rực trong khi gần hết phiên châu Á các chỉ số tương lai của Mỹ cũng đồng loạt giảm mạnh. Trong nước lực bán chưa tới mức hoảng loạn, nhưng dòng tiền co lại phòng thủ khiến sức cầu suy yếu.

Giá dầu tăng bùng nổ là yếu tố duy nhất hỗ trợ thị trường sáng nay, nhưng ngay cả nhóm cổ phiếu dầu khí cũng không thể thay đổi cục diện được, thậm chí cũng chịu áp lực bán khá mạnh.

GAS tăng 0,69% thời điểm chốt phiên sáng có thể xem là một thất bại. Lúc 10h30 GAS còn tăng tới 2,33% so với tham chiếu, nhưng sau đó tụt xuống khá nhanh. Nhóm dầu khí nhỏ có vẻ tích cực hơn: PLX tăng 4,01%, PVD tăng 2,4%, PVS tăng 2,75%, PVC tăng 5,26%, OIL tăng 2,19%, BSR tăng 1,14%, PCG tăng 5,43%, PGC tăng 1,72%, POV tăng 4,48%, PSH tăng 7%, ASP tăng 6,98%...

Dĩ nhiên nhóm dầu khí chưa bao giờ được xem là có khả năng dẫn dắt, mà hầu như chỉ nhờ vào biến động giá của GAS, PLX là hai cổ phiếu vốn hóa lớn nhất. GAS suy yếu là thiệt thòi lớn cho VN-Index sáng nay vì ngoài dầu khí, không còn nhóm nào có khả năng tăng được trước áp lực chung.

Độ rộng rổ Vn30 cuối phiên sáng ghi nhận 6 mã tăng/24 mã giảm và chỉ số đại diện giảm 1,07%. Số tăng, ngoài GAS, PLX, có thêm VRE tăng 0,29%, MBB tăng 1,53%, PNJ tăng 2,82%, TPB tăng 0,24%.

Phía giảm có quá nhiều cổ phiếu lớn, trong đó 19/24 mã giảm trên 1%. VCB giảm 1,6%, VHM giảm 1,5%, VIC giảm 1,44%, HPG giảm 1,5% đang là những cổ phiếu khiến VN-Index mất điểm nhiều nhất.

Ảnh hưởng tâm lý từ thị trường quốc tế tác động rất sớm đến thị trường trong nước. VN-Index bốc hơi gần 17 điểm ngay những phút đầu tiên khi bước vào đợt khớp lệnh liên tục. Chỉ số sau đó có hồi lên nhẹ, nhưng rồi lại trượt sâu hơn và tạo đáy buổi sáng lúc gần 11h, giảm xấp xỉ 21 điểm tương đương 1,38%. Kết phiên sáng chỉ số giảm 1,23% với -18,61 điểm.

VN-Index không có nhóm cổ phiếu nào đủ mạnh để giữ nhịp.
VN-Index không có nhóm cổ phiếu nào đủ mạnh để giữ nhịp.

Những nỗ lực bắt đáy không đủ mạnh để tạo sự phân hóa về giá. Thời điểm thị trường hồi lên tốt nhất, VN-Index thu hẹp mức giảm lại còn -7 điểm khoảng 10h30, thì độ rộng cũng chỉ là 127 mã tăng/313 mã giảm. Cuối phiên sáng độ rộng lại chỉ còn 97 mã tăng/361 mã giảm, trong đó 150 mã giảm trên 2% và hơn 70 mã khác giảm trên 1%. Midcap hiện đang giảm 1,99%, Smallcap giảm 1,58%.

Điểm có thể xem là tích cực, là hoạt động bán tháo chưa đủ mạnh để tạo nên sự hoảng loạn. Duy nhất DIG đang giảm sàn trên HoSE. Với biên độ sụt giảm tương đối mạnh, lực mua đang cho thấy có tâm lý lùi lại phòng thủ với mức giá rất sâu hoặc dừng mua. Hai sàn niêm yết tăng 23% giá trị khớp lệnh, lên 18.755,5 tỷ đồng sáng nay, là ngưỡng cao nhất 23 phiên.

Khối ngoại cũng không gây áp lực gì rõ rệt trên thị trường, dù đang bán ròng. HoSE mới ghi nhận tổng cộng khoảng 613,3 tỷ đồng bán ra từ khối này, chiếm 3,6% giá trị sàn này. Mức mua vào khoảng 468,6 tỷ đồng, tương đương bán ròng 144,7 tỷ. HNX đang được mua ròng nhẹ 6,6 tỷ và upCOM là +6,9 tỷ.

Bất ngờ là cổ phiếu bị bán ròng nhiều nhất là PLX với -44,5 tỷ đồng. Tuy bị bán khá nhiều nhưng do cầu trong nước vượt trội nên PLX vẫn tăng tốt. Lượng bán của khối ngoại chỉ hơn 17% thanh khoản của PLX. FRT, VCB là hai mã duy nhất còn lại bị bán đáng kể, với -34,7 tỷ và -20,2 tỷ đồng. Phía mua có HPG +31 tỷ, DXG +19,4 tỷ là nhiều nhất.

Link nội dung: https://biztoday.vn/chao-dao-cung-the-gioi-co-phieu-dau-khi-cung-bat-luc-261922.html