Cuộc chiến cho vay tiêu dùng: Lợi nhuận HD Saison vượt mặt FE Credit

FE Credit sau nhiều năm đứng đầu về lợi nhuận thì sau “năm Covid thứ hai” đã ngậm ngùi nhường vị trí đầu bảng cho công ty tài chính khác.

cho-vay-1645932441.jpg

FE Credit ghi nhận lợi nhuận trước thuế cả năm 2021 đạt 610 tỷ đồng

Theo báo cáo của Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank), tổng thu nhập hoạt động của FE Credit trong năm 2021 đạt 15.330 tỷ đồng, giảm gần 12% so với mức thực hiện năm 2020 và giảm 15,5% so với năm 2019, dễ dàng thấy đà xuống dốc trong thu nhập của công ty tài chính này.

Dù chi phí hoạt động giảm 7%, ghi nhận hơn 4.670 tỷ đồng, tỷ lệ chi phí trên tổng thu nhập CIR vẫn ghi nhận tăng từ mức 28,9% (năm 2020) lên 30,5%. Biên lãi thuần giảm xuống còn 21,1%, trong khi năm 2019 là 31,3%, năm 2020 là 27,2%.

Lợi nhuận trước trước thuế cả năm của FE Credit đạt 610 tỷ đồng, khiêm tốn hơn nhiều so với mức lợi nhuận của năm 2019 và năm 2020 lần lượt đạt 4.490 tỷ đồng và 3.710 tỷ đồng. Nguyên nhân chủ yếu do công ty này đã có 2 kỳ liên tiếp là quý III, quý IV/2022 báo lỗ tổng cộng 590 tỷ đồng.

Doanh số giải ngân của FE Credit tăng 6% so với năm 2020 lên mức 67.000 tỷ đồng. Hệ số an toàn vốn CAR đạt mức 17,8%, thấp hơn 1,3 điểm phần trăm so với năm 2020 tuy nhiên vẫn cao hơn 1,9 điểm phần trăm so với năm 2019.

Tính đến cuối năm 2021, dư nợ tín dụng của FE Credit tăng 14,2% so với đầu năm, đạt 75.400 tỷ đồng. Trong đó cho vay khách hàng mới tăng thêm 2.500 tỷ đồng, cho vay khách hàng hiện hữu tăng thêm 6.600 tỷ đồng.

Đáng chú ý, trong năm 2021, FE Credit đã tiếp cận 13 triệu khách hàng, trong đó số lượng khách hàng hoạt động là 5,9 triệu người, số lượng khách hàng thẻ là 600.000 người.

Về cơ cấu vốn, tính đến cuối năm 2021, chiếm 49% là giấy tờ có giá (chứng chỉ tiền gửi, trái phiếu), chiếm 12% là các khoản vay trong nước, chiếm 9% là các khoản vay quốc tế.

Như vậy, cơ cấu vốn của FE Credit đã có sự thay đổi so với thời điểm cuối năm 2020, trong đó giấy tờ có giá tăng tỷ trọng thêm 7%, trong khi đó vay quốc tế giảm từ 14% còn 9%.

Về phía HD Saison, tổng thu nhập hoạt động của công ty tài chính này tăng nhẹ 4,6%. Tỷ lệ chi phí trên tổng thu nhập (CIR) tiếp tục đà giảm từ năm 2016 đến nay, ghi nhận 44%, trong khi năm 2020 là 50,6%; năm 2019 là 51,4%.

Biên lãi thuần NIM của HD Saison tăng nhẹ thêm 0,2 điểm phần trăm lên mức 26,8%, lợi nhuận trước thuế đi ngang, đạt 1.001 tỷ đồng cả năm 2021.

Tính đến cuối năm 2021, tổng tài sản của HD Saison đạt 14.100 tỷ đồng, giảm hơn 12% so với thời điểm đầu năm. Dư nợ tín dụng đạt hơn 13.376 tỷ đồng, giảm 6%. Tỷ lệ nợ xấu ngược lại tăng từ 5,8% (năm 2020) lên mức 7,3%.

Như vậy, HD Saison dù chỉ ghi nhận mức lợi nhuận đi ngang nhưng đã chính thức vượt mặt FE Credit trong bảng xếp hạng lợi nhuận. 

Một công ty tài chính khác ghi nhận mức tăng trưởng khả quan trong năm 2021 là M-Credit. Theo thông tin từ phía Ngân hàng TMCP Quân đội (MB), M-Credit ghi nhận mức doanh thu 4.595 tỷ đồng cả năm 2021, tăng 21% so với mức thực hiện năm 2020. Lợi nhuận trước thuế đạt 601 tỷ đồng, tăng mạnh ở mức 87%.

Link nội dung: https://biztoday.vn/cuoc-chien-cho-vay-tieu-dung-loi-nhuan-hd-saison-vuot-mat-fe-credit-264623.html